Trước thềm trận chung kết cúp FA, một số fan trung lập muốn Hull giành cúp FA, nhưng phần lớn đều tin rằng Arsenal là đội chiến thắng. Lý do thứ nhất là vì logic về khác biệt đẳng cấp, còn lý do thứ hai, đó sẽ là một cái tát vào sự kiêu ngạo của Mourinho.
1. Mourinho đâu có kiêu ngạo khi tự nhận Chelsea là ngựa nhỏ trong cuộc đua vô địch? Thật ra, ai cũng biết đó là chiêu trò của chiến lược gia người Bồ nhằm giảm bớt sức ép lên vai các học trò cũng như âm thầm đẩy nó lên các đối thủ, chứ không hẳn là một biểu hiện của sự khiêm tốn.
Và cứ nhìn cái cách ông châm chọc Wenger thì rõ: “8 năm không giành nổi một danh hiệu rõ ràng là thất bại. Nếu tôi làm HLV Chelsea trong 8 năm mà không vô địch lần nào, tôi sẽ rời London và không bao giờ quay lại". Bản chất của Mourinho không bao giờ thay đổi. Dù ông là “Người đặc biệt”, hay “Người hạnh phúc”, thì những mánh khóe trong cuộc chiến tâm lý vẫn giữ nguyên “thương hiệu”.
Đúng là sau màn khẩu chiến ấy, Arsenal rơi vào bất ổn, với những lý do không mới (bão chấn thương, sa sút phong độ, nhất là ở những trận cầu lớn), nhưng kết thúc mùa giải, họ vẫn dự Champions League như Chelsea. Tất nhiên, con đường sẽ dài hơn một chút khi phải dự vòng loại thứ ba, nhưng đó không phải thử thách đáng ngại với thầy trò Wenger. Và quan trọng hơn cả, khi mùa giải kết thúc, Arsenal đã giành FA Cup và giải cơn khát danh hiệu kéo dài 9 năm. Còn Chelsea? Trắng tay toàn tập.
2. Đây đã là mùa giải thứ hai liên tiếp Mourinho trắng tay. Với một nhà cầm quân bình thường, đó không phải một thảm họa. Nhưng đây là Người đặc biệt, một HLV đã giành ít nhất một danh hiệu mỗi năm trong giai đoạn 2003-2012. Việc trắng tay khi dẫn dắt hai trong số những CLB giàu nhất thế giới (Real Madrid, Chelsea), càng làm tổn hại đến danh tiếng mà ông đã gây dựng suốt một thập kỷ qua.
Mourinho tin rằng ông sẽ trở thành một Người hạnh phúc khi trở lại Premier League. Sir Alex đã nghỉ hưu, Manuel Pellegrini (trước đó chưa hề giành danh hiệu nào ở châu Âu) cần thời gian hòa nhập, đàn em Brendan Rodgers còn quá trẻ, trong khi Wenger tiếp tục chi tiêu khiêm tốn (dù sau đó đã bỏ 42,5 triệu bảng để mua Oezil). Với ưu thế đặc biệt ấy, Mourinho tin rằng ông sẽ giành được ít nhất một danh hiệu. Nhưng kết quả là con số 0.
Năm 2010, khi Mourinho tiếp quản Real Madrid từ tay Pellegrini, ông bảo chiến lược gia người Chile là một kẻ thất bại vì chỉ đưa Real về nhì. Mùa vừa qua, trong lần đầu tiên làm việc tại Premier League, Pellegrini giành luôn cú đúp danh hiệu. Khi Rafael Benitez đưa Inter Milan giành Siêu cúp Italy và Cúp thế giới các CLB, ông bĩu môi rằng chiến quả ấy thực ra nhờ nền tảng mà ông để lại chứ chẳng phải thực tài của vị đồng nghiệp người Tây Ban Nha. Nhưng trong hai mùa giải mà Mourinho mặc sức chi tiêu để rồi trắng tay thì Benitez, chỉ cần 18 tháng, đã giành 2 danh hiệu cùng Chelsea (Europa League) và Napoli (cúp Italy).
3. Ngày mới trở về Stamford Bridge, Mourinho hào hứng rằng Chelsea sẽ chơi thứ bóng đá tấn công đẹp nhất, rằng họ sẽ không chỉ chiến thắng bởi các danh hiệu. Nhưng rốt cục, vào giữa chặng đường, chính ông phải thú nhận rằng mình cần phải quay lại với phong cách thực dụng và chắc chắn thay vì theo đuổi bóng đá hoàn mỹ.
Nhưng ngay cả phong cách thực dụng ấy vẫn không thể cứu vãn nổi mùa giải thất bại của Mourinho. Chelsea không chỉ trắng tay về danh hiệu mà còn kém hấp dẫn hẳn so với phong cách của những đối thủ cạnh tranh. Brendan Rodgers, người vốn bị xem như học trò của Mouhrinho, đã mang đến một Liverpool đầy cảm hứng. “Kẻ thất bại” Pellegrini vừa đá đẹp vừa có danh hiệu. Còn Arsenal vốn chưa bao giờ chấp nhận thứ bóng đá xấu xí của Mourinho.
Vậy thì ai là kẻ thất bại?
Theo Thể Thao Văn Hoá