Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Góc chiến thuật: Sơ đồ 3-5-2 của Van Gaal khác gì với 3-5-2 của Juventus?

Thứ Bảy 02/08/2014 17:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong những trận giao hữu gần đây, Manchester United đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới mẻ bằng sơ đồ 3-5-2 đầy lạ lẫm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hoài nghi đối với hệ thống chiến thuật có phần mạo hiểm của vị chiến lược gia người Hà Lan.

Van Gaal sớm xác lập được uy quyền ở Man Utd
HLV Van Gaal (phải) đang đem đến những thay đổi tích cực về mặt chiến thuật cho M.U

Khoảng gần một thập kỷ trở lại đây, sơ đồ chiến thuật phổ biến trên thế giới nhất chính là 4-2-3-1 hoặc các biến thể như 4-3-3, 4-5-1… tùy vào lối chơi của từng đội bóng. Tuy nhiên, trong mùa giải vừa qua, đặc biệt là tại kỳ World Cup 2014 cách đây không lâu, người ta đã được chứng kiến rất nhiều sự đổi mới về mặt chiến thuật, đáng kể nhất là việc xuất hiện thêm những hệ thống hết sức mới lạ. Tiêu biểu nhất là chính ĐT Hà Lan dưới sự dẫn dắt của HLV Louis van Gaal dù không sở hữu lực lượng mạnh mẽ như 4 năm về trước (tại kỳ World Cup 2010) nhưng vẫn lọt vào tới bán kết nhờ một lối chơi vô cùng khoa học và hợp lý. Điểm nhấn đáng kể của đội bóng xứ sở hoa tuy-lip, đương nhiên là sơ đồ 3-5-2 đầy biến hóa và đạt được hiệu quả rất cao.

Ngay sau thời điểm kết thúc VCK World Cup 2014, HLV Van Gaal đã lập tức bắt tay vào công việc tái thiết Man United. Và dấu ấn đầu tiên của cựu chiến lược gia Bayern Munich, không gì khác chính là việc áp dụng hệ thống chiến thuật 3-5-2 cho đội hình Quỷ đỏ. Những kết quả thu được cũng hết sức tích cực, cụ thể trong 3 trận giao hữu gần nhất, đội bóng chủ sân Old Trafford đã ghi được tới 10 bàn thắng và tất cả các vị trí trên sân đều được vận hành một cách linh hoạt. Việc Van Gaal bố trí một hàng thủ chỉ gồm 3 người cũng giúp cho tuyến tiền vệ của Man Utd thi đấu đa dạng hơn khi mà hai cầu thủ đá biên (wing back) được di chuyển liên tục, tham gia cả nhiệm vụ tấn công lẫn phòng ngự. Ngoài ra, Juan Mata cũng được trả lại vị trí sở trường là một hộ công “số 10” theo đúng nghĩa. Trong khi đó, Wayne Rooney đã được chơi với vai trò của một tiền đạo, đúng với nguyện vọng của chân sút người Anh.

Mata và Rooney tỏa sáng giúp M.U đánh bại Roma
Mata và Rooney đã tìm được tiếng nói chung trong sơ đồ 3-5-2

Mặc dù vậy, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng xuất hiện không ít người cho rằng Van Gaal có thể khiến Man Utd gặp nhiều khó khăn với sơ đồ 3-5-2 đầy mạo hiểm này. Đặc biệt, một số đánh giá đã đưa ra ví dụ về Juventus trong những năm gần đây dưới triều đại HLV Antonio Conte đã thất bại bạc nhược như thế nào ở đấu trường châu lục. Theo đó, nhà ĐKVĐ Serie A cũng vận hành với hệ thống 3-5-2 và thường xuyên tỏ ra vô cùng bế tắc trong rất nhiều trận đấu tại Champions League. Thậm chí, ở mùa trước, Juve còn bị Galatasaray loại ngay từ vòng bảng vì thi đấu quá nhạt nhòa và thiếu tính đột biến. Tuy nhiên, nếu phải phân tích ở một góc nhìn rõ ràng và chính xác hơn, sẽ nhận ra rằng hai sơ đồ 3-5-2 của Van Gaal và sơ đồ 3-5-2 của Juventus dưới triều đại HLV Conte tồn tại rất nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể, đội bóng thành Turin vận hành hệ thống chiến thuật 3-5-2 theo kiểu cổ điển với hai cầu thủ đá biên xuất phát cao, thường có xu hướng di chuyển ngang hàng với tuyến tiền vệ và trong nhiều trường hợp, họ áp sát cả vòng cấm địa đối phương để tham gia tấn công. Lấy ví dụ, cả Asamoah và Lichschteiner đều có được những bàn thắng cho Juve nhờ các tình huống chủ động dâng cao. Tuy nhiên, lối chơi này cũng khiến cho Bianconeri dễ dàng bị khoét sâu vào điểm yếu ở hai cánh nếu như gặp các đối thủ mạnh. Đối với nhiều đội bóng sử dụng các sơ đồ hiện đại như 4-2-3-1, 4-3-3… họ luôn sở hữu hai cầu thủ chơi cùng một hành lang, bao gồm tiền vệ cánh và hậu vệ cánh. Trong trường hợp này, vị trí “wing back” của Juve chỉ có một mình đương nhiên sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ ngăn chặn những “ngòi nổ” bên phía đối phương. Minh chứng rõ nhất, chính là thất bại của “Bà đầm già” trước Bayern tại bán kết Champions League mùa 2012/2013, khi mà cặp Asamoah - Lichsteiner, dù được đánh giá rất cao ở thời điểm ấy đã hoàn toàn bị Robben, Lahm, Ribery và Alaba bên phía Hùm xám áp đảo.

Asamoah lập công giúp Juventus tiến sát ngôi vương.
Cả Lichsteiner và Asamoah đều là những cầu thủ có xu hướng dâng cao khiến Juventus thường xuyên bị "hở sườn" 

Về phần Van Gaal, sơ đồ 3-5-2 mà vị chiến lược gia người Hà Lan sử dụng ở Man Utd lại có cách vận hành “đôi cánh” khác hẳn so với Juve. Khác với Conte, nhà cầm quân 63 tuổi đã bố trí hai cầu thủ đá biên của mình chơi thấp hơn, ở giữa hàng tiền vệ và hàng thủ 3 người. Trong những pha dâng cao tham gia tấn công, thay vì phải di chuyển quá sâu xuống sát đường biên ngang bên phần sân đối phương, hai vị trí chạy cánh này chỉ cần lên đến giữa sân. Ý tưởng của Van Gaal cũng là hết sức rõ ràng, ông không cần hai cầu thủ “wing back” phải chăm chăm tạt bóng vào trong vòng cấm địa như kiểu bóng đá Anh truyền thống, mà thay vào đó, chính là việc thực hiện những đường chuyền phối hợp với các tiền vệ trung tâm hoặc tùy theo sự di chuyển của cặp tiền đạo mà lựa chọn các phương án tổ chức tấn công hợp lý. Với lối chơi này, hàng thủ của Man Utd cũng giữ được cự ly  tốt hơn và dễ dàng ngăn chặn những tình huống phản công của đối thủ.

Một điểm khác biệt nữa trong sơ đồ 3 hậu vệ của Quỷ đỏ so với Juventus chính là vai trò của các cầu thủ ở tuyến tiền vệ. Với nhà ĐKVĐ Serie A, HLV Conte đã xây dựng lối chơi xoay quanh “nhạc trưởng” Pirlo khi bố trí cầu thủ này đá lùi ở vị trí regista sở trường. Bên cạnh đó, cặp đôi tiền vệ con thoi Vidal và Pogba cũng có nhiệm vụ tranh chấp ở giữa sân để “bao bọc” cho Pirlo được thoải mái thực hiện vai trò kiến thiết từ xa của mình. Do khả năng phòng ngự của cựu cầu thủ AC Milan là không thực sự tốt nên trong nhiều trường hợp, khi Vidal và Pogba dâng quá cao để hỗ trợ tấn công (Juve không có một hộ công thuần túy) thì hàng thủ của Juve đã phải gặp rất nhiều khó khăn từ những pha “phản đòn” của đối thủ.

Fletcher (trái) và Herrera - hai cầu thủ thi đấu đủ 90 phút trong trận này
Fletcher (trái) và Herrera (phải), hai tiền vệ trung tâm giúp Man Utd duy trì sự cân bằng trong lối chơi

Trong khi đó, với Man Utd, tư tưởng của HLV Van Gaal chính là đề cao sự chắc chắn bên phần sân nhà trước khi nghĩ đến việc sẽ tổ chức tấn công như thế nào. Cụ thể, với 2 tiền vệ phòng ngự chơi sau lưng “số 10” Juan Mata là Ander Herrera và Fletcher, Quỷ đỏ hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng đánh chặn từ xa, nhằm giảm tải sức ép cho hàng thủ chỉ gồm 3 người của mình. Điều này cũng giúp cho đội bóng chủ sân Old Trafford dễ dàng hơn trong việc gây sức ép lên tuyến giữa của đối phương.

Nhìn chung, cách vận hành sơ đồ 3-5-2 đầy sáng tạo của HLV Van Gaal tại ĐT Hà Lan và Man Utd có thể xem là một sự đổi mới bất ngờ về tư tưởng chiến thuật trong nền bóng đá đương đại. Cho đến thời điểm này, lối chơi trên đã thu được tương đối nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những lo lắng cho vị chiến lược gia 63 tuổi ở mùa giải sắp tới, khi mà Man Utd sẽ phải đối đầu với nhiều đội bóng có lối chơi phòng ngự cực kỳ chặt chẽ có thể khiến hệ thống 3-5-2 gặp khó khăn trong việc tổ chức tấn công. Khi đó, tùy theo từng thời điểm và các đối thủ khác nhau, nhà cầm quân người Hà Lan sẽ phải tự biết cách lựa chọn những phương án thay đổi để giúp Quỷ đỏ chơi linh hoạt và cơ động hơn.

NAM ANH   

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X