Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Khi nào đại gia Anh có "Ronaldo đệ nhị"?

Thứ Sáu 19/04/2013 13:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thay vì mua những cầu thủ trẻ, các đại gia Anh bây giờ chuyển hướng sang săn lùng những ngôi sao có tên tuổi với đẳng cấp đã được khẳng định.

Khi các ông chủ đánh mất sự kiên nhẫn

Năm 2006, khi MU chiêu mộ Michael Carrick, Alex Ferguson đã đề ra một đạo luật bất thành văn, đó là không mua cầu thủ nào quá 25 tuổi. Mục đích của ông già gân là muốn những gương mặt mới có đủ thời gian để hòa nhập vào môi trường mới (thông thường từ 2-3 năm) trước khi bước vào quãng đời đẹp nhất của đời cầu thủ (khoảng 26-28 tuổi).

Torres rất có duyên ở đấu trường Cúp
Torres: Nỗi thất vọng của Chelsea

Mặc dù vậy, sau đó đúng 2 năm, chính Fergie đã phá vỡ “lời thề” của ông khi phá két để đưa về Dimitar Berbatov. Tiền đạo người Bulgaria chuyển tới Old Trafford lúc đã bước sang tuổi 27. Kết quả ai cũng rõ, cựu cầu thủ của Tottenham thất bại trong việc tìm một chỗ đứng ở Nhà hát của những giấc mơ và phải ra đi vào mùa hè trước.

Berbatov chỉ là một trong số rất nhiều siêu tiền đạo đánh mất giá trị bản thân dưới áp lực khủng khiếp của khoản tiền chuyển nhượng khổng lồ. Trước anh, Shevchenko, Pavlyuchenko và Robbie Keane đều biến mất khi đầu quân cho những đại gia ở xứ sương mù (Chelsea, Tottenham, Liverpool).

Tuy nhiên, nếu so sánh về độ thất vọng thì những cái tên trên không thể nào so sánh được với Fernando Torres. Được Chelsea trải thảm đỏ rước về với giá 50 triệu bảng (đắt nhất trong lịch sử Premier League) nhưng El Nino không tài nào lấy lại được hình ảnh hồi còn thi đấu cho Liverpool. Anh chỉ là sự lựa chọn thứ hai sau Drogba lúc Voi rừng còn thi đấu, và buộc phải chấp nhận xoay tua khi Demba Ba gia nhập The Blues.

Điểm chung dễ nhận của những siêu tiền đạo trên, đó là họ đều ngoài 25 khi chuyển tới đội bóng mới. Thông thường ở độ tuổi đó, các chân sút đã định hình được phong cách và rất khó thay đổi để phù hợp với môi trường mới, trừ phi đội bóng mới có sẵn định hướng để phát huy tối đa sức mạnh của những “siêu nhân” này.

Nhưng không phải lúc nào, những huấn luyện viên cũng có may mắn được chơi xếp hình trên những mảnh ghép ưa thích. Mourinho bị Abramovich giúi vào tay một Sheva không phù hợp, hay Ancelotti cũng bất ngờ sở hữu Torres khi vẫn chưa biết sẽ xếp tiền đạo này chơi ở đâu.

Mọi chuyện có lẽ đã không như vậy, nếu như vị tỷ phú người Nga không bị Champions League ám ảnh hay Alex Ferguson không bị nỗi lo tuổi già đè nặng. Sự thiếu kiên nhẫn vào đội hình hiện tại, cộng thêm những hoài nghi về tương lai khiến các ông chủ của MU, Man City hay Chelsea buộc phải lựa chọn những phương án mà họ cho là ít rủi ro. Đó là đầu tư vào những siêu tiền đạo có số má, thay vì tin dùng các tài năng trẻ.

Đến khi nào Ronaldo đệ nhị ra đời

Mỗi một đội bóng có một lối đá riêng, cũng như mỗi huấn luyện viên lại có một triết lý thi đấu khác nhau. Việc đầu tư vào những ngôi sao lớn, về bản chất không phải là một cách làm sai, nhưng nó lại giảm thiểu đáng kể độ bền vững của những tập thể này.

Thử tưởng tượng, nếu Falcao tới MU, với thương hiệu “tiền đạo cắm hàng đầu thế giới”, chắc chắn Mãnh hổ người Colombia sẽ mong muốn được hưởng mức ưu đãi tương đương với Van Persie hay Rooney, những tiền đạo được cho là dưới tài anh vào lúc này.

Hay nếu Cavani, ngôi sao ghi bàn số một tại Serie A chuyển tới Chelsea, anh sẽ đòi mức đãi ngộ ra sao, so với Torres, người đang bị chê là chân gỗ, nhưng vẫn đút túi tới 175.000 bảng/tuần.

Chỉ nhìn vào những ví dụ như vậy, để thấy rằng có tiền để mua siêu sao cũng chẳng phải điều đơn giản. Ở khía cạnh câu lạc bộ, một người mới đến cần phải thể hiện được tài năng trước khi đòi hỏi này nọ. Nhưng trên góc nhìn của các ông sao, họ có cái tôi cá nhân cực lớn, và nếu không được trả thù lao xứng đáng, họ sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bất mãn.

Nhìn lại 2 siêu sao bóng đá lớn nhất hành tinh vào lúc này là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, có thể thấy họ đều trưởng thành khi còn trẻ tại một câu lạc bộ. CR7 được Sir Alex chăm bẵm khi vừa 18 tuổi, và anh ở đó tới 6 năm để trở thành "người đến từ sao Hoả". M10 thậm chí còn khủng hơn thế, khi anh ăn cơm ở Nou Camp lúc chỉ 12, 13 tuổi, thấm nhuần văn hoá nơi đây và coi xứ Catalan như ngôi nhà thứ hai.

Chính họ (Ronaldo và Messi) đã tạo ra sự khác biệt so với phần còn lại của giới túc cầu. Họ đi lên với xuất phát điểm là những chàng trai vô danh, yêu câu lạc bộ họ đầu quân và khát khao thể hiện mãnh liệt mỗi khi ra sân thi đấu.  Chỉ khi nào những đại gia Anh hiện tại nhìn ra được những điểm như thế, có lẽ họ mới có thể sở hữu một Ronaldo đệ nhị.

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X