- Man Utd vô địch Premier League, Ronaldo giành Quả bóng vàng?
- Rooney làm thủ quân Man Utd: Thiên thần trong bộ dạng "ác quỷ"
- Louis Van Gaal: “Lỗ đen” Old Trafford
Sir Alex và David Moyes
MU của Sir Alex luôn duy trì được sự tự tin. Đã có lúc họ đá không tốt, đã có những thất bại vào lúc không nên thất bại, trong đó có cả những trận thua muối mặt, nhưng nó không làm MU đánh mất phong thái của kẻ chinh phục. Dù trong những năm cuối, đội hình của Sir Alex rời rạc, kém chất hơn thời Beckham, Ronaldo, song ông vẫn thường xuyên lèo lái con tàu đến những vinh quang nhất định. Chắt chiu từng chiến thắng, bị ngã thì lại đứng lên, đó mới là cái thể hiện bản lĩnh của MU, chứ không phải vì họ quá mạnh, cứ thắng và thắng mãi.
Vào những thời điểm mà chính các cổ động viên cũng thấy MU ở thế yếu, Sir Alex vẫn hoàn toàn bình thản và tin tưởng khi khẳng định đội bóng đủ mạnh và ngang hàng với các đối thủ lớn. Niềm tin đó được ông truyền vào cầu thủ, và họ đá đúng như thế thật, những trận đấu trước Man City hay Real đã đem đến cho người MU nhiều xúc cảm và tự hào, MU có thể chơi ngang cơ dẫu ai cũng biết các đội kia nhiều sao hơn hẳn so với Quỷ đỏ. Có thắng có thua, có lên có xuống, nhưng chẳng bao giờ xuống hẳn, mỗi khi va vào những chướng ngại khổng lồ, “cái tôi của Quỷ” như cũng khổng lồ lên theo. Không cần biết những Smalling, Cleverley, Evans chỉ là cầu thủ hạng khá, không cần biết Evra, Ferdinand đã già, họ chỉ biết họ là MU, đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh và trong 4 năm liền 3 lần vào chung kết Champions League, thế là đủ.
David Moyes thì khác, ông giúp các cổ động viên và các đối thủ nhận ra MU nhiều điểm yếu đến thế nào. Sự rụt rè, thận trọng, cầu toàn của Moyes là không khó hiểu khi bỗng dưng được tiếp quản một tập thể danh tiếng phủ khắp toàn cầu, với những cái đích luôn là ngôi vô địch. Thật khó để khẳng định MU có sai lầm khi chọn Moyes hay không, bởi biết đâu nếu có thêm thời gian để thích nghi và tìm thấy con đường sáng, ông có thể tạo ra một phiên bản MU mạnh mẽ của riêng mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh lòng tin sụt giảm, các cổ động viên chán ngán vì vị trứ thứ 7, khi các đối thủ cứ đi lên còn Moyes chẳng có căn cứ nào để kỳ vọng, thời gian sẽ chẳng biết bao nhiêu là đủ. Moyes không có kinh nghiệm ở đẳng cấp này, và sự kiên nhẫn một cách chông chênh có thể chỉ kéo dài những thiệt hại vô hình lẫn hữu hình mà MU phải gánh lấy, sau đế chế 27 năm Sir Alex dày công gây dựng.
Người MU không quen, họ không chịu nổi cảm giác ê chề khi liên tục bị hạ gục bởi các đội bóng vốn bị MU coi là “kho điểm”. Họ cũng không chịu nổi việc bước vào các trận đấu với đối thủ mạnh bằng tâm lý sợ sệt, cầu hòa, chơi một thứ bóng đá mong manh. Dấu ấn tuyệt vời nhất của David Moyes là khi MU gặp Bayern ở tứ kết Champions League, nhưng rồi đâu lại vào đó, MU lại vẫn chìm đắm trong những bất cập. Cầu thủ xuống phong độ, cảm hứng thi đấu không có, chiến thuật nghèo nàn, khô cứng, người MU có quyền thắc mắc tại sao họ không thể tìm kiếm một chiến lược gia đẳng cấp hơn, cá tính hơn. Và rồi Van Gaal đã đến.
Với Van Gaal, MU lại là MU
Chỉ mới là giao hữu, chỉ mới qua một thời gian không dài, chỉ mới là thử nghiệm của cả MU lẫn những đội mà MU vừa gặp, nên đừng mơ mộng vội vàng. Cái đáng vui với các cổ động viên chưa phải chuyện MU sẽ lại cạnh tranh ngôi vô địch, sẽ lại giành các thể loại cup, mà quan trọng là họ lại thấy MU đang “sống”, Quỷ đỏ đang sống, đang trở lại. Nên nhớ MU là một thương hiệu thể thao lớn như thế nào, Van Gaal hay bất cứ ai sẽ chỉ là những cá nhân thay phiên nhau nâng tầm thương hiệu đó, nó rất khó bị “đánh sập”. Sir Alex với một triều đại huy hoàng đã tạo nên cho MU một nền móng quá vững chắc về mọi mặt để có thể phát triển lâu dài, đủ sức vượt qua những khó khăn nếu có. Cười khi MU thất bại cũng chẳng sao, người thành công nhất luôn là những người từng thất bại nhiều nhất, có điều họ có thể bước tiếp để lại thành công, đó là cách họ khác biệt với phần còn lại.
Van Gaal đương nhiên cũng rất khác biệt, ông chính là sự lựa chọn có lý trong thời khắc này, thời khắc đế chế cũ đang tạm bước qua những ngày tăm tối. MU đang cần một nguồn năng lượng mang tính đột phá để bật dậy, cầu thủ cần người thúc ép họ đi vào chu trình của một đội bóng tham vọng, một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng luôn có chỗ cho những nghị lực cống hiến. Chừng nào MU vẫn là đội bóng đá vì những mục tiêu lớn, ban lãnh đạo vẫn khao khát thành công, thì những Van Gaal sẽ còn đến, những ngôi sao sẽ còn đến. Với Van Gaal, MU giống thời Sir Alex ở chỗ không cần đến mức phải là “dải ngân hà” thừa mứa nhân tài như nhiều đội, anh là hạng khá cũng được, là cầu thủ trẻ cũng không sao, miễn có ích cho lối chơi chung thì sẽ được trọng dụng. Cảm giác giờ đây ai cũng cố gắng hết mình để có được vị trí trong những sơ đồ của Van Gaal, họ ý thức rõ giá trị của bản thân và nhìn thấy tương lai ở cách vận hành mới.
MU lại đang dần lạnh lùng, khôn ngoan, bản lĩnh như trước. Trước các đội bóng Ý chơi phòng ngự, MU không bị dính bẫy ồ ạt lao lên, họ kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, và cũng chẳng ngại dắt tay vào loạt luân lưu may rủi. Trước Real nổi tiếng tấn công đa dạng, MU lại đá phòng ngự phản công một cách hài hòa, na ná như cách Hà Lan thắng Tây Ban Nha ở World Cup 2014. Rồi trước đại kình địch Liverpool, tuy bị dẫn trước song MU không hề bị cuống, họ vẫn đều đều triển khai lối đá. Cuối cùng các cầu thủ Liverpool cũng phải xuống sức và sơ hở sau khi cố gắng pressing đuổi bóng cả trận, và MU tiếp tục giành chiến thắng. Một điểm tích cực nữa đó là khả năng phòng ngự, các hậu vệ, trung vệ còn non, còn lóng ngóng, có sai lầm, song nhìn chung MU đang có một tổng thể hỗ trợ nhau tương đối tốt. Gặp đủ các loại đối thủ từ yếu đến mạnh, MU mới chỉ lọt lưới 4 bàn sau 5 trận, trong khi đã ghi tới 16 bàn thắng dưới thời Van Gaal. Nó đối lập rất mạnh với thành tích tiền mùa giải của Moyes, dù MU khi đó chỉ đá với những đội bóng trung bình hoặc vô danh.
Cần nhắc lại, loạt trận có bản chất là giao hữu vừa kết thúc không thể đánh giá chính xác được những gì sẽ diễn ra trong mùa bóng. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, nếu sau mùa hè năm ngoái David Moyes vẫn mơ hồ và loay hoay với những gì ông có, thì hình như Van Gaal đã khá hiểu, khá biết cách dùng các nhân tố trong đội hình cho tương thích với triết lý của ông. Đúng như Van Gaal đã nói, ông huấn luyện “cái đầu” cho cầu thủ chứ không phải đôi chân, ai đá ra sao, kỹ năng ở mức nào đều đã rõ, cái ông làm là khơi dậy tất cả tiềm năng của họ, chỉ cho họ con đường đúng đắn để phát huy tiềm năng ấy, cùng nhau kết hợp thành một tập thể ưu tú. Biến một đội bóng hạng 7 thành một ông lớn như thói quen trước đó, Van Gaal rất thẳng thắn với mục đích này, và coi đó là sở thích, là sở trường của ông.
Lời nhắc nhở của Brendan Rodgers về tính khốc liệt của Premier League là không thừa, ông đã ở Anh đủ lâu để hiểu. Nhưng với một huấn luyện viên có kinh nghiệm đỉnh cao quá đỗi phong phú như Van Gaal, tin rằng ông chẳng ngại, mà dẫu có ngại thì rồi cũng sẽ thích ứng được. May mắn là năm nay MU không phải đá cup châu Âu, dồn toàn lực cho đấu trường quốc nội là lợi thế lớn trong năm “chạy đà” này của ngài “Tulip thép”. Vấn đề thể lực sẽ phải được giải quyết, độ ổn định, nhuần nhuyễn, khả năng thay thế các vị trí sẽ phải được kiện toàn, và không gì tốt hơn là chỉ phải quan tâm đến một giải đấu duy nhất, MU sẽ dễ dàn sức hơn, dễ ổn định lực lượng hơn. Giống như mùa trước, mùa này lại sẽ là một mùa giải gây hồi hộp, gây mong ngóng với các fan MU và cả với các antifan MU. Để xem, liệu Van Gaal có trở thành một thuyền trưởng vĩ đại tiếp theo ở Old Trafford.
Theo Bongda