Đã lâu lắm rồi người ta mới lại thấy Manchester United xếp ở vị trí thứ 12 lạ lẫm ở Premier League, cách xa đội đầu bảng Arsenal tám điểm và hứng chịu mọi ánh mắt nghi ngờ dò xét, thậm chí ngay cả từ các cổ động viên áo đỏ. Mọi tội lỗi được đổ lên đầu huấn luyện viên David Moyes và cuộc chuyển giao đầy sóng gió của ông, từ người tiền nhiệm vĩ đại Sir Alex Ferugson, nhưng có phải trách nhiệm chỉ là của Moyes?
Sáu trận đấu, hai thắng, một hòa và ba thua, số bàn thắng và bàn thua cùng là tám, có được bảy điểm. Chuyện gì đang xảy ra với Manchester United? Tại sao nhà đương kim vô địch lại rớt xuống nửa sau của giải Ngoại hạng?
Chuẩn bị chậm chạp
Chỉ ít ngày sau khi ký hợp đồng với Man United, David Moyes đã tới sân tập Carrington. Tuy nhiên sau lần ấy, Moyes lên máy bay đi nghỉ hè cùng gia đình trong ba tuần rồi mới quay về câu lạc bộ nhận việc. Đó là những dấu hiệu đầu tiên của sự chậm chạp trong công tác chuẩn bị mùa giải mới của Man United. Tân huấn luyện viên trưởng của họ nghỉ hè trong lúc rất nhiều việc cần được giải quyết, nổi cộm nhất là tương lai của Wayne Rooney.
HLV David Moyes sẽ làm gì để giúp MU thoát khỏi cơn khủng hoảng |
Những gì diễn ra tiếp theo trong tháng 7 và 8 phản ánh sự lề mề một cách khó hiểu. Chuyến du đấu châu Á tất nhiên phải đi vì đã có giao kèo, nhưng Moyes có lẽ không ngờ tới việc Thiago Alcantara đã sang Bayern Munich trước khi ông dẫn quân quay về Anh. Nếu như được sở hữu một chuyên gia kiến thiết như Thiago, Moyes có lẽ đã đặt viên gạch cực kỳ quan trọng cho cung điện mới xây của mình ở Old Trafford.
Moyes bù đắp thế nào cú vồ hụt ấy? Ông theo đuổi Cesc Fabregas, gửi tới Barcelona bốn tờ fax khác nhau để hỏi mua và đều bị từ chối. Moyes buộc phải quay sang phương án dự phòng: Móc ruột đội bóng cũ Everton. Leighton Baines không muốn, nhưng Marouane Fellaini đã vận động để được ra đi và toại nguyện trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Fellaini cùng với Guillermo Varela (tổng cộng gần 30 triệu bảng) là hai bản hợp đồng của Moyes trong cả mùa hè 2013, ngay cả Arsenal quen tằn tiện cũng chi tới 44 triệu bảng.
Vì sao lại có sự chậm trễ như thế? Do Moyes không quyết đoán, chọn sai mục tiêu, đánh giá sai thái độ hợp tác của các đội bóng khác hay do năng lực của Phó chủ tịch Ed Woodward quá kém? Có lẽ là tất cả những lý do ấy, nhưng ngoài ra Moyes cũng ở một vị trí bất lợi so với người tiền nhiệm khi mà Man United không muốn chi nhiều tiền để mua cầu thủ. Các câu lạc bộ lớn thường sẵn lòng mở hầu bao khi thay huấn luyện viên, còn Man United thì ngược lại.
Rệu rã lực lượng
Khi chuyến du đấu giao hữu trước mùa kết thúc, có thể thấy rõ là các cầu thủ Man United được chia làm hai phần rõ ràng. Những cựu binh chơi bóng uể oải, trong khi các cầu thủ trẻ đang chờ đợi cơ hội thế chân đàn anh thì rất hăng hái. Cứ nhìn Wilfried Zaha với Jesse Lingard xé toang các hàng thủ châu Á thì biết.
Sự uể oải của các cầu thủ cũ đến từ nhiều lý do, từ nhớ tiếc Sir Alex, chưa quen với lối chơi mới của Moyes cho đến bản thân họ cũng không còn động cơ thi đấu vì đã no nê danh hiệu hay muốn ra đi. Moyes muốn xây dựng một đội quân của riêng ông với những cầu thủ tuân thủ theo chiến thuật của ông, nhưng khi có trong tay những anh lính trẻ rất muốn được trao cơ hội thể hiện, Moyes lại đưa ra lựa chọn khi mùa giải bắt đầu: Tiếp tục tin dùng những cầu thủ lâu năm.
Rio Ferdinand vẫn ra sân dù mùa trước đã mất đi tốc độ do tuổi tác, và đã đứng im khi Morgan Amalfitano ghi bàn cho West Brom. Ryan Giggs ở tuổi 39 vẫn thi đấu trước Liverpool. Ashley Young sau chấn thương đã xuống phong độ rất nhiều nhưng tiếp tục xuất phát ở cánh trái. Antonio Valencia trận hay trận dở. Và Danny Welbeck có lẽ là ví dụ điển hình nhất của sự tồi tệ: Đá cánh cũng tồi, đá hộ công cũng không hay, và khi anh lên đá vị trí sở trường là trung phong cắm thì người ta lại phải hỏi Robin Van Persie đang ở đâu.
Xét theo tuổi tác và phong độ của các trụ cột, Man United năm nay yếu hơn đã đành, nhưng Moyes lại không dám đổi mới trong khi lòng quân đã rệu rã ngay từ khi mùa giải còn chưa bắt đầu. Cái mà Man United rất thiếu trong thời điểm này là tinh thần cạnh tranh, và cần phải trao cơ hội cho những cầu thủ đang lên để vừa giúp họ tỏa sáng, vừa kích thích ý chí thi đấu của các trụ cột vốn lâu nay ấm chỗ trong đội. Nếu một cầu thủ trở nên bất khả xâm phạm tại đội bóng của mình, sức ỳ sẽ lập tức xuất hiện.
Lòng kiên nhẫn bị thử thách
Moyes được ký hợp đồng sáu năm. Sáu năm cũng là thời gian để Ferguson đưa Quỷ đỏ trở lại là thành thế lực lớn của nước Anh. Điều đó chứng tỏ nhà Glazer tin rằng nếu Moyes được cho thời gian và cơ hội thì Man United sẽ tiếp tục chinh phục các danh hiệu. Sáu năm là một thời gian khá dài, trong khi cuộc khủng hoảng đã nổ ra chỉ sau sáu vòng đấu. Liệu có quá sớm để đánh giá tất cả?
Nhà Glazer sẽ đợi Moyes đến hết mùa giải này để chứng tỏ mình, và họ không cần ông đoạt cúp mà chỉ cần thể hiện một bộ mặt tích cực. Công bằng mà nói, đội hình Man United mà Sir Alex để lại cho Moyes là một tập thể rất nhiều điểm yếu, nhờ tài năng và bản lĩnh của Fergie mà những lỗ hổng được che đậy. Nay Moyes, một “thợ sửa ống nước” mới chân ướt chân ráo đến đây, phải chấp nhận đối mặt với những lỗ hổng ấy và sửa chữa chúng.
Nhưng Moyes cũng cần xem lại tư duy chiến thuật của chính mình. Adnan Januzaj vào thay Shinji Kagawa? Moyes tự bắn vào chân mình trong hiệp hai trận gặp West Brom vì cách thay người khó hiểu như thế. Anderson đá chính? Chẳng phải Moyes đã được xem Anderson làm gì khi Man United để thua ở Yokohama sao? Không chỉ có một đội hình quặt quẹo, Moyes gặp vấn đề ngay với chính những quyết định của mình trong lúc trận đấu diễn ra.
Để Man United thoát khỏi khủng hoảng, chính Moyes phải tự thay đổi mình. Nếu không, lòng kiên nhẫn sẽ bị thử thách. Người Mỹ làm bóng đá thì kém kiên nhẫn lắm!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)