(Bongda24h.vn) – Thị trường chuyển nhượng mùa đông năm 2016 đã chính thức mở cửa. Hãy cùng điểm lại cách thức vận hành của mỗi thương vụ chuyển nhượng.
Các bước của một thương vụ chuyển nhượng |
Bước 1: “Xem giò”: Mỗi HLV có khoảng vài chục “trinh sát viên” đến sân theo dõi và viết báo cáo về hàng trăm cầu thủ tiềm năng.
Sự nghiệp của một HLV hoàn toàn có thể được quyết định bởi tài năng của các “trinh sát viên”, những người được giao nhiệm vụ “xem giò” hàng trăm, nghìn cầu thủ tiềm năng cho đội bóng, sau đó viết báo cáo và gửi về cho HLV. Quá trình đó cũng chẳng hề đơn giản. Nếu như đội bóng đã xác định được mục tiêu thì họ sẽ chỉ mất khoảng vài ngày đến vài tuần để hoàn tất bản hợp đồng, thì quãng thời gian “xem chân” các cầu thủ có lẽ phải mất đến hàng tháng và thậm chí là hàng năm trời. Trinh sát viên chính là những người phải làm việc 24/7 và 365 ngày trong năm, bất kể ngày nghỉ hay lễ tết, nhưng chỉ được trả những mức lương bèo bọt.
Theo tiết lộ của một nhà chuyên môn, HLV David Moyes có tới 5.000 báo cáo về khoảng 1.000 cầu thủ, được gửi từ 10 đến 12 trinh sát viên mà ông đang có. Mỗi đội bóng có khoảng 10 đến 15 trinh sát viên, nhưng chỉ có người trưởng nhóm được phép tiếp cận với HLV và người này sẽ có một tiếng nói đầy trọng lượng trong việc mua sắm của đội trong một kỳ chuyển nhượng. Tuy vậy việc chỉ hơn chục trinh sát viên có thể theo chân số lượng cầu thủ lên tới hàng nghìn người? Với sự phát triển của công nghệ thông tin, một số phần mềm đánh giá các cầu thủ đã được các đội bóng sử dụng như Prozone, WyScout, Scout7 hay thậm chí là một phiên bản cập nhật của trò chơi Football Manager.
Công việc xem giò cầu thủ khá nặng nhọc |
Dù vậy thì tất cả các phương pháp đều không thể so sánh bằng việc các trinh sát viên đến trận đấu để theo dõi các mục tiêu. Gary Neville từng nói rằng: “Nhiều người xem bóng đá, nhưng không thực sự hiểu về nó. Bạn không thể đánh giá một cầu thủ thông qua một chiếc laptop.”
Bước 2: Gửi đề nghị chuyển nhượng: Các đội hỏi mua sẽ liên hệ người đại diện và HLV của các CLB tìm hiểu xem liệu họ có chút cơ hội nào để sở hữu cầu thủ đó không.
Sau khi đã xem giò xong xuôi và đội bóng cũng đã xác định được mục tiêu, khi đó điều gì sẽ xảy ra? Khi đó các HLV có thể trực tiếp gọi điện cho đội bóng sở hữu cầu thủ ấy (HLV và những người đại diện) và hỏi về những thông tin cơ bản cũng như tính cách của cầu thủ. Quá trình dụ dỗ và lôi kéo cầu thủ có thể diễn ra trong một thời gian rất dài và cầu thủ cũng như đại diện của họ đều phải biết thông tin trước khi một đề nghị chuyển nhượng được đưa ra. Khó có chuyện giới thạo tin hay cầu thủ bất ngờ về việc họ nhận được một lời đề nghị. Đơn giản bởi các đội bóng hỏi mua muốn biết rằng họ có chút cơ hội nào để sở hữu cầu thủ đó không, bởi rõ ràng không ai muốn tập trung vào một thương vụ mà không có khả năng xảy ra.
Những câu hỏi thường gặp mà đội bóng hỏi mua đặt ra cho người đại diện của cầu thủ thường là về dự kiến phí chuyển nhượng, số năm còn lại trong hợp đồng, mục tiêu của cầu thủ, mức lương hiện tại của cầu thủ và các thông tin về gia đình, tình trạng cá nhân cầu thủ. Một khi đã tự tin về việc dụ dỗ thành công cầu thủ, đội bóng hỏi mua sẽ gửi những lời đề nghị cho đối tác, các mức giá hỏi mua có thể chỉ được thông báo qua email. Thông thường các đội bóng cần khoảng 3 đến 4 lần trả giá. Lần đầu tiên có đến 99,9% họ sẽ bị từ chối, lần thứ hai sẽ đạt được mức giá gần hơn và hai bên sẽ ngã giá ở lần trả thứ 3 hoặc thứ 4.
(Bongda24h.vn) – Quỷ Đỏ thành Manchester được cho đã đạt những thỏa thuận cuối cùng với Lazio và tiền vệ trẻ người Brazil Felipe Anderson.
Bước 3: Trao đổi với cầu thủ: Đội bóng hỏi mua sẽ thống nhất với cầu thủ về hợp đồng cá nhân (chưa xác nhận qua văn bản).
Ngay cả khi đối tác đã đồng ý với mức phí chuyển nhượng, những trang báo uy tín có thể đăng tin rằng cầu thủ A đã rất gần với đội bóng B. Nhưng khi đó hai bên vẫn cần phải hoàn tất hợp đồng cá nhân của cầu thủ, trong đó, với những bản hợp đồng hiện đại, chỉ những bất đồng nhỏ nhất cũng có thể khiến thương vu đổ xuống sông xuống bể. HLV sẽ là người bàn bạc với cầu thủ về cơ hội ra sân của họ trong màu áo mới, trong khi đó chủ tịch CLB hoặc giám đốc điều hành sẽ là người đàm phán chuyện lương bổng, phí lót tay và những khoản tiền thưởng.
Để trở thành một người đại diện tại Anh không khó, họ sẽ chỉ cần 500 bảng và đến đăng ký với Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Xong! Hiện tại ở vương quốc Anh có khoảng 1.300 người đại diện cho khoảng 4.000 cầu thủ chuyên nghiệp, tuy nhiên có không ít người đại diện mới đăng ký thành công nhưng chưa kiếm được thân chủ nào. Những người đại diện sẽ bỏ túi khoản tiền hoa hồng khoảng 5% của phí chuyển nhượng, mặc dù FIFA mới đây đã đưa ra quy định tiền hoa hồng tối đa chỉ là 3%.
Bước 4: Điều khoản và xác nhận: Hai đội bóng thống nhất mức phí chuyển nhượng, cầu thủ được kiểm tra y tế, cấp giấy phép lao động, ký hợp đồng cá nhân chính thức.
Van Nistelrooy phải mất 2 lần kiểm tra y tế mới được M.U ký hợp đồng |
Một khi điều khoản cá nhân đã được hoàn tất, vẫn còn một số công đoạn cuối, đó là việc các cầu thủ thống nhất giá trị chuyển nhượng, xác nhận qua văn bản. Sau đó cầu thủ sẽ được kiểm tra y tế. Có không ít những thương vụ bị hủy ở bước này ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Mùa hè vừa qua Sunderland đã không thể hoàn tất hợp đồng với tiền vệ Leroy Fer và hậu vệ Nicolas Lombaert cũng đều vì hai cầu thủ này không thể vượt qua buổi kiểm tra y tế. Đáng chú ý là Fer cũng từng không thể vượt qua buổi kiểm tra y tế của Everton vào năm 2013 cũng vì chấn thương đầu gối chưa hoàn toàn lành lặn. Trường hợp nổi tiếng nhất có lẽ là của tiền đạo Ruud van Nistelrooy khi anh không thể cập bến M.U vào năm 2001 vì lý do tương tự, nhưng rất may là Van Gol đã thành công trong 1 năm sau đó.
Buổi kiểm tra y tế có thể tiến hành ngay tại trụ sở tập luyện của đội bóng, hoặc trong những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, CLB sẽ cử một đoàn bác sĩ đến chỗ cầu thủ để đảm bảo tính nhanh chóng. Sau khi thành công, cầu thủ sẽ cần phải có giấy phép lao động. Quy định tại Anh là tương đối ngặt nghèo về việc cấp giấy phép lao động cho một cầu thủ không có hộ chiếu EU. Tuy nhiên nếu cầu thủ không đạt những quy định của Premier League thì các đội bóng vẫn có thể làm đơn giải trình và chứng minh sự xuất hiện của cầu thủ đó sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của bóng đá Anh.
Liệu kỳ chuyển nhượng mùa đông này sẽ có những thương vụ kịch tính như trường hợp của De Gea vừa qua? |
Mùa hè năm 2013, tiền vệ Willian từng suýt chút nữa sẽ gia nhập Tottenham sau khi kiểm tra y tế thành công tại đây. Tuy nhiên sau đó anh chưa thể xin được giấy phép lao động, khiến cho thương vụ rơi vào trạng thái chờ. Nhân cơ hội này, Chelsea đã nhảy vào cuộc chơi và giành được chữ ký của tiền vệ người Brazil khi anh xin giấy phép lao động thành công.
Một khi hoàn tất giấy phép lao động, cầu thủ có thể chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng với đội bóng mới. Thông tin về hợp đồng sẽ phải được gửi lên phía liên đoàn bóng đá quốc gia của CLB mới trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa đề cầu thủ đủ điều kiện ra sân. Còn nhớ thủ thành David de Gea đã không thể đến chơi cho Real Madrid mùa hè vừa qua vì hai bên đã không thể nộp hồ sơ đúng thời hạn.
Hàn Phi