Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Góc Michael Owen: Jack Wilshere không thể đi vào vết xe đổ của tôi

Chủ Nhật 09/03/2014 15:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Dưới đây là bài viết của danh thủ Michael Owen về chấn thương của Jack Wilshere và trải nghiệm của chính anh, người cũng đã từng bị hủy hoại sự nghiệp vì những chấn thương.

Bài báo viết: Những cú tắc bóng là điều bình thường trong bóng đá, nhưng khoảnh khắc Jack Wilshere ngã xuống đêm thứ 4 sau pha tắc bóng của Daniel Agger và World Cup chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra, tôi chắc là nhiều người đã tự nhủ đầy lo lắng “lại thế nữa rồi”.

 

“Đáng ra tôi nên nghỉ ngơi”

Thật kỳ lạ khi nhìn lại chuyện này đã xảy ra với ĐT Anh thường xuyên đến thế nào. Từ Kevin Keegan và Trevor Brooking năm 1982, Bryan Robson năm 1986 và 1990, David Beckham năm 2002, Wayne Rooney năm 2006 và 2010. Chỉ hy vọng Jack sẽ không phải là một cái tên nữa trong danh sách này.

Khách quan mà nói, tôi cho rằng đáng ra mình nên nghỉ ngơi và tập trung cho việc hồi phục khi mùa giải mới bắt đầu. Nhưng sự bình thản là điều mà các cầu thủ bóng đá đang bị chấn thương không thể có được.

Chấn thương còn là một thử thách về tinh thần. Một trong các yếu tố mà một bác sĩ vật lý trị liệu cần phải có là giúp cầu thủ vượt qua được rào cản tinh thần khổng lồ. Đúng là ông ấy cần phải quan tâm đến những yêu cầu về thể chất dành cho cầu thủ, nhưng còn đó áp lực từ xung quanh để kịp hồi phục cho một mục tiêu cụ thể, và cầu thủ cần một sự trợ giúp về tâm lý rất lớn.

Sau khi gặp phải một chất thương nghiêm trọng, bạn cần phải nhìn nhận tình hình, không nên ủ rũ và đặt cho mình những mục tiêu, từng bước một: Tôi có thể đi lại vào khi nào, sút được bóng lúc nào. Nhưng tôi nhận ra rằng càng gần đến thời điểm bạn đặt ra mục tiêu, bạn càng nản chí. Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy ổn, bạn thấy bị níu giữ và sốt ruột. 3 tuần cuối trong quá trình điều trị là khoảng thời gian ác mộng.

Vội vã trở lại là tự hại mình

Trở lại năm 2006, World Cup là mục tiêu rõ ràng của tôi. Nhưng tôi muốn chơi đủ số trận cho Newcastle để đến với giải đấu đó. Rốt cuộc, tôi chỉ chơi được nửa tiếng trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, và sau đó tham gia các trận đấu giao hữu cùng ĐT Anh.

Như thế không bao giờ là đủ. Bạn cần 4 đến 5 trận đấu chính thức khó khăn giúp cải thiện phong độ, điều có thể làm nên sự khác biệt ở đẳng cấp cao nhất. Khi chơi các trận đấu giao hữu, tôi cảm thấy tôi như đang chơi với một quả bóng rugby vậy.

Hãy nhìn những cầu thủ vội vã trở lại thi đấu cho ĐT Anh, chẳng ai tỏa sáng ở các giải đấu cả. Đó cũng chính là trường hợp của tôi năm 2006. Một chân của tôi đã không vận động mạnh trong 4 hay 5 tháng, và điều đó nghĩa là tôi dự World Cup với một chân không ở trong tình trạng tốt nhất. Rồi ở Đức, tôi dính chấn thương mắt cá vì không có đủ sự trợ giúp cần thiết của cơ bắp. Đó là khởi đầu cho sự suy sụp của tôi. Sau chấn thương đó, tôi không còn là chính mình.

Đôi khi bạn cần phải hy sinh, từ bỏ một giải đấu và cố gắng trở lại thật tốt ở mùa giải tới. Nói thì đơn giản, nhưng lịch sử chỉ ra rằng đó mới là điều đúng đắn phải làm. Vấn đề là, khi nhìn lại, tôi phải thừa nhận là tôi vẫn sẽ dự World Cup năm 2006. HLV Sven-Goran Eriksson đã nói thẳng là tôi cần phải chứng tỏ mình để ông ấy đánh bạc với tôi. Tôi như cảm thấy mình đang bị thử thách. Tôi tập luyện nhiều hơn.

Chúng tôi thi đấu một trận giao hữu ở Old Trafford gặp Jamaica và tôi đã ghi bàn, tôi cảm thấy ngày một tốt hơn. Điều đó là dễ hiểu ở thời điểm đó, nhưng cuối cùng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Nhưng thật lòng, dù bây giờ đã biết điều đó, tôi chắc chắn là mình sẽ vẫn đưa ra quyết định tương tự, bởi World Cup là một giải đấu quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

Giờ đã là tháng 3, đây là thời điểm quan trọng khi một chấn thương có thể thay đổi mọi chuyện. Và Jack sẽ có thể không phải là trường hợp cuối cùng. Trong mọi trận đấu kể từ giờ, mỗi khi thấy một cú tắc bóng nhằm vào một ngôi sao tiềm năng tại World Cup, bạn chỉ có thể nhắm mắt và cầu nguyện.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X