Với Jose Mourinho, những yếu tố làm nên chiến thắng không chỉ có ở trong mà còn ở bên ngoài sân cỏ.
Nhắc đến những “tâm lý chiến” trong bóng đá hiện đại, có lẽ không huấn luyện viên nào xuất sắc hơn Mourinho (Sir Alex Ferguson có thể là một ứng cử viên tiềm năng khác, nhưng rất tiếc ông đã giải nghệ).
Các cầu thủ Chelsea được giảm áp lực nhờ ông thầy cáo già của mình.
Người ta yêu Mou hay ghét Mou, khâm phục hay coi thường Mou, có một phần không nhỏ là do những gì ông nói, bên cạnh thành tích hay tài năng của ông trên sân cỏ. Và sự khôn ngoan một cách cáo già ấy, rất có thể sẽ là yếu tố quyết định tới chức vô địch Premier League mùa giải năm nay.
Trước trận đại chiến với Manchester City tại Etihad, The Blues đã có một trận hòa đáng thất vọng với tỷ số 0-0 ngay trên sân nhà trước đối thủ cùng thành phố West Ham United. Nhưng chi tiết đáng chú ý nhất lại đến từ buổi họp báo sau trận đấu, khi HLV người Bồ Đào Nha mô tả lối chơi của đối thủ như là “thứ bóng đá của thế kỷ 19”.
Cụm từ ấy lan truyền với một tốc độ khủng khiếp, xuất hiện trên tựa đề các bài báo, trong các câu chuyện đùa trên mạng, và thậm chí người ta còn viết ra những bài phân tích dài để chỉ ra chính xác thế nào là “bóng đá của thế kỷ 19”. Chính nhờ câu phát ngôn “bất hủ” ấy, không ai còn chú ý đến việc hàng công đắt giá của Chelsea đã thi đấu bất lực và uể oải như thế nào trước đối thủ nằm ở tốp đáy bảng xếp hạng.
Và rồi khi giới truyền thông và người hâm mộ bắt đầu tự hỏi Mourinho sẽ dùng chiến lươc nào để chống lại hàng công cực mạnh của Man City trên sân nhà, thì Người đặc biệt chuyển sang… công kích các đối thủ. Ông chê Arsenal được hưởng lợi từ lịch thi đấu, “tố cáo” Man xanh được trọng tài thiên vị, và thậm chí còn bày tỏ cảm thông với tình thế của MU ở thời điểm hiện tại.
Pellegrini, như thường lệ, tránh không đưa ra bất cứ bình luận nào về những lời phát biểu của Mourinho, trong khi Wenger phản pháo một cách yếu ớt. Giới truyền thông sôi sục lên và lục lọi những con số thống kê để chứng minh Mourinho sai hay đúng.
Trong suốt thời gian ấy, các cầu thủ Chelsea âm thầm tập luyện, “nghiên cứu kỹ băng video chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của từng vị trí trong đội hình Man City”, như Matic đã tiết lộ sau trận đấu. Và sự phớt lờ chú ý của báo chí và người hâm mộ với họ bỗng nhiên đã trở thành một lợi thế tâm lý rất lớn như ta đã thấy trong trận đấu tại Etihad. Đây không phải là lần đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng, Người đặc biệt bày ra những cuộc chiến tâm lý như thế để mang lại lợi thế cho đội bóng của mình.
Nhà báo Ouriel Daskal của tờ The Sun từng có cơ hội được phỏng vấn trực tiếp Jose Mourinho, và có một câu nói của Người đặc biệt khiến ông không bao giờ quên. Mourinho đã chia sẻ: “Tất cả những gì tôi nói trước báo giới đều được tính toán kỹ. Khi nào tôi nổi điên lên, khi nào tôi cười đùa, tôi đều có kiểm soát cả”. Với nhiều người, những phát ngôn của Mourinho thường bị gắn cho cái mác “ngông cuồng” và “kiêu ngạo”, nhưng đằng sau đó là quả một quá trình chuẩn bị công phu đến từng chi tiết nhỏ.
Ông không chỉ giảm bớt áp lực cho các học trò của mình, mà còn chỉ ra cho họ những điểm yếu của từng vị trí trong đội hình đối phương. Hãy nhớ lại bàn thắng kiểu “ăn cắp trứng gà” mà Eto’o đã ghi được vào lưới Schalke 04 mùa này ở Champions League, khi anh bất ngờ xuất hiện từ phía sau để chặn cú phát bóng của thủ thành Hildebrand.
Tiền đạo người Cameroon sau này đã tiết lộ anh được ông thầy người BĐN của mình bày cho mẹo đó trước trận, và họ đã nghiên cứu rất kỹ cách di chuyển cũng như lối chơi của thủ môn của Schalke.
Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt ấy khiến cho Chelsea của Mourinho trở nên đáng sợ hơn rất nhiều, bên cạnh các yếu tố chiến thuật hay lực lượng khác. Và để có thể vươn tới ngôi vô địch Premier League mùa giải này, Arsenal hay Man City cần phải tìm ra cách để hóa giải nó, hóa giải Mourinho.
Theo VTC