- Louis Van Gaal: Thiên tài chứ không phải nhà ảo thuật
- Van Gaal chua xót: Chưa gì dư luận đã dìm tôi xuống bùn đen
- Với Van Gaal, khái niệm "ngôi sao" hoàn toàn vô giá trị
Neville, trên tư cách là phóng viên của tờ Telegraph, đã thu xếp được một cuộc phỏng vấn độc quyền với Van Gaal. Không cần là Neville cũng biết anh đã chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho cuộc “tấn công” nhà cầm quân hiện thời của M.U. Thế nhưng chính sự tự tin khủng khiếp của đối tượng phỏng vấn đã làm cho “nhà báo tập sự” trở nên bối rối. Những câu hỏi lẽ ra được tuôn ra như mưa bỗng dưng nhường chỗ cho những câu hỏi hoàn toàn không có trong sự chuẩn bị. Neville, từ chỗ là người làm chủ cuộc phỏng vấn bỗng chốc bị dẫn dắt bởi một Van Gaal quá thông minh.
Lý lẽ của Van Gaal đưa ra trong buổi phỏng vấn ấy cũng rất có sức nặng. Và điều được ông nhấn mạnh nhiều nhất chính là thời gian. M.U khủng hoảng thế nào ai cũng biết, lực lượng họ mỏng và tạp nham thế nào báo chí cũng phân tích, trận đầu tiên họ mất gần chục người ai cũng rõ, việc M.U vừa đá vừa điều chỉnh cũng đã được dự báo. Vậy thì một trận đấu không thể khiến cho những toan tính của ông thay đổi. Mọi người có thể thay đổi cách nhìn về Van Gaal, “từ một ông vua của Manchester trở thành ác quỷ” theo lời của chính Van Gaal, chứ ông thì không bao giờ lung lay với lập trường của mình.
Khi được hỏi về sự xuất hiện của những cầu thủ như Tyler Blackett, Van Gaal cũng nhắc lại là mình đã từng vô địch Champions League với những cầu thủ 17 tuổi. Ông cũng nhắc lại chính mình là người đã mang Xavi, Iniesta, Motta và Puyol ra ánh sáng tại Barca, đã giới thiệu những Kroos, Mueller, Alaba, Badstuber lên đội một Bayern. Xong ông thòng thêm một câu hỏi tu từ: “Mắt tôi đâu đến nỗi hả?”.
Vậy thì cần gì để Blackett trở thành một Puyol hay Alaba? Vẫn chỉ là yếu tố quan trọng nhất ấy: thời gian. Van Gaal đang thay đổi một lúc quá nhiều thứ tại M.U: lực lượng, tinh thần và cả lối chơi. Mấy chục năm trời dưới thời Sir Alex Ferguson, M.U chỉ chơi với sơ đồ 4 hậu vệ. Giờ thì Van Gaal gò Quỷ đỏ chơi 3 hậu vệ, một sự thay đổi cực kỳ lớn về mặt chiến thuật.
Sự thay đổi này được ví như một người đang sở trường dùng kiếm, nay bị giao cho thanh đao. Từ mềm sang cứng, từ nhẹ nhàng sang cương mãnh, có thông minh xuất chúng cũng không tránh khỏi ngượng ngập, vụng về và tất nhiên là cần thời gian.
Huống chi M.U lại chẳng phải thông minh xuất chúng gì cho cam. Cầu thủ Anh, theo lời HLV Steve McClaren, thuộc hàng kém về chiến thuật nhất tại châu Âu. Ngay từ bé, các cầu thủ nhí của xứ sương mù đã phải chú trọng vào tốc độ và thể lực, rất ít tập với bóng, rất ít tập chiến thuật. Đấy là lý do vì sao cầu thủ Anh chạm bóng văng xa cả mét và rất ít khi thành công khi ra nước ngoài thi đấu.
Dạy M.U đá 3 hậu vệ cũng giống như dạy Quách Tĩnh học Giáng Long Thập Bát Chưởng vậy. Người dạy tuy là nhất đại tông sư Hồng Thất Công cũng không thể vội vàng. Nhưng Quách Tĩnh khù khờ vẫn có thể thành cao thủ, M.U tuy đủ thứ vấn đề vẫn có thể thành công. Những gì họ cần, lại phải nhắc lần nữa: chỉ là thời gian mà thôi.
Theo Bongdaplus.vn