Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Jose Mourinho: "Giáo sư" của nghệ thuật hắc ám

Thứ Bảy 16/08/2014 10:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Bước vào mùa giải mới, áp lực dành cho Jose Mourinho càng tăng lên gấp bội, đặc biệt sau khi Chelsea trắng tay ở mùa giải trước. Nhưng đây cũng là dịp để tất cả được chứng kiến những gì tinh túy nhất trong nghệ thuật huấn luyện tinh diệu của HLV người Bồ Đào Nha.

Khẩu chiến

Ví dụ điển hình: Những lời phát biểu của Mourinho trước báo giới sau trận Chelsea thua Sunderland 1-2 trên sân nhà Stamford Bridge mùa trước. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha tìm cách tập trung vào những vấn đề về trọng tài, mà không hề chỉ trích các học trò của mình. Kết quả? Những lời bình luận của Mourinho trở thành câu chuyện chính trên mặt báo, và nó đã làm giảm sự chú ý đến thất bại đầu tiên của ông với Chelsea trên sân nhà.

Cân bằng các mối quan hệ

Lý lịch của Mourinho khi còn là cầu thủ khá sơ sài. Điều này có vẻ sẽ khiến ông khó khăn hơn khi cố bảo ban các cầu thủ. Những “kiêu binh” thường hét vào mặt ông thầy của mình khi không phục thế này: “Ông không phải là chủ, mà là tôi. Tôi là người trực tiếp chạm trán đối phương và tạo ra cơ hội”.

jose mourinho
 

Mourinho hiểu rất rõ điều đó. Một ngôi sao hoàn toàn có thể làm náo loạn cả phòng thay đồ của một đội bóng, và hơn thế, nếu họ ở trên sân thì không thể biết trước điều gì xảy ra. Khi bạn có nhiều hơn một ngôi sao trong đội hình, những biến động trong phòng thay đồ rất khủng khiếp, đến mức có thể đánh sập cả một tập thể, như trường hợp của đội tuyển Pháp tại World Cup 2010. Thế nên, chiến lược gia người Bồ Đào Nha thường phát đi thông điệp rằng ông không phải là một cầu thủ giỏi, mà là một HLV tài năng, một nhà lãnh đạo ưu tú. Điều này tạo ra một sự cân bằng, và các cầu thủ không cảm thấy mình bị đối xử bất công.

Ví dụ minh họa: Buổi họp báo đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu dẫn dắt Chelsea của Mourinho giờ vẫn còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha không tự nhận mình là một người đặc biệt, mà ông nói rằng mình vừa đảm nhiệm cương vị HLV của đội bóng đang là ĐKVĐ Châu Âu khi đó (Porto), và nghĩ rằng bản thân xứng đáng được gọi là “Người đặc biệt”. Nhưng thông điệp mà Mourinho gửi đến cầu thủ thì lại bảo rằng họ là những người đặc biệt. Điều đó chứng tỏ giữa ông và các học trò chẳng hề có chút ngăn cách nào.

Sự thân thiện

Một số HLV thường có thói quen tách mình ra khỏi các cầu thủ, chẳng hạn như Roberto Mancini, cựu HLV của Man City. Nhưng Mourinho lại không như vậy. Ông đến Chelsea vào năm 2004 khi đó còn khá trẻ, mới 41 tuổi, không có khoảng cách đáng kể nào về tuổi tác với những cầu thủ mà mình làm việc. Thế nên Mourinho sẵn sàng tạo ra sự thân thiện với các học trò.

Như bất kì mối quan hệ nào khác, quan hệ HLV và các cầu thủ không thể gắn kết bằng mệnh lệnh. Ít nhất, Mourinho đã đem đến sự thân thiện, một phong cách hoàn toàn táo bạo từ phía một nhà cầm quân. Lý do là thường các HLV cố gắng duy trì một khoảng cách nào đó, như là một sự tự vệ. Còn Mourinho lại khác, ông sẵn sàng chung sức với các cầu thủ, đưa ra những lời khuyên. Ấn tượng với ông đó không chỉ là một HLV, mà còn là một nhà cố vấn, một người thầy.

Bạn chỉ cần lắng nghe lời nói từ những học trò cũ của Mourinho là đủ hiểu. Rất ít người thốt ra những lời tiêu cực, kể cả John Terry hay Frank Lampard vẫn thường nói về nhiệm kỳ đầu tiên của Mourinho ở Chelsea với sự ngưỡng mộ. Samuel Eto’o còn phát biểu với báo giới rằng Mourinho chính là người bạn của anh ta ở một trong những cuộc họp báo đầu tiên của mình ở xứ sương mù, dù trước đó thừa nhận mình chẳng hề ưa chiến lược gia người Bồ Đào Nha khi còn ở Barcelona.

Giúp tất cả nhìn về một hướng

Mourinho có thể làm được điều đó bất kì lúc nào. Không ít lần ông nhắc đến tinh thần “chúng ta phải chống lại cả thế giới”. Đó là một phẩm chất không thể thiếu từ một nhà lãnh đạo. Mourinho gọi đó là “một nhà lãnh đạo dám đương đầu”, còn ai đó có thể nói tới chuyển động trong môn võ Aikido. Nguyên tắc trong mọi môn võ là sau một đòn đánh sẽ đến đòn đáp trả. Còn trong môn Aikido, sau một đòn đánh, bạn vô hiệu hóa, rồi dùng năng lượng để đáp trả đối thủ.

Những kẻ thù thường dè bỉu đội bóng triệu phú của Mourinho thế này: “Các anh có tất cả tiền bạc trong tay, các anh cần phải giành chiến thắng ở mọi trận đấu. Và nhân tiện, chúng tôi ghét các anh chỉ vì nắm tiền bạc trong tay”. Mourinho đáng ra có thể đỡ đòn bằng câu nói: “Thực sự mọi chuyện không đơn giản như thế đâu”. Thay vào đó, chiến lược gia người Bồ Đào Nha lại làm ngược lại với phát biểu: “Đúng, chúng tôi muốn trở thành đội bóng mạnh nhất”. Rồi ông nói với các cầu thủ: “Các anh xem, mọi người ghét chúng ta kia kìa. Hãy chứng tỏ rằng họ đã sai bằng cách vượt lên tất cả”. Chelsea đã biết cách chuyển hóa những chỉ trích và lời cáo buộc thành động lực chiến thắng.

Ví dụ tiêu biểu không đâu xa chính là mùa giải năm ngoái. Mourinho liên tục tuyên bố rằng Chelsea chỉ là đội bóng dưới cơ, không có khả năng vô địch Premier League hay Champions League. Trước trận tứ kết gặp PSG, ông tuyên bố rằng Chelsea là mục tiêu mà nhiều đội bóng muốn hướng tới. Ông chuyển đổi vị thế đội bóng của mình vốn gồm nhiều tài năng trở thành một kẻ chiếu dưới.

Tạo không khí gia đình

Điều mà Mourinho làm tốt ở Chelsea đó là tạo ra thứ không khí gia đình, nơi mọi người làm việc vì mục tiêu chung. Rất hiếm thấy trường hợp như Eden Hazard, người đã từng chỉ trích việc đội chủ sân Stamford Bridge chuyển sang lối đá phản công. Bởi vì với phong cách lãnh đạo của Mourinho, các cầu thủ chỉ cần nói ra điều gì cũng có thể phá vỡ mối liên kết. Bằng sự thân thiện và khả năng lắng nghe, ông hy vọng có thể ngăn ngừa việc rò rỉ những vấn đề nội bộ mà mình không biết. Nếu ai đó muốn nói điều gì công khai, thì anh ta phải cân nhắc rất kĩ, bởi nguy cơ có thể bị gạt ra khỏi đội hình là không hề nhỏ chút nào. Hãy nhớ rằng Mourinho là mẫu nhà lãnh đạo có tính cách mạnh mẽ, không dễ bị lấn át. Ông sẵn sàng xử lý bất kì ai phá vỡ chuẩn mực.

Hãy trở lại với trường hợp của Hazard. Mourinho sau đó đã cho rằng Hazard “chưa sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì đội bóng”. Cuối mùa giải, tiền vệ người Bỉ thừa nhận những lời chiến lược gia người Bồ Đào Nha nói là hoàn toàn đúng, và anh cần phải nỗ lực hơn nữa để tiến bộ trong mùa giải này.

Phát triển khả năng chịu áp lực

Đây là một điều hiển nhiên, khi Mourinho hầu như chẳng chịu bất kì tác động nào từ lời nói của những người khác. Dù bạn có nói gì về phong cách của ông ta đi chăng nữa, thì chiến lược gia 51 tuổi này vẫn cứ bỏ ngoài tai và chơi theo cách mình muốn. Đó là điều gây ấn tượng mạnh nhất của Mourinho với tư cách một nhà cầm quân. Các chuyên gia bóng đá có thể nói rằng “Chelsea nên chơi đẹp mắt hơn với một đội hình như thế” nhưng nếu Mourinho chọn lối chơi phòng ngự phản công, gia tăng áp lực và giải quyết trận đấu bằng một bàn thắng duy nhất thì ông vẫn có quyền tự hào.

Những nhà lãnh đạo vĩ đại luôn trung thành với triết lý của mình và họ chỉ bị dao động bởi những chứng cứ xác thực. Như câu nói của Rudyard Kipling: “Nếu bạn có thể tin vào chính mình khi tất cả mọi người nghi ngờ bạn..”. Mourinho là một người như thế.

Chẳng hạn, Chelsea từng nhận vô số lời chỉ trích về lối chơi tiêu cực cuối mùa giải trước, kể cả sau chiến thắng trước Liverpool trên sân Anfield. Nhưng không một lần nào Mourinho phải bận tâm về chúng. Ông biết rằng cách tiếp cận của mình chính là con đường tốt nhất dẫn đến chiến thắng của Chelsea.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X