Hai người từng được coi là thầy trò sẽ gặp nhau trong một trận đấu mà người thầy thậm chí có thể đã buông súng ngay từ khi chưa ra trận. Thật khó tin, nhưng chúng ta đang nói về “cậu học trò” Brendan Rodgers và “người thầy” Jose Mourinho, giờ là hai HLV của Liverpool và Chelsea.
Khi Mourinho trở thành nhà vô địch Champions League lần thứ hai cùng Inter Milan vào tháng 5/2010, Rodgers vẫn còn đang… thất nghiệp sau khi bị Reading sa thải. 8 năm trước, ai cũng có thể bắt gặp Rodgers trên tàu điện ngầm, phương tiện ưa thích của ông, trên đường đến Stamford Bridge.
Thầy & Trò
Khi Jose Mourinho tiếp quản Chelsea lần đầu tiên vào năm 2004, Rodgers giữ một vị trí trong Ban huấn luyện của HLV người Bồ Đào Nha, và như chính Rodgers thừa nhận, ông đã học hỏi được rất nhiều từ Mourinho: “Có thể tôi sẽ không có ngày hôm nay, nếu không có ông ấy”. Khi Mourinho rời Chelsea vào năm 2007, Rodgers đang huấn luyện đội trẻ, và có lẽ chẳng ai ngờ rằng một ngày, họ sẽ gặp nhau với tư cách hai đối thủ lớn của nhau.
Giới bóng bầu dục hay nói về “cây HLV”, khái niệm về chuyện một HLV thành công làm việc với rất nhiều trợ lý HLV và một vài trong số đó sẽ tiếp tục trở thành những HLV hàng đầu. Nếu áp dụng khái niệm đó với Mourinho, thì “cây huấn luyện” của ông gồm các cành Rodgers, Andre Villas-Boas và Steve Clarke.
Với Villas-Boas và Clarke, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều điểm tương đồng về lối chơi (không phải tính cách), đều là những HLV thiên về phòng ngự hơn là tấn công. Với Rodgers thì ngược lại: HLV của Liverpool có rất ít điểm chung với “ông thầy” của mình, thậm chí, triết lý của Rodgers hoàn toàn trái ngược với Mourinho.
Thận trọng không có trong từ điển của Rodgers. Ông là một HLV trực diện, luôn chơi bóng đá tấn công và cố gắng giành chiến thắng trong từng phút hiện diện trên sân. Thậm chí, có lẽ Rodgers chẳng biết bắt đầu từ đâu, nếu ông phải làm một “đề bài” có tựa: “Thủ hòa”.
Ngược lại, Mourinho là một bậc thầy của phòng ngự phản công, thậm chí là phòng ngự đến tiêu cực. Chiến thuật của ông xoay quanh việc hạn chế và tiêu hao sức mạnh đối thủ, khai thác điểm yếu của họ, hơn là áp đặt lối chơi và tấn công tiêu diệt.
Sự tương phản
Mùa này, Liverpool chưa từng hòa 0-0, và trận gần nhất họ chỉ ghi được 1 bàn đã diễn ra cách đây hơn 2 tháng, thất bại 1-2 trước Arsenal ở FA Cup. Mourinho, ngược lại, vừa cầm hòa Atletico Madrid 0-0 ở Champions League, trong một trận đấu mà Chelsea đã triển khai lối chơi “đỗ xe bus” vốn là sở trường của HLV người Bồ, trong tổng số 4 trận hòa không bàn thắng của họ mùa này.
Liverpool thực sự là một cỗ máy tấn công tàn phá, với chân sút số một Luis Suarez đã ghi 30 bàn mùa này ở Premier League, trong tổng số 96 bàn của cả đội, con số chưa từng có trong lịch sử một mùa bóng của Liverpool. Ngược lại, Chelsea là đội để thủng lưới ít nhất cho đến thời điểm này, với chỉ 26 bàn thua. Liverpool thì thủng lưới nhiều hơn cả Crystal Palace, hiện xếp thứ 11, và Hull, thứ 14, với 44 bàn thua.
Họ không chỉ trái ngược trong cách tiếp cận trận đấu và chiến thuật trên sân, mà ở cả ngoài sân. Mourinho sẵn sàng va chạm với bất kỳ ai, trong những cuộc khẩu chiến và tranh cãi bất tận, gây thù chuốc oán với đối thủ, trọng tài. Ông thậm chí còn từng mắng cả một cậu bé nhặt bóng mùa này!
Rodgers, dù rất cháy bỏng trên sân, lại luôn dĩ hòa vi quý ngoài đường piste, hoặc ít ra, ông không để cho công chúng biết rằng mình đã quản lý thế nào. Mourinho thích tranh cãi và “trình diễn” trước số đông, còn Rodgers kín đáo, thâm trầm.
Nếu Mourinho phàn nàn về các tiền đạo của ông quá nhiều mùa này, và phàn nàn một cách công khai, thì Rodgers luôn thích khích lệ các cầu thủ của mình, không phải bằng những lời lẽ đao to búa lớn, mà đơn giản là khen ngợi đúng điểm mạnh nhất của họ. Ông gọi Joe Allen là “Xavi người xứ Wales”, và Raheem Sterling “được làm từ thép”, đại loại như thế. Ông không khích tướng họ bằng những lời lẽ nặng nề, trái lại, luôn tìm cách làm họ cảm thấy tự hào và từ đó cống hiến hết sức mình.
Vĩ thanh
Người thành công nhất lúc này trong số các “học trò” của Mourinho không phải là Rodgers (đó là Villas-Boas), nhưng người dám đối đầu với “ông thầy” một cách trực diện và làm cho HLV người Bồ tuyệt vọng vào thời điểm này chỉ có Rodgers. HLV của Liverpool thừa nhận ảnh hưởng từ Mourinho, nhưng thay vì làm giống như những gì Mourinho đã làm, Rodgers chỉ quan sát, học hỏi, rút tỉa, và… làm ngược lại những gì Mourinho thường làm.
Đó cũng là điều Mourinho từng làm với những “người thầy” của ông, là cố HLV Bobby Robson và HLV Louis Van Gaal. Mourinho học hỏi từ họ kỹ năng, phương pháp (ví dụ như cách ghi chép và phái trợ lý lên khán đài để nắm được toàn cục là ảnh hưởng từ Van Gaal rõ nét nhất), nhưng triết lý thì trái ngược: Van Gaal từng bảo “Mourinho là kẻ giết chết bóng đá”, và Robson, một tín đồ bóng đá tấn công, có lẽ cũng không ưa lối chơi phòng ngự của cậu học trò cũ. Nhưng đó có lẽ là điều khiến Mourinho thành công đến mức này: Không để tư tưởng của bất kỳ ai dẫn lối hành động của mình, dù đó có là thầy của ông.
Rodgers đang đi lại con đường ấy của HLV người Bồ. Mourinho đã tung cờ trắng, bằng việc thừa nhận Chelsea sẽ ra sân với đội hình B. Đó giống như một sự xác nhận tài năng của Rodgers, người chịu ảnh hưởng từ ông thầy của mình theo một cách rất đặc biệt: Làm ngược lại những gì Mourinho bảo.
Theo Khám Phá