Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Hàng công của M.U: 10 năm trước, 10 năm sau

Chủ Nhật 11/01/2009 15:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khởi đầu với 4 chân sút đẳng cấp thế giới (Fantastic Four), M.U khiến nhiều người gợi nhớ lại hình bóng của chính họ trong mùa giải ăn ba huyền diệu 1998-1999. Thế nhưng, thực tế lại không lung linh như những kỳ vọng. Quỷ đỏ không thể lặp lại vẻ đẹp của lối chơi tấn công 10 năm về trước, dù rằng cơ hội vô địch của họ vẫn còn khá sáng sủa.

Quên Fantastic Four đi

Hè năm ngoái, ngài Ferguson từng tuyên bố “Để giành được tất cả những gì mình mong muốn, chúng tôi cần phải có 4 tiền đạo đẳng cấp giống như Dwight Yorke, Andy Cole, Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer". Vài tuần sau, Berbatov đến Old Trafford từ Tottenham với giá 31,75 triệu bảng, và khái niệm “Bộ tứ huyền ảo” (Fantastic Four) xuất hiện. Xét về mặt tên tuổi, bộ tứ Ronaldo, Tevez, Rooney và Berbatov thậm chí còn nổi hơn cả những đàn anh trước đó một thập kỷ.

Song các tên tuổi không phải lúc nào cũng tạo nên một hàng công chất lượng. Với 29 bàn thắng, hàng công M.U chỉ đứng thứ 6 ở Premier League, đứng dưới Chelsea (40), Man City (38), Liverpool (35), Arsenal và Aston Villa (cùng 33 - trước vòng 21). Tất nhiên, ngài Ferguson có thể biện bạch rằng M.U chơi kém hơn các đội trên 2 trận. Nhưng chắc gì họ đã vượt qua được các đội trên về số bàn thắng sau khi chơi các trận đấu bù. Nên nhớ, trong số 6 trận gần nhất ở Premier League, M.U chỉ ghi vỏn vẹn 4 bàn, một hiệu suất cực thấp. Ronaldo, dù không còn phong độ rực sáng như mùa trước, vẫn là chân sút hàng đầu CLB với 8 bàn, suýt soát số lần lập công của cả Rooney (4), Berbatov (3) và Tevez (2) cộng lại, nhưng con số ấy rõ ràng chẳng là gì so với Anelka (14) hay Robinho (11).

Với 29 bàn thắng, hàng công M.U chỉ đứng thứ 6 ở Premier League

10 năm trước, M.U là đội có hàng công “khủng” nhất, với 80 bàn thắng, nhiều hơn 12 bàn so với Liverpool. Mùa giải ấy, bộ đôi Cole-Yorke đã ghi được 35 bàn thắng, Solskjaer có 12 bàn. Sheringham dù chỉ ghi được 2 bàn ở Premier League, song vẫn trải qua một mùa giải đáng chú ý với những pha lập công đầy ý nghĩa ở chung kết cúp FA và chung kết Champions League. Tiền đạo Andy Cole hồi tưởng: “Vẻ đẹp của bộ tứ hồi ấy chính là việc chúng tôi đều có thể chơi tốt bên cạnh nhau và đều ghi bàn”. Hồi ấy, Cole được xem là cặp bài trùng với Yorke, song vẫn có thể kết hợp rất tốt với Sheringham, người mà anh hiếm khi trò chuyện cùng.

Mùa giải này, chưa bao giờ M.U xuất phát với Fantastic Four. Bộ tứ ấy chỉ xuất phát cùng nhau ở một vài thời điểm hiếm hoi trong một trận đấu và không thực sự gây ấn tượng. Sự lựa chọn tối ưu của ngài Ferguson là Berbatov, Rooney, và Ronaldo, những người đã xuất phát cùng nhau 8 trận và M.U đã thắng 6 trong số đó. Xét về mặt hiệu quả điểm số, đó là nét tích cực, nhưng trong số 15 bàn mà M.U ghi được ở 8 trận ấy, thì bộ ba này chỉ góp có 8. Sự lựa chọn thứ hai của Ferguson là kết hợp cặp Tevez, Berbatov, Ronaldo. Họ chơi cùng nhau 4 trận, đóng góp 6 trong số 9 bàn, và M.U thắng 3.

Sự thay đổi về lối chơi

Không chỉ thay đổi so với 10 năm trước, lối chơi của M.U hiện tại còn khác hẳn so với mùa giải năm ngoái. Tất cả bắt nguồn từ sự có mặt của Berbatov. Lối tấn công điển hình của mùa giải trước là cả Ronaldo, Rooney và Tevez chơi như 3 tiền đạo với xu hướng bó vào trung lộ và thường xuyên hoán đổi vị trí, giống như trong trận họ đè bẹp Aston Villa 4-0 hồi tháng 3/2008. Còn mùa này, Rooney đã được đẩy lên cao nhất với Ronaldo hỗ trợ bên phải, còn Berbatov thì đóng vai trò kết nối giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo. Cầu thủ người Bulgaria có kỹ thuật tinh tế và khả năng tung những đường chuyền sắc sảo, song sự chậm chạp của anh đã làm giảm tốc độ tấn công của M.U và khiến khả năng gây bất ngờ trong phản công kém hơn hẳn. Đó chính là nguyên nhân khiến M.U chịu thất bại duy nhất ở mùa giải này, 1-2 trên sân Emirates.

Mùa trước, cả Rooney và Ronaldo đều chơi “trái cựa” nhưng lại thu được thành công bất ngờ. Ronaldo gây bất ngờ về khả năng xâm nhập vòng cấm và ghi bàn của mình (tất nhiên, cả kỹ năng sút phạt nữa), còn Rooney, dù đã nhường đất cho người đồng đội, nhưng thực sự gây ấn tượng nhờ khả năng hoạt động rộng, không biết mệt mỏi và sự hy sinh thầm lặng của mình. Rooney giờ đã trở lại vị trí trung phong, còn tần suất di chuyển vào trung lộ của Ronaldo cũng giảm hẳn, một phần vì sự có mặt của Berbatov, và một phần vì anh muốn tránh những cú chặt chém của các hậu vệ. Lối chơi này khiến các pha tấn công của M.U thiếu tính đột biến hơn.

Hồi Andy Cole mới tới Old Trafford, cựu HLV M.U Brian Kidd từng nhắc nhở: “Đừng nghĩ rằng anh có thể ghi 40 bàn là đủ với CLB này (Andy Cole là VPL mùa 1993-94 với 34 bàn thắng), vấn đề là sự kết hợp với những đồng đội mới”. Vấn đề của hàng công hiện tại của M.U cũng không khác. Họ cần phải có thời gian để thích nghi với một lối chơi mới, cũng như xây dựng những mối quan hệ giữa các cá nhân đã đang và sẽ làm lên lối chơi ấy.
 
Ronaldo: Ghi bàn kém hơn, nhưng đồng đội hơn

So với thời điểm này cùng kỳ mùa trước, rõ ràng Ronaldo đang chơi kém hơn hẳn. Trong nửa đầu mùa giải 2007-08, tiền vệ người BĐN ghi được tới 12 bàn thắng, nhiều gấp rưỡi so với thời điểm hiện tại (8). Dĩ nhiên, khả năng tận dụng cơ hội của anh cũng kém hẳn, chỉ là 18% so với 24% sau khi kết thúc giai đoạn một mùa trước. Nhưng bên cạnh sự sa sút ấy, cần phải ghi nhận một nét tích cực: Ronaldo đã không còn chơi bóng với sự ích kỷ của mùa trước nữa: anh đã có 3 đường chuyền thành bàn, so với 0 ở cùng kỳ năm ngoái.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X