Từ chuyện của Daniel Levy
Nền móng cho sự thay đổi hè này ở White Hart Lane được đặt 1 thập kỷ trước. Sau khi Glenn Hoddle bị sa thải năm 2003, Chủ tịch Tottenham Daniel Levy bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật mới. Thất vọng với đội hình, Levy làm một chuyến chu du châu Âu với John Alexander, thư ký của ông tại Spurs, học xem các CLB hàng đầu hoạt động thế nào. Khi quay trở lại, Levy nảy ra ý tưởng: Tottenham cần một cấu trúc mới.
Franco Baldini, Giám đốc thể thao của Tottenham |
Mùa hè này là thời điểm thích hợp cho việc tái cấu trúc như Levy muốn. Đội bóng nhận một khoản tiền lớn từ việc bán Gareth Bale cho Real Madrid. CLB bổ nhiệm Giám đốc thể thao mới vào tháng Sáu, Franco Baldini, người thực hiện được một số bản hợp đồng ấn tượng, cho thấy giá trị của việc sử dụng một nhân vật hòa quyện giữa khả năng nhận biết về kỹ thuật và các mối quan hệ bóng đá. Mùa Hè của Tottenham tương phản hoàn toàn với Arsenal, Manchester United và Liverpool.
“Daniel luôn thích cấu trúc này. Ông ấy muốn có một Giám đốc kỹ thuật trong BLĐ để đảm bảo rằng luôn có hai người phụ trách kỹ thuật ở đội bóng”, cựu Giám đốc kỹ thuật Frank Arnesen nói. “Tôi nghĩ rằng Baldini rất hiểu biết. Ông ấy hiểu thị trường, và Spurs đã làm tốt. Điều đáng hài lòng là, sau Bale, họ có năm đến sáu cầu thủ giỏi đến. Bale là một cá nhân giỏi. Nhưng bóng đá là tập thể, và Spurs có thể mạnh lên”.
“Thứ tôi thích ở Baldini là ông ấy rất hiểu chuyện hậu trường và như thế rất tốt. Andre Villas – Boas hiểu cấu trúc đội bóng, vì ông ấy đã làm việc như thế này trước đó. Chuyện của Manuel (Pellegrini) tại Manchester City cũng giống thế. Tôi nghĩ nếu bạn hỏi Pellegrini: “Ông có muốn thực hiện mọi vụ chuyển nhượng không?”, ông ta sẽ trả lời: “Không. Tôi muốn ở trên sân cả ngày”.
Arsene Wenger sẽ trả lời khác, vì ông muốn kiểm soát hoàn toàn Arsenal. Ông đổi mới CLB từ năm 1996. Nhưng giờ thì người ta cảm thấy, ông giống người của quá khứ trên thị trường cầu thủ. Ông không muốn hiểu rằng, giá cầu thủ đang tăng.
“Có một sự khác biệt lớn từ khi ông ấy 17 tuổi với bây giờ. Mọi CLB, mà như tôi biết là Tottenham và Chelsea, đều trở nên có tổ chức hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều trong khâu săn lùng tài năng”, Arnesen nói. “Mới đầu, những cầu thủ Pháp hay nhất đến Arsenal và họ không bao giờ có đối thủ cạnh tranh vị trí trong đội hình. Nhưng bâu giờ, nó là một cuộc chiến. Bạn có thể thấy những gì xảy ra tại City với Txiki Begiristain đến làm Giám đốc thể thao. Ông ta có nhiều thời gian để thỏa thuận các vụ chuyển nhượng và săn lùng, và đó là sự khác biệt lớn ngày nay, và đó là lý do vì sao Arsenal rất khó mua cầu thủ”.
Lợi hay hại, tùy cách áp dụng
Nhiều CLB Premier League bắt đầu mua cầu thủ dựa vào cấu trúc hai tầng phổ biến ở châu Âu. Cũng như Spurs và Manchester City, cấu trúc này đã và đang tồn tại ở các CLB Chelsea, Cardiff City, West Bromwich Albion, Stoke City, Newcastle United, Sunderland, Southampton và Swansea City. Tuy vậy, một vài CLB hoài nghi về cấu trúc này. Joe Kinnear, HLV Newcastle nói khi mới được bổ nhiệm: “Hãy đặt tôi lên đầu, lên vai mọi Giám đốc điều hành”.
“Cấu trúc này cho phép bạn vẽ được một bức tranh lớn hơn”, Ashworth, người rời Albion năm nay để trở thành Giám đốc phát triển FA nói. “Chúng tôi đã trải qua chu kỳ gồm hai hoặc ba HLV, và những gì chúng tôi không phải thay đổi triết lý tuyển dụng cầu thủ, vì nó cực kỳ tốn kém và mất thời gian. Vì vậy, trong một cuộc phỏng vấn tìm HLV trưởng, câu hỏi là: “Đây là triết lý của chúng tôi, đây là hồ sơ những cầu thủ của chúng tôi, đây là cách chúng tôi tuyển cầu thủ mới, ông có vui vẻ mua sắm theo cách này không?”.
Một trong những quan niệm sai lầm trong việc áp dụng cấu trúc này là cầu thủ đứng trên HLV trưởng. Cả Ashworth và Arnesen đều làm việc theo cùng một cách. Họ nói chuyện với HLV trưởng về vị trí ông ta muốn tăng cường, lập danh sách các ứng viên, sau khi liên lạc với tuyển trạch viên, và sau đó cùng HLV chọn ra thứ tự ưu tiên. Nếu có một cầu thủ nào mà HLV chọn lựa, đó được coi là phương án tốt. Tuổi tác, giá cả và phong cách chơi bóng đều là những yếu tố quan trọng, trước khi HLV cùng Giám đốc thể thao, nhất trí về một sự lựa chọn.
Phải dung hòa được những cái tôi
Một vấn đề khác ở Anh là một số HLV xem Giám đốc bóng đá và Giám đốc kỹ thuật là những người đe dọa vị trí của họ. “Tôi đã phải trình chứng chỉ của mình ra hai lần trong thời gian làm việc ở West Brom và liên tục phải trình bày về vai trò của một giám đốc kỹ thuật”, Ashworth nói. “Tôi nghĩ có rất nhiều nỗi sợ vô hình từ các HLV và tôi có thể hiểu được điều đó, bời vì nếu bạn chọn sai người ngồi cùng chủ tịch đội bóng hàng ngày, mà họ thực sự muôn chiếc ghế của bạn, bạn không thể biết họ sẽ nói với nhau những gì”.
“Một điều khác tôi thấy các HLV thường nói: “Là Giám đốc kỹ thuật, tôi nghĩ không vất vả bằng công việc của tôi”.
“Tôi đã giúp mọi người chọn Di Matteo. Robbie giúp chúng tôi lên hạng nhưng chúng tôi kết thúc bằng việc sa thải ông vào tháng Hai vì chúng tôi lún sâu ở Premier League”.
“Nếu quyết định bổ nhiệm Roy Hodgson sau đó là sai lầm, chúng tôi sẽ bị xuống hạng, nhưng tôi nghĩ rằng rôi đã làm tốt. Tôi nghĩ các HLV nghĩ rằng các Giám đốc điều hành cứ ở đó 10 năm mà chẳng cần chịu trách nhiệm gì, nhưng đó không phải là trường hợp của tôi ở West Brom”.
Quyền uy của Giám đốc kỹ thuật tại các đội bóng một lần nữa được chứng tỏ. Villas – Boas bị Tottenham sa thải vì Chủ tịch Daniel Levy và Giám đốc Franco Baldini cho rằng, ông mắc sai lầm trong các trận thua tệ của đội mùa này.
Không biết mối quan hệ Baldini và Villas – Boas thuộc trường hợp nào: Tôn trọng nhau tuyệt đối, sợ và cảnh giác nhau, hay đổ lỗi cho nhau khi đội bóng sai lầm.
Nhưng Giám đốc kỹ thuật chắc chắn là một xu hướng không thể cưỡng lại của các đội bóng. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm ra một Sir Alex Ferguson. Đến Arsene Wenger cũng bị chỉ trích vì sự cổ hủ. Và Jose Mourinho, dù được coi là chiến thuật gia đại tài, luôn bỏ lại một đống đổ nát khi bước chân đi.
Theo Thể Thao Văn Hoá