Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

Góc nhìn: Chelsea có thực sự đáng ghét?

Chủ Nhật 15/03/2015 15:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chelsea đang trở thành một trong những CLB bị ghét ở ngay chính quê hương của họ. Nhưng liệu The Blues có đáng phải nhận danh hiệu cay đắng này?

1. Dư luận Anh đang bàn tán khá xôn xao về bài viết của cựu danh thủ Jamie Carragher trên tờ Daily Mail số ra thứ 7 xoay quanh nhận định: Chelsea đang sử dụng một “nghệ thuật đen tối” và “họ khó lòng trở thành CLB được yêu quý tại Anh”.

Carragher đưa ra 2 ví dụ. Đầu tiên chính là màn bao vây trọng tài trong trận đấu với PSG tại Champions League giữa tuần qua. Cựu hậu vệ Liverpool gọi đó là một hành động đáng xấu hổ. Câu chuyện thứ 2 thì độc hơn một chút. Carragher kể: Vào mùa Hè năm ngoái, HLV Jose Mourinho có nhận lời dẫn dắt CLB Những ngôi sao thế giới tham dự giải giao hữu mang tên Soccer Aid. Đội bóng của Jose thi đấu với CLB do HLV Sam Allardyce cầm đầu.

Goc nhin Chelsea co thuc su dang ghet  hinh anh
 

Một trận đấu vui vẻ, diễn ra vì mục đích từ thiện và thành phần tham dự có quá nửa là những cầu thủ chơi bóng không chuyên. Một trận đấu lẽ ra phải trong sáng, vắng bóng những trò tiểu xảo. Nhưng Mourinho vẫn chơi tiểu xảo.

Khi trận đấu còn không lâu nữa là khép lại, Mourinho tung cầu thủ - đồng thời là diễn viên Hollywood: James McAvoy vào sân. Trước khi McAvoy tiến vào sân, người ta thấy Jose đến bên anh thì thào điều gì đó. McAvoy chỉ thi đấu được khoảng dăm phút thì lợi dụng một tình huống bị đối thủ cản phá, lăn đùng ra sân ăn vạ rất lâu. Mục đích quá rõ ràng: Câu giờ. Rốt cuộc, đội bóng của Mourinho thắng 4-2. Carragher cho biết, anh không nghĩ HLV tự nhận mình là Người đặc biệt này lại máu ăn thua đến thế. “Đôi khi Mourinho không hiểu, kết quả một trận đấu không quan trọng bằng việc bạn chơi trận đấu đó thế nào”.

2. Nếu đây chỉ là ý kiến riêng của Jamie Carragher nói trên một chương trình bình luận nào đó, ta có quyền bỏ ngoài tai. Nhưng những câu chữ này tồn tại dưới dạng một bài viết, được đăng trên một tờ báo chính thống và ta có quyền cho rằng, nó có tác dụng định hướng dư luận rất cao. Carragher muốn biến nước Anh thành kẻ thù của Mourinho. Rất rõ ràng. Nhưng liệu cựu danh thủ Liverpool có tỏ ra hơi đạo đức theo kiểu sách vở khi nói về bóng đá hay không?

Trong bóng đá, giải phong cách chỉ được trao ở những sân chơi nghiệp dư. Khi tiến lên chuyên nghiệp, ranh giới giữa thành công và thất bại nằm ở khái niệm thắng-thua chứ không phải đẹp-xấu. Liệu có ai dám vỗ ngực nói rằng, anh ta ra sân để được chấm điểm thẩm mỹ, còn chuyện thắng hay thua ra sao, NHM không bận tâm tới. Liệu có cựu cầu thủ chuyên nghiệp nào dám nói rằng, cả đời anh ta chưa từng chạy xung quanh trọng tài gây sức ép hay không?

Chính John Terry sau trận đấu với PSG cũng nói huỵch toẹt rằng, nếu là những CLB khác, họ cũng sẽ nhảy chồm chồm đòi trọng tài phải phạt thẻ đỏ Ibrahimovic mà thôi. Giữa những cầu thủ đang chạy trên sân cỏ và những kẻ ngồi trước màn hình tivi, mục đích của họ khác nhau.

Trên sân cỏ, cầu thủ thi đấu để giành chiến thắng. Còn trên truyền hình, BLV nói theo một định hướng nhất định. Họ phải nói sao để người lớn, trẻ con và cả người già đều cảm thấy câu chuyện chạy theo một định hướng văn hóa nào đó. Còn trên sân cỏ, văn hóa của trận đấu là thắng và thua.

Hãy thử tưởng tượng rằng Chelsea loại được PSG tiến vào tứ kết, chắc rằng sẽ chẳng có nhà đạo đức học nào nói về câu chuyện gây sức ép cho trọng tài. Vấn đề ở đây là Chelsea thua cuộc, bóng đá Anh bị mất mặt và người ta chơi trò bới lông tìm vết để thỏa cơn phẫn nộ. Thật đáng thương cho Chelsea, họ trở thành nạn nhân kinh điển của truyền thông Anh – những kẻ sẵn lòng trả VĐV tennis Andy Murray về quốc tịch Scotland nếu anh ta thua trận và vơ về quốc tịch Anh nếu anh ta thắng.

Theo Kênh14
  

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X