Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Hào nhoáng Premiership và... cái lý của Keegan

Thứ Năm 08/05/2008 07:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
“Premiership đang ngày càng trở nên chán ngấy. Thật điên rồ nếu nghĩ Newcastle hay bất kỳ đội bóng nào khác sẽ thế chỗ M.U, Chelsea, Liverpool hay Arsenal trong Top 4. Sẽ chẳng có gì thay đổi cả bởi Top 4 vẫn cứ là Top 4”, Kevin Keegan khẳng định.

Sự hào nhoáng…

Cả nước Anh đã bị rúng động bởi tuyên bố gây sốc của Kevin Keegan. Không ai nghĩ trong năm mà Premiership ở trên đỉnh châu Âu, một HLV, một cựu cầu thủ, một biểu tượng lại có cái nhìn tiêu cực như vậy.

Những con số thuần túy nói lên vẻ hào nhoáng của Premiership. Trong BXH tiền bạc do Deloitte công bố, các đại diện Top 4 đều hiện diện trong Top 10 CLB giàu nhất thế giới. Premiership cũng là giải duy nhất góp 3 đại diện trong Top 5 (M.U, Chelsea, Arsenal). Ưu thế ấy được thể hiện qua sự áp đảo trên cả hai thị trường chuyển nhượng (mùa Hè và mùa Đông) khi hàng loạt kỷ lục bị phá vỡ và Premiership nhìn tất cả một cách ngạo nghễ với tổng mua sắm gần bằng cả châu Âu cộng lại.

Premiership chỉ là cuộc chơi của những đại gia như MU

Trên sân cỏ, Top 4 làm loạn Champions League. Ở giải đấu quốc nội, khán giả no mắt chứng kiến những cơn mưa bàn thắng. Thống kê cho thấy từ mùa 2004/05, chưa bao giờ bình quân bàn thắng/trận lại cao như năm nay. Thậm chí, với tỷ lệ 2,62 bàn/trận, Premiership 07/08 có hiệu suất ghi bàn còn cao hơn cả lịch sử Premiership (2,6 bàn/trận).

Xu thế bóng đá tấn công còn được thể hiện ở những chỉ số như số lần sút trúng cầu môn (8,8 lần/trận), số đường chuyền tấn công trên 1/3 phần sân đối phương (39,1%). Nhờ tính giải trí cao mà Premiership ngày càng đắt khách với 35.982 khán giả/trận. 12/20 sân bóng đạt hiệu suất sử dụng 90%. Sân của Derby, 96% vé được bán hết. Con số này ở Reading còn lên tới 97,4%. Quá ấn tượng!

… Và cái lý của Keegan

Premiership rất hào nhoáng. Nhưng đừng quên mặt trái của nó. Đó là sự thiếu cạnh tranh.

Top 4 đang khuynh đảo châu Âu nhưng họ cũng làm Premiership phân thành hai nửa. Một là cuộc chơi của riêng họ, một dành cho phần còn lại. Hầu như chỉ những đội trong Top 4 mới cản được bước nhau, còn 16 đội bóng khác, chỉ đứng xem cho vui.

Người ta thống kê được rằng trong 124 trận đã đấu của phần còn lại với Top 4, chỉ 8 lần Top 4 thất bại. Man City là đội kiếm được nhiều điểm nhất từ Top 4, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 7/24 điểm. Các tân binh Sunderland, Derby hoàn toàn trắng tay trước Top 4 (0 điểm), còn những “ngựa ô” như Everton, Newcastle cũng chỉ kiếm nổi 1 điểm. Tổng cộng 10/16 đội hoàn toàn không biết cảm giác chiến thắng trước Top 4.

Kevin Keegan có cái lý của ông khi đưa ra nhận xét chua cay đến vậy

Hệ quả của nó là Top 4 mãi đứng trong… Top 4. Nếu ở giai đoạn nhàm chán nhất (1976-1988), khi chức vô địch Anh chỉ 2 lần rời vùng Merseyside, người ta vẫn còn thấy những M.C, Ipswich, Aston Villa xuất hiện ngay sau nhà vô địch (1976-77) thì bây giờ, thật không tưởng nếu nghĩ các vị trí trong Top 4 ở mùa sau sẽ là Aston Villa, Blackburn hay Reading. Premiership đã “cơ cấu” xong Top 4?

Keegan kể lại rằng năm 1980, khi ông tới Southampton, ông và HLV Lawrie McMenemy đã lên kế hoạch tranh ngôi vô địch dù mùa trước, Southampton chỉ xếp hạng 8. Bây giờ, những cuộc thảo luận như thế sẽ bằng thừa. Bởi chẳng đội bóng nào dám mơ mộng tranh ngôi vua cùng Top 4 nữa.

Ngay cả thứ bóng đá tấn công thật ra cũng có mặt trái. Premiership 07/08 đã có 968 bàn thắng nhưng riêng Derby đã nhận 85 bàn thua (xấp xỉ 10%). Việc ghi bàn ở Premiership đang dễ hơn trước, bởi 7 năm nay, chưa bao giờ số hattrick lại nhiều tới vậy (14, gần gấp 5 lần mùa giải trước – 3). Cần lưu ý là trong 14 cú hattrick này, có tới 4 được ghi vào lưới Derby (riêng Adebayor lập hattrick ở cả lượt đi – về). Đã thế, những trận đấu có tỷ số tennis như 5-0, 6-0, 6-4… xuất hiện “như nấm sau mưa”. Chất lượng những trận cầu như thế liệu có tương xứng với mỹ từ “giải đấu số 1 thế giới”? E là không. Nó giống với một “boring league” (giải đấu nhàm chán) như nguyên văn lời Keegan mô tả thì đúng hơn.

Suy thoái chung

Serie A

Bàn thắng/trận: 2,51

Tương tự Premiership, Serie A cũng tồn tại khái niệm Top 4. Đó là Inter Milan, Juventus, AC Milan và AS Roma. Bốn đội bóng này chia nhau tất cả Scudetto những năm gần đây (Inter Milan = Juve = 3 lần, AC Milan = AS Roma = 1). Có chăng, Serie A khá hơn Premiership bởi Fiorentina, Lazio đôi lúc cũng là đối thủ cạnh tranh với Top 4.

La Liga

Bàn thắng/trận: 2,66

Còn tệ hơn cả Premiership bởi La Liga không tồn tại khái niệm Top 4. Ở đó, chỉ Real Madrid và Barca, Valencia. Kể từ đầu thế kỷ 21, Real Madrid đã 4 lần đăng quang. Barca và Valencia mỗi đội 2 lần. Nhưng nói công bằng, chỉ Barca và Real Madrid đứng ở cửa trên còn Valencia trong cả hai mùa vô địch đều chỉ được coi là “hiện tượng”.

Bundesliga

Bàn thắng/trận: 2,72

Ở Bundesliga, đừng nói tới Top này, Top nọ. Bởi tại đó, chỉ có Bayern Munich ở một đẳng cấp khác biệt. Trong 9 mùa gần đây, Bayern đã sở hữu tới 6 Chiếc Đĩa Bạc. Borussia Dortmund, Werder Bremen, Stuttgart – mỗi đội chia nhau một lần vô địch.

Ligue I

Bàn thắng/trận: 2,22

Ligue I là giải đấu nghèo nàn nhất châu Âu, cả về tiền bạc lẫn tính cống hiến. Bởi tại Ligue I, các trận đấu chỉ có 2,22 bàn/trận. Đã thế, Lyon còn giữ ngôi vua 7 năm liên tiếp. Ligue I đang ngày càng mất giá.

(Theo Báo Bóng đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X