Trong một vòng đấu mà Man City – Chelsea chiếm hết tiêu điểm, HLV Arsene Wenger vẫn khiến người khác phải nhớ đến mình.
21 năm trước, một HLV trẻ trung, nhiều hoài bão đặt chân đến nước Anh, sau một thời gian dẫn dắt đội bóng của Nhật. “Le Professeur”, hay “Giáo sư” – Báo chí Anh gọi người đàn ông khi đó mới 46 tuổi như vậy, bởi phong thái có phần đạo mạo của HLV này, ngoài ra còn vì tấm bằng cử nhân kinh tế nữa. Đó là lần đầu tiên, Arsene Wenger chuyển tới xứ sở sương mù với nụ cười luôn thường trực.
|
Arsene Wenger, mùa thu 1996 |
Đến ngày hôm nay, vị HLV đó đã kỷ niệm tròn 21 năm dẫn dắt Pháo thủ Arsenal bằng một chiến thắng. Tuy nhiên, chúng ta quen thuộc với hình ảnh khắc khổ của Wenger hơn. Ánh mắt ông lúc nào cũng đăm chiêu vì trải qua quá nhiều thất bại, nhưng chưa bao giờ ông chấp nhận đầu hàng số phận. Sau trận thua thảm 0-4 trước Jurgen Klopp đầu hồi tháng Chín, Arsene Wenger trở lại với 6 chiến thắng trong 7 trận. Lần duy nhất Arsenal bị cầm hòa, họ đã khiến Chelsea trở nên tội nghiệp ngay tại sân nhà Stamford Bridge.
Ở trận thắng mới đây nhất, “Giáo sư” đã chính thức vượt qua kỷ lục của Sir Alex Ferguson, trở thành HLV đầu tiên hạ gục 45 đội bóng khác nhau tại Premier League, hơn “ông già gân” đúng 1 CLB. Hơn nữa, Wenger chẳng hiểu làm cách nào, khiến Nacho Monreal không biết đến ghi bàn trong 1660 ngày, bất ngờ trở lại với pha lập công mở tỷ số. Chung cuộc, ông cùng các học trò hạ gục Brighton 2-0 ngay trên sân nhà Emirates. Một chiến thắng có thể nhiều người cho là nhạt nhòa, như chính con người ông, nhưng cần thiết cho con đường phía trước của Pháo thủ.
Trong suốt 21 năm làm việc tại Premier League, không đếm nối bao nhiêu lần báo chí Anh vùi dập người đàn ông này, cũng là từng đó lần ông đứng lên chiến đấu tiếp. Ông bị giới truyền thông gắn với số 4, bị coi là chuyên gia thất bại, bị loại khỏi Champions League hết năm này đến năm khác, bị các học trò quay lưng, thậm chí, bị báo chí Anh dự đoán sẽ phải nhường chỗ cho Carlo Ancelotti trong đúng ngày kỷ niệm của mình. Tuy nhiên, những “người muôn năm cũ” như Wenger hôm nay vốn không được coi trọng đúng mức khi còn tại vị, nhưng lại khiến người ta nuối tiếc ngày ra đi – “hồn ở đâu bây giờ?”
|
Wenger và Ferguson là những người nắm giữ tinh thần Premier League |
Những đồng bảng Anh cùng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của bản quyền truyền hình, đã khiến bóng đá xa rời những giá trị vốn có của nó. Đơn cử như Chelsea, nơi một (nữ) bác sĩ vì lo lắng cho sức khỏe của Hazard, vô tình khiến đội nhà bị thiệt thòi, sau đó bị chính HLV trưởng chỉ trích nặng nề là “ngây thơ và bốc đồng”, cuối cùng chịu áp lực đến mức phải xin thôi việc. Nhưng hãy đặt Wenger vào trường hợp đó, chắc chắn ông sẽ đứng về phía sức khỏe các cầu thủ thay vì thành tích của toàn đội. Đó vốn dĩ là đặc điểm của HLV người Pháp, còn ưu hay nhược lại tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Có đôi khi, chiến lược gia 67 tuổi lại chìm đắm vào những dòng suy nghĩ thường ngày, rất đời, nhưng là một điều gì đó quá xa lạ đối với Wenger. Thay vì coi bóng đá chỉ là một nghề nghiệp, ông thầy người Pháp đam mê đến mức ám ảnh về nó, ông có thể suy nghĩ về bóng đá trong suốt thời gian nghỉ của mình. Hay nói chính xác hơn, Wenger không biết bất cứ điều gì khác, ngoài bóng đá. “Đôi khi, tôi nghĩ đến Sir Alex Ferguson và tự hỏi ông ấy làm gì với tất cả những khoảng thời gian sau nghỉ hưu. Trông ông ấy thật hạnh phúc” – Wenger nói về người đồng nghiệp lâu năm của mình.
“Thật may mắn khi có niềm đam mê về ngựa. Ferguson có thể đi thăm các chú ngựa, theo dõi chúng tập luyện vào mỗi buổi sáng khi ông ấy thức dậy. Còn tôi, thú thực tôi cũng thích ngựa lắm, nhưng tôi sẽ làm gì với chúng đây? Cái lưng của tôi bây giờ không cho phép tôi làm điều đó nữa. Sau giải nghệ ư? Có lẽ tôi sẽ chỉ có mỗi một việc là xem bóng đá thật nhiều.” – Những tâm sự rất đỗi giản dị của HLV sinh năm 1949, nói lên gần như toàn bộ niềm đam mê của ông.
Trên thực tế, Wenger đã xây dựng và luôn theo đuổi triết lý bóng đá “vị nghệ thuật”, rất đẹp và có phần mong manh như chính con người Pháp, như vùng Strasbourg quê hương ông, vốn nổi tiếng với những ngôi làng rất đẹp. Ông không hài lòng khi đội nhà chỉ giành chiến thắng, mà bắt họ phải trình diễn một lối đá đẹp, dẫu cho ông thường phải nhận về những kết quả không mấy vui vẻ. Đá thật nhanh, thật nhuyễn, và phải thật tốc độ, ông đã gieo vào đầu tất cả những cậu học trò của mình như vậy, dẫu đó là một anh lính mới như Lacazette.
|
Những phản đối trên khán đài không thể che mờ sự vĩ đại của Wenger |
“Tôi không muốn suy nghĩ quá nhiều về triều đại hay kỷ nguyên. Tôi luôn giữ sự tập trung của mình, luôn đoán trước những tình huống tốt hoặc tồi tệ. Khi bạn ở một nơi trong suốt 21 năm, bạn biết rằng mình sẽ trải qua những khoảnh khắc thuận lợi, bên cạnh những thời điểm khó khăn. Bởi vì không ai làm việc trong khoảng thời gian lâu như vậy mà lúc nào cũng thăng hoa được. Bạn thích nói về chuyển nhượng và chiến thắng chứ gì? Tốt thôi, nhưng bóng đá đối với tôi là về các giá trị mà tôi làm được ở CLB này. Vì vậy, tôi rất tự hào về điều đó.”
Trong khi các chiến lược gia khác, trẻ trung và hợp thời hơn, đã ghi dấu ấn tại giải Ngoại hạng, Wenger vẫn ở đó, mỉm cười vào thời gian và sẵn sàng nhận lấy mọi lời chỉ trích. Bạn có thể cho rằng “Giáo sư” đã quá già, quá bảo thủ để ở lại chiến đấu cùng Arsenal, nhưng có một thực tế, BLĐ Pháo thủ vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào HLV người Pháp. Xứ sở sương mù đã chứng kiến những người đến và đi, thành công hay thất bại, duy nhất chỉ có Arsene Wenger tại vị lâu đến thế. Ông đã khiến đội bóng phải đi theo con đường của mình, thay vì ngược lại như hầu hết các đội bóng khác trên thế giới. Bởi vì ông hiểu rõ về bóng đá, về Premier League, hơn bất cứ ai.
Những nếp nhăn ngày một dày hơn, và nụ cười trở nên ngắn lại, vốn dĩ Arsene Wenger có thể chọn cách an nghỉ tuổi già từ lâu rồi, thay vì phải chịu đựng áp lực hàng tuần ở một giải đấu khắc nghiệt như Premier League. Những biểu ngữ “Wenger Out” xuất hiện ngày càng nhiều như một trào lưu, nhưng ông vẫn ở đó, tại Arsenal để xây dựng đế chế cuộc đời mình. Và bất kể có thích hay ghét người đàn ông này, bạn cũng phải dành cho Arsene Wenger những lời tôn trọng.
Và hãy tận hưởng bóng đá của Wenger đến lúc nào có thể, trước khi ông nói lời từ giã với nó mãi mãi. Bởi vì chẳng phải ai khác, chính Arsene Wenger là người đang nắm giữ truyền thống của giải Ngoại hạng.
Tản mạn Wenger - Ferguson: Nghệ sĩ và kẻ độc tài(Bongda24h) - Thật khó để đánh giá ai tốt hơn. Fergie? Wenger? Mỗi người một quan điểm nhưng khi Sir Alex đang tận hưởng những ngày tháng an bình sau bóng đá...