Mua các sao Nhật Bản từng trở thành mốt tại các CLB châu Âu sau thành công của Hidetoshi Nakata. Shinji Kagawa cũng đang tạo ra một hiệu ứng tương tự Nakata cách đây 1 thập kỉ. Nhưng hiệu ứng ấy mạnh hơn.
Kagawa từng là một ngôi sao sáng tại Dortmund và đang trên đường biến mình thành trụ cột của M.U sau khi được CLB chủ sân Old Trafford mua với giá 17 triệu bảng vào mùa Hè 2012. Sự góp mặt của Kagawa giúp Premier League có thêm một nhân tài, còn Bundesliga mất đi một cầu thủ cực kì tài năng. Ở hạng đấu cao nhất nước Đức lúc này, các CLB đều đang cố gắng tìm ra một Kagawa cho riêng mình bằng những tài năng đến từ Nhật Bản, quê hương của anh. Tại Dortmund, HLV Juergen Klopp thậm chí đang cố biến Mario Goetze - một người Đức thành một Kagawa mới, khi kéo Goetze từ cánh vào chơi hộ công để hỗ trợ cho Robert Lewandowski.
Các tuyển trạch viên của Dortmund thì đang lùng sục khắp nước Nhật Bản với mục đích phát hiện thêm những viên ngọc quý như Kagawa. CLB chủ sân Signal Iduna Park chưa thêm được thành viên nào của nền bóng đá xứ sở Mặt trời vào trong danh sách của mình. Nhưng không ít đối thủ của họ đã làm được điều này. Theo thống kê, có 9 cầu thủ Nhật Bản đang chơi tại Bundesliga. Sự xuất hiện của họ tại đây không phải để giúp các đội bóng bán được nhiều áo ở thị trường châu Á. Những người đồng hương của Kagawa được tới Đức chơi bóng đơn giản vì họ giỏi và đủ khả năng cạnh tranh vị trí với những cầu thủ châu Âu hay Nam Mỹ.
Cùng sinh năm 1989 và cũng đá ở vị trí tiền vệ công như Kagawa, Hiroshi Kiyotake đang trở thành một linh hồn thực sự trong lối chơi của Nuremberg, sau khi rời Cerezo Osaka chuyển đến đội bóng vùng Bavaria trong mùa Hè năm nay. Takashi Usami trẻ hơn Kagawa và Kiyotake 3 tuổi và đang chơi khá ấn tượng tại Hoffenheim theo dạng cho mượn. Trước đó, Usami từng thi đấu cho cả Bayern. Ngoài Kiyotake và Usami, 7 cầu thủ Nhật Bản còn lại đang chơi tại Bundesliga là Makoto Hasebe (Wolfsburg), Hajime Hosogai (Augsburg), Shinji Okazaki (Stuttgart), Yuki Otsu (M’gladbach), Gotoku Sakai (Stuttgart), Atsuto Uchida (Schalke), Kisho Yano (Freiburg).
Người đứng sau hầu hết các vụ chuyển nhượng cầu thủ Nhật Bản đến Bundesliga hay các hạng đấu thấp hơn tại Đức là Thomas Kroth (đại diện của Kagawa). Sự hiểu biết của cựu tiền vệ Dortmund này về nền bóng đá đất nước Hoa anh đào được xây đắp từ năm 1993, khi ông rời Pierre Littbarski chuyển tới khoác áo Kashiwa Reysol. Sau thời điểm tuyên bố treo giày, Kroth trở thành một tay cò bóng đá. Chính ông giới thiệu Kagawa cho Dortmund sau khi được Naohiro Takahara - cựu tiền đạo từng đá cho Hamburg dẫn tới xem một trận đấu của anh.
“Sau thành công của Shinji, J-League (giải VĐQG Nhật Bản) luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các đội Bundesliga”, Kroth phát biểu. “Các cầu thủ Nhật Bản luôn chơi với 100% khả năng của mình. Họ rất tập trung và lúc nào cũng cố gắng hết sức nhằm nâng cao trình độ của mình. Chính vì vậy, các HLV luôn rất hài lòng khi được làm việc bên cạnh họ”.
Không chỉ Bundesliga, các HLV tại Serie A, La Liga đều rất thích thái độ tập luyện và thi đấu của các cầu thủ Nhật Bản. Takayuki Morimoto và Yuto Nagatomo nhận được khá nhiều lời khen ngợi của 2 ông thầy là Rolando Maran và Andrea Stramaccioni tại Catania và Inter. Akihiro Ienaga có điều tương tự từ Joaquin Caparros tại Mallorca.
Tại Premier League thì ngoài Kagawa, còn 3 cầu thủ Nhật Bản khác là Ryo Miyaichi (đang chơi cho Wigan theo dạng cho mượn từ Arsenal), Tadanari Lee và Maya Yoshida (cùng thuộc biên chế Southampton). Liverpool từng muốn mua Keisuke Honda nhưng không được CSKA đồng ý bán. Hè năm sau khi Honda hết hợp đồng với đội bóng Nga, chắc chắn The Kop sẽ quay lại theo đuổi anh.
Có lẽ chưa bao giờ các ngôi sao bóng đá của Nhật Bản lại được những CLB mạnh của châu Âu quan tâm nhiều và trọng dụng như bây giờ…
(Theo Bongdaplus)