Giờ điểm lại các cầu thủ đá cánh trái xuất sắc thì chẳng có mấy người. Bóng đá trọng tấn công trực diện với những số 10 hoặc số 9 ảo lên ngôi, khiến cho lối chơi cánh đơn thuần của người Anh trở nên "cổ lỗ sĩ". Đến cả một Cristiano Ronaldo mang tiếng là chơi cánh trái nhưng cũng dạt vào trung lộ rất nhiều để đóng vai trò như một tiền đạo thực thụ, có thể thì anh mới ghi bàn nhiều tới như vậy, chứ đá cánh đơn thuần theo kiểu "kick and rush" thì... lấy đâu ra 69 bàn thắng/ năm. Những ông vua kiến tạo lúc này thường được coi là những cầu thủ có sở trưởng chơi ngay sau lưng tiền đạo hoặc đơn thuần là đá tiền vệ trung tâm: Pirlo, Xavi, Iniesta, Oezil... không ai đá cánh. 4 năm qua, QBV Lionel Messi là một số 9 ảo. Ribery là một cầu thủ chạy cánh và sau một năm 2013 xuất sắc, anh được xếp ngang hàng với CR7 và M10 trong cuộc đua tới QBV. Tuy nhiên, Ribery cũng lép vế hơn hẳn so với 2 người đồng nghiệp chuyên chơi tiền đạo về khả năng giành được danh hiệu cá nhân này.
Kolarov đang nổi lên như một hậu vệ trái xuất sắc nhất châu Âu |
Đất sống cho các tiền vệ cánh đã ít, thì đương nhiên các hậu vệ cánh cũng chẳng có mấy người khởi sắc. Từ sau thời của Daniel Alves và Maicon, người ta đã không thấy có một hậu vệ phải nào nổi trội hẳn lên so với phần còn lại, kể cả Philipp Lahm, một người có đóng góp chuyên môn tốt, nhưng lại gây ấn tượng hơn nhờ cách khích lệ các đồng đội và phong thái thi đấu máu lửa trên sân. Borussia Dortmund trong thời gian 2 năm trở lại đây có cho "ra lò" một cặp hậu vệ biên khá xuất sắc là Lukasz Piszczek - Marcel Schmelzer, nhưng để nói 2 anh vươn lên tầm thế giới thì có lẽ là chưa đủ, bởi cho tới năm nay, cả 2 đều đã sụt giảm phong độ đáng kể. Ở phía biên trái, những cái tên đáng kể tới có thể là Patrice Evra, Ashley Cole (nhưng cả 2 đều đã quá già), Jordi Alba, Marcelo, Coentrao, những cầu thủ có những đóng góp nhất định nhưng người ta vẫn thấy ở họ thiếu một chút đẳng cấp, và đôi khi được hưởng lợi vì đứng trong một tập thể quá mạnh. Kieran Gibbs, Gael Clichy hay Leighton Baines chỉ ở mức tròn vai, trong khi hậu vệ của Everton có lợi thế hơn một chút trong mặt trận tấn công, nhưng đâu phải vô cớ mà Baines phải tới tuổi 28, 29 mới "nổi": anh chưa bao giờ được chơi trong một đội bóng lớn.
Trong bối cảnh ấy, màn trình diễn của Aleksandar Kolarov (Manchester City) từ đầu mùa tới giờ cho thấy hình ảnh của một ứng viên tiềm tàng cho danh hiệu "cảm tính" này. Còn nhớ vài năm trước, khi Man City bỏ ra ngót nghét 2 chục triệu euro để mang Kolarov từ Lazio về trong ánh mắt hậm hực của Juventus hay Real Madrid, người ta đã nhìn nhận được giá trị của Kolarov và thấy rằng anh có giá như thế nào trong mắt các đội bóng khác. Để rồi khi Gael Clichy chiếm được trọn vẹn niềm tin của Roberto Mancini, đã có lúc Kolarov được các ông lớn ở cả Serie A và Bundesliga liên hệ với mức giá không hề rẻ: 18 triệu đến 20 triệu euro. Nói một cách... đời thường hơn một chút, thì trong các game bóng đá phổ biến như PES hay FIFA, người dùng Man City vẫn sử dụng Kolarov tương đương với Clichy. Đương nhiên, đó chỉ là một ví dụ vui, để cho thấy rằng Kolarov chưa bao giờ bị lãng quên tại Etihad dù cho đôi khi anh bị cái bóng quá lớn của những người đồng nghiệp được đánh giá cao hơn (một cách chủ quan bởi nhà cầm quân) bao phủ.
Lí do vì sao Kolarov không bị lãng quên tại Etihad? Là vì dù không được đá nhiều nhưng anh vẫn để lại được dấu ấn quá rõ ràng trong cả mặt trận phòng ngự và tấn công, thậm chí đôi khi hậu vệ người Serbia còn cứu cho Man xanh khỏi những trận thua xấu hổ, tránh được tình cảnh "bi đát", mà tiêu biểu nhất, là trận Man City tiếp Sunderland tại sân nhà Etihad mùa trước và bất ngờ bị dẫn trước 1-3 tới tận phút 83. Khi đó, không có bàn thắng của Kolarov và sau đó là Edin Dzeko thì Man City đã thua đối thủ năm nay chỉ xếp ... bét bảng xếp hạng. Năm nay, khi Manuel Pellegrini về Etihad và đối xử đúng mực hơn với Kolarov, anh đã gần như chính thức chiếm được vị trí của Gael Clichy bằng cách thi đấu chững chạc, lăn xả. Lối đá của Kolarov chắc chắn trong phòng ngự (bao cánh rất chắc, xuất hiện trong vòng cấm nhiều lần để bọc lót khu trung lộ, tranh chấp rát, máu lửa và biết cách lấy lại bóng cho tuyến trên), bùng nổ trong tấn công (di chuyển dọc cánh, tạo ra sự nguy hiểm bằng những tình huống căng ngang hoặc bó vào trong tự dứt điểm, thậm chí còn biết tạo đột biến nhờ sút phạt). Kolarov đá phạt xuất sắc hơn Leighton Baines, tạo đột biến nhiều hơn Jordi Alba hay Marcelo, phòng ngự chắc chắn như Ashley Cole và vào thời điểm này, không hậu vệ cánh nào sút xa xuất chúng như số 13 của Man City.
Đương nhiên, các đội bóng đối thủ của Man City trong những trận gần đây (khi Kolarov tỏa sáng) không phải là những đội bóng lớn hay có tầm cỡ châu lục để người ta biện luận rằng vẫn chưa thể đánh giá gì về anh. Tuy nhiên, đánh giá một cầu thủ phải là đánh giá cách chơi của anh ta, tầm ảnh hưởng của anh ta lên đội bóng, chứ đánh giá cách thi đấu của anh ta với từng đội bóng một thì có lẽ chắc phải đưa Ronaldo hay Messi đi thi đấu với các đội bóng trên toàn thế giới, từ châu Phi đến... Đông Nam Á để kết luận xem ai giỏi hơn. Rõ ràng trong những trận đấu vừa qua, Kolarov đã chứng tỏ mình là một báu vật không thể để tuột của Manuel Pellegrini, và chính anh, chứ không phải ai khác, là một trong những cầu thủ cần được ông thầy người Chile giữ lại Etihad nhất.
Bởi đơn giản, Kolarov đang từng bước trở mình thành một trụ cột không thể thay thế với Manchester City.
- Thành Nguyễn - Bongda24h.vn