Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Hãy để “Thế hệ vàng” dẫn dắt ĐT Anh!

Thứ Năm 02/10/2014 13:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Đã đến lúc để những lãnh đạo FA học hỏi công thức thành công của người Đức, khi đặt niềm tin vào những danh thủ trong “Thế hệ vàng” như Lampard, Beckham, Gary Neville, Rio Ferdinand hay Paul Scholes lên nắm quyền huấn luyện ĐT Anh trong tương lai gần.

Học tập phương pháp của người Đức

Chức vô địch World Cup 2014 trên đất Brazil là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của mô hình bóng đá mà người Đức đang áp dụng.  Bên cạnh công tác đào tạo trẻ, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển vượt bậc của bóng đá quốc gia này chính là việc đề bạt những cựu danh thủ vào các vị trí chủ chốt trong công tác huấn luyện hoặc quản lý ở ĐTQG.

Thế hệ vàng của ĐT Anh sẽ lên nắm quyền trong một tương lai gần?
Thế hệ vàng của ĐT Anh sẽ lên nắm quyền trong một tương lai gần?

Có thể kể ra một vài cái tên điển hình như Mattias Sammer, Christian Ziege, Steffen Freund hay Oliver Bierhoff.  Trước khi tiếp quản chiếc ghế giám đốc thể thao ở Bayern Munich, Sammer từng là cố vấn kỹ thuật cho ĐTQG trong vòng 8 năm (từ 2005 đến 2012). Cựu tiền đạo Bierhoff cũng đã đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc điều hành trong nhiệm kỳ HLV Juergen Klinsmann dẫn dắt ĐT Đức.

Một ví dụ khác là trường hợp cựu danh thủ Christian Ziege. Ông đã được cất nhắc làm HLV U18 và U19 Đức từ năm 2011, sau quãng thời gian chơi cực hay trong màu áo Liverpool và Tottenham. Còn Steffen Freund, trước khi trở thành trợ lý huấn luyện cho đội chủ sân White Hart Lane đã đảm nhận vai trò dẫn dắt U16 và U17 Đức.

Phương pháp sử dụng “Tre già” dạy “măng non” này giúp người Đức trước tiên là tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ (so với việc thuê những HLV nước ngoài). Hơn nữa, chính những danh thủ này có thể phát hiện các nhân tố trẻ tiềm năng, cũng như truyền đạt một cách thấu đáo cho họ triết lý và bản sắc bóng đá Đức.

Đừng lãng phí “Thế hệ vàng” của Tam Sư

Trong vòng một thập kỷ qua, người Anh cũng đã sở hữu một “Thế hệ vàng” đắt giá. Những David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard, Paul Scholes, Jamie Carragher, Rio Ferdinand, Sol Campbell,… từng được báo chí nước Anh ca ngợi hết lời khi nhận định rằng có thể mang đến thành công cho bóng đá xứ sở sương mù.

Có thể họ đã không thể đưa nước Anh tới đỉnh vinh quang ở EURO hay World Cup như kỳ vọng, song chí ít “Thế hệ vàng” đã đưa Tam Sư lọt vào top 8 đội mạnh nhất ở World Cup 2002, EURO 2004 và World Cup 2006. Dẫu rằng sau đó, họ đã gây thất vọng cùng cực khi bị “đá văng” ngay ở vòng loại EURO 2008.

Vì vậy, sẽ thật ngốc ngếch nếu lại lãng phí nguồn tài nguyên giá trị như vậy. Họ vốn trưởng thành trong một môi trường vốn còn thuần chất bóng đá Anh: Tạt cánh, đánh đầu. Vì vậy, nếu sử dụng những cái tên trên, Tam sư có quyền hy vọng thổi lửa trở lại một lối đá đậm đà bản sắc như trong quá khứ.  Thực tế, FA đã bắt đầu thực thi suy nghĩ đó. Trước tiên là lựa chọn David Beckham làm trợ lý huấn luyện cho Fabio Capello tại World Cup 2010 và hiện tại là Gary Neville.

Cách đây không lâu, FA cũng xem xét đến việc để Lampard trở thành đại sứ của ĐT Anh. Tiền vệ đang chơi bóng cho Man City là một người thông minh và hiểu biết. Đó là những phẩm chất giúp anh giành được nhiều thiện cảm từ các CĐV, HLV hay báo chí, trong suốt thời gian thi đấu cho West Ham, Chelsea, Man City và ĐT Anh.

Đấy là chưa kể đến Ledley King, Sol Campbell, Jamie Carragher, John Terry, Rio Ferdinand, Paul Scholes, Phil Neville, Michael Owen… những nhân tố hoàn toàn có thể giúp định hình cho Tam sư một tương lai
tươi sáng.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sự lựa chọn song FA không thể trọng dụng được ngay những cái tên kể trên cho vị trí HLV trưởng. Ngoại trừ Gary Neville, người đã có chứng chỉ huấn luyện chuyên nghiệp thì các danh thủ khác vẫn đang trong tình trạng “không có bằng cấp”. Đây là chưa nói đến chuyện kinh nghiệm huấn luyện của các danh thủ này vẫn chưa đủ đến tầm “đứng mũi chịu sào” ở ĐT Anh, dù từng tham gia một số vị trí cấp CLB.

Vì thế, ngay từ lúc này, những lãnh đạo cấp cao của FA nên tạo điều kiện để “Thế hệ vàng” của họ có cơ hội thử sức và học hỏi nhiều hơn trong công tác đào tạo và huấn luyện ở các cấp của Tam sư.

Ngược lại, bản thân những Beckham, Jamie Carragher, Paul Scholes cũng nên nghĩ đến việc cống hiến sức mình cho tương lai của bóng đá nước nhà. Chẳng nói đâu xa, cách đây vài tuần, chính cựu danh thủ Martin Keown của Arsenal vì muốn được trở thành một phần trong ban huấn luyện ĐT Anh đã tự bỏ chi phí để học hỏi kinh nghiệm của những HLV trên khắp châu Âu.

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X