Vài ngày sau khi gây thất vọng với trận hòa 1-1 trên sân Blackburn, Man City đã nhanh chóng lấy lại niềm tin bằng set tennis trước West Ham. Một khi Pellegrini đặt niềm tin vào những cầu thủ chủ chốt, các đối thủ của họ có rất ít cơ hội.
Có một điều mà giới truyền thông hay tâm niệm về Man City: họ có một đội hình quá giàu chiều sâu. Chấn thương, thẻ phạt hay lịch thi đấu dày đặc không hề khiến họ lo lắng bởi đội chủ sân Etihad có sẵn tiêu chí hai ngôi sao cho một vị trí, và những người ngồi ghế dự bị hoàn toàn có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào, giống như các ngôi sao ở đội hình chính. Suy nghĩ ấy cũng dễ hiểu khi Man City đã tiêu hàng trăm triệu bảng để có được đội hình như bây giờ. Và quả thực là họ có đội hình giàu chiều sâu nhất ở Premier League.
Pellegrini ít xoay vòng hơn Mancini
Nhưng thật ra, vẫn có một khoảng cách đáng kể giữa đội hình chính và đội hình dự bị, và điều đó phụ thuộc vào cách sắp xếp nhân sự của HLV. Đây là khác biệt lớn nhất giữa Manuel Pellegrini và người tiền nhiệm Roberto Mancini. Tạm bỏ qua những tính toán về chiến thuật hay đội hình bởi mỗi HLV đều có những tư tưởng và giáo án riêng của mình, hãy nhìn cách mà họ sử dụng cầu thủ. Pellegrini thường xuyên chọn 11 cầu thủ mạnh nhất, và trao cơ hội cho một, hai người từ băng ghế dự bị dựa theo phong độ của họ. Trái lại Roberto Mancini thích làm thợ hàn với việc xoay tua đội hình, trừ một vài trụ cột như Joe Hart, Vincent Kompany, Yaya Toure và Sergio Aguero.
Kết quả: đội hình của Mancini hiếm khi được coi là mạnh nhất. Ngoại trừ thời điểm nước rút ngoạn mục ở 6 trận cuối mùa giải 2011-12, khi chiến lược gia người Italy sử dụng đội hình mạnh nhất có thể để vượt qua khoảng cách 8 điểm với Man United và đăng quang thuyết phục, Mancini thường chỉ bố trí một đội hình đủ mạnh để chiến thắng. Tư tưởng ấy đi ngược với Pellegrini, người thường xuyên sử dụng đội hình mạnh nhất có thể nhằm hủy diệt đối phương, dù đội hình hai của ông khá mạnh.
Javi Garcia từng nhiều lần gây thất vọng, nhưng thật ra đó là những trận anh phải đá ở vị trí trung vệ, do những chấn thương đã loại đi những lựa chọn hàng đầu của Pellegrini ở trung tâm hàng thủ. Còn nếu đá tiền vệ trụ, anh là giải pháp không tồi, dù đẳng cấp không bằng Yaya Toure và Fernandinho, hai trong số những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Bố trí một trong hai ngôi sao ấy đá cặp với Javi Garcia là cũng đủ vững chắc.
Tương tự, Edin Dzeko cũng là một chân sút có hiệu suất làm bàn khá ổn định (đã ghi 14 bàn mùa này). Gael Clichy không thua gì Kolarov và có thể đá cả bên hành lang phải. Joleon Lescott hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí trung vệ khi Matija Nastasic, Martin Demichelis hoặc Kompany gặp vấn đề về thể lực. Ngay cả Costel Pantilimon cũng không phải quá tồi so với Joe Hart, dù chính anh mắc lỗi dẫn đến trận hòa 1-1 với Blackburn.
Tham vọng ăn tư? Quá khó
Khác biệt của Man City so với nhiều đại gia Premier League: họ vẫn khá vững vàng nếu chỉ vắng mặt một, hai trụ cột. Tuy nhiên, nếu xoay vòng quá nhiều, thì những vấn đề sẽ bộc lộ, mà trận hòa tại Ewood Park là một minh chứng. Đó là một trận đấu hiếm hoi mà Pellegrini thay đến hơn nửa đội hình chính thức và Man City gặp khó khăn cả ở khâu phòng ngự lẫn tổ chức tấn công. Bài học ấy đã được rút kinh nghiệm ở trận tiếp West Ham, khi Zabaleta, Kompany, và Yaya Toure lần lượt trở lại. Kết quả: Man City đè bẹp đối thủ tới 6-0.
Tất nhiên, triết lý ấy của Pellegrini đã đặt rất nhiều sức ép lên các cầu thủ trụ cột. Một trong những nỗi lo lắng lớn nhất mùa này là điều gì sẽ xảy ra nếu Yaya Toure và Fernandinho chấn thương. Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với Kompany ở giai đoạn đầu mùa và Aguero hiện nay. Việc sử dụng cầu thủ thế nào để đạt thành công cho cả một chặng đường là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là khi Man City vẫn đang ôm mộng ăn tư.
Theo Thể Thao Văn Hoá