Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Khi Premier League kỳ thị những “cây sào”

Thứ Bảy 14/12/2013 17:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tầm vóc và thể lực là những ưu điểm rất dễ thấy trong bóng đá. Về cơ bản, nếu những yếu tố khác như nhau, một cầu thủ to cao hơn sẽ có lợi thế hơn trong tranh chấp và đương nhiên được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, ít nhất là trong vài năm trở lại đây, mẫu cầu thủ kiểu “cây sào” không còn được ưa chuộng ở giải Ngoại hạng…

Một thời là “hàng hot”

Bạn có thể chưa bao giờ nghe tới cái tên Charles Reep, nhưng vị cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia (về sau chuyển nghề làm nhà phân tích bóng đá) này đã có đóng góp cực lớn trong việc xây dựng nền tảng tư tưởng cho bóng đá Anh thời hiện đại. Sau khi nghiên cứu số liệu thống kê về các bàn thắng trong suốt gần 20 năm ròng rã (từ 1953-1967), Reep kết luận rằng có tới hơn 80% các pha lập công đến sau không quá 5 đường chuyền, tức là các đội bóng cũng không cần chuyền qua chuyền lại nhiều làm gì cho… mệt và tốt nhất là nên rót bóng bổng thằng vào khoảng không 1/3 sân đối phương. Công trình của Reep (xuất bản trên Tạp chí Thống kê và Xã hội Anh) đã gây được tiếng vang lớn và các đội bóng Anh bắt đầu triệt để áp dụng lối chơi bóng dài, bổng, “kick and rush” kể từ đó.

Tầm vóc và thể lực là những ưu điểm rất dễ thấy trong bóng đá.
Tầm vóc và thể lực là những ưu điểm rất dễ thấy trong bóng đá.

Không chỉ có tác động lớn về mặt lối chơi, triết lý bóng dài mà Reep có công khai phá còn góp phần định hình cho tư duy đào tạo bóng đá trẻ của người Anh suốt nhiều thế hệ. Khi các CLB sử dụng nhiều bóng bổng thì hiển nhiên là các cầu thủ to cao vẫn sẽ có nhiều đất dụng võ hơn so với những “gã lùn”. Vì thế, những phẩm chất đầu tiên mà các HLV đội trẻ nhắm đến sẽ là chiều cao & thể lực và khi còn ở lứa trẻ thì những cậu bé cao lớn sẽ được ưu tiên hơn so với những anh bạn nhỏ con. Dẫn chứng? So với những nền bóng đá khác, bóng đá Anh là nạn nhân nặng nề nhất của “Hiệu ứng độ tuổi tương đối” (những đứa bé sinh vào đầu năm thường được đánh giá cao hơn những bạn sinh cuối năm, không phải vì giỏi hơn mà vì chúng “già” hơn khoảng 9-10 tháng tuổi. Điều này có thể khiến các tài năng bóng đá sinh vào cuối năm bị bỏ sót). Theo công ty dữ liệu thể thao Prozone, có tới 50% số tuyển thủ U-17 Anh trong vòng 10 năm trở lại đây được sinh ra trong quãng thời gian từ tháng 1-3 (trong khi, về lý thuyết, giai đoạn này chỉ nên chiếm 25% số tuyển thủ mà thôi). Ai mà biết liệu họ có để lọt mất những Messi, Xavi, Iniesta “phiên bản Anh” hay không?

Nay bị bỏ quên

Tuy nhiên có vẻ như tình hình đang dần thay đổi. Có lẽ vì ảnh hưởng từ thành công của ĐT TBN cũng như Barcelona trong những năm gần đây, các đội bóng ở giải Ngoại hạng đang “tiki-taka hóa” lối chơi một cách hết sức mạnh mẽ và tỷ lệ các đường chuyền dài đã giảm nhanh đến mức đáng kinh ngạc. Kể từ đầu mùa giải 2013/14 đến nay, số đường chuyền trên 25 mét ở Premier League chỉ chiếm 18,2% trên tổng số các pha chuyền bóng và đây là tỷ lệ thấp nhất châu Âu, thậm chí còn thấp hơn cả La Liga hay Serie A. Chưa hết, tỷ lệ chuyền bóng chính xác cũng đang gia tăng nhanh chóng. Mười năm trước, vào mùa giải 2003/04, xác suất để quả bóng đi đến đúng địa chỉ sau khi rời chân một cầu thủ tại giải Ngoại hạng chỉ là 73%. Đến nay, có tới 85% khả năng là nó sẽ tìm đến đúng nơi cần đến. Và độ chính xác gia tăng không phải vì các CLB Premier League thực hiện nhiều đường chuyền ngang, chuyền về vô nghĩa: tỷ lệ số đường chuyền hướng lên phía trước đã tăng từ 60% trong mùa 2003/04 lên 71,8% ở mùa giải năm nay. Như vậy, rõ ràng là các đội bóng Anh đã điều khiển trái bóng một cách tinh tế và kỹ thuật hơn hẳn và không còn nhiều đất diễn cho những “cây sào” cao lớn nhưng vụng về như Peter Crouch.

Bị trọng tài ghét

Không chỉ kém hiệu quả trong việc triển khai lối chơi, các cầu thủ to cao còn có một hạn chế hết sức rõ ràng khác: họ dễ bị thổi phạt hơn trong các tình huống nhạy cảm, gây tranh cãi. Dễ thấy rằng trong một trận đấu có hàng chục pha va chạm nằm ngoài tầm quan sát của trọng tài, và khi không được sử dụng băng ghi hình thì các vị vua sân cỏ biết dựa vào cái gì để đưa ra quyết định thổi phạt? Trả lời: cảm tính.

Và khi hành xử một cách cảm tính thì người ta thường thiên vị cho ai? Trả lời: những cầu thủ nhỏ con, những anh chàng “trông có vẻ tội nghiệp” dù chưa chắc họ đã hoàn toàn vô tội – đó là khẳng định của hai tiến sĩ Niels van Quaquabeke (ĐH Kuhne, Đức) và Steffen Giessner (Học viện quản lý Rotterdam, Hà Lan) sau khi nghiên cứu dữ liệu thống kê của các trận đấu ở Premier League trong vòng 7 mùa giải. Hai ông đã chứng minh rằng “trong các tình huống không rõ ràng, con người thường có xu hướng giả định rằng cầu thủ nhỏ con dễ bị phạm lỗi hơn so với những người cao lớn”. Nói cách khác, nếu Kieran Gibbs va chạm với David Silva và cả hai đều ngã thì chưa chắc Gibbs đã bị thổi phạt, nhưng nếu Silva lăn ra sân sau một pha tranh chấp với Per Mertesacker thì gần như chắc chắn trọng tài sẽ nổi còi phạt trung vệ người Đức. Hàm ý của nghiên cứu này là gì? Là các HLV có thể tận dụng những phán đoán cảm tính của trọng tài để kiếm về cho đội mình thêm vài quả phạt. Thay vì bố trí Edin Dzeko hoạt động ở vị trí mà Mertesacker trấn giữ, Manuel Pellegrini có thể xếp Sergio Aguero vào đó chẳng hạn.
 
Theo Bóng Đá Toàn Cầu

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X