(Bongda24h) - Theo tiền vệ người Anh, trong tương lai, The Blues nên áp dụng mô hình kết hợp nhịp nhàng giữa hai yếu tố già - trẻ chứ mạnh dạn "trẻ hoá lực lượng, tinh lọc đội ngũ" vào thời điểm sắp tới là thiếu khôn ngoan bởi rõ ràng, lớp cựu binh của Chelsea vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.
Trong số những ông lớn của đảo quốc sương mù, Chelsea là đội sở hữu độ tuổi trung bình cao nhất nên trẻ hoá hẳn nhiên là xu thế tất yếu nhưng theo lộ trình nào (từng bước, triệt để) mới là đáng bàn. Sự thất bại đau đớn của Andre Villas-Boas chính là minh chứng nhãn tiền cho kế hoạch "cải tổ" không thích hợp. Ngay từ ngày đầu nắm quyền ở Chelsea, chiến lược gia trẻ tuổi người BĐN thẳng thừng tuyên bố sẽ thay máu Chelsea và thổi vào luồng sinh khí trẻ trung cho đội bóng nhưng rốt cục, ông đã thất bại thảm hại. Ngoài sự bất tài thấy rõ cộng thêm những tuyên bố bất cần thì cần phải thừa nhận Villas-Boas đã sai lầm khi đụng chạm đám công thần của The Blues. Thứ nhất, cần phải đánh giá khách quan Chelsea chưa dồi dào lực lượng đến mức mà không cần dựa vào họ, đội bóng vẫn có thể sống tốt. Thứ hai, rõ ràng, những Lampard, Drogba, Essien vẫn còn có thể đóng góp nhiều cho The Blues, miễn là đánh giá đúng họ.
Theo Lampard, Chelsea nên coi trọng công thần mới là sáng suốt
Thực tế, mỗi khi họ ra sân, nếu tinh thần không bị "lấn cấn" và không xuất hiện tư tưởng chống đối thì họ luôn thể hiện đúng phong độ, khiến Chelsea vẫn rất đáng gờm nhưng vào những ngày cuối của triều đại Andre Villas-Boas, họ đã chơi như những kẻ mất hồn với thái độ thiếu nghiêm túc, bộc lộ rõ sự chống đối ngầm HLV trưởng và kết quả, Chelsea tệ hại ra sao có lẽ không cần phải nhắc lại nữa. Thế nhưng, khi Roberto Di Matteo dũng cảm ngồi lên chiếc ghế nóng, tất cả đã thay đổi chóng mặt. Với biện pháp xử sự "cây gậy và củ cà rốt", vị cựu trợ lý của "Mou đệ nhị" đã khôn khéo buộc đám "công thần nổi loạn" phải chịu phục tùng và lại ra sân chơi hết mình như ngày nào. Sự vươn dậy mạnh mẽ của "gã nhà giàu" từ đáy sâu khủng hoảng trong mấy tuần gần đây có công sức không nhỏ của họ. Dẫn chứng hùng hồn nhất: Tại lượt đi vòng 1/8 Champions League khi Chelsea thua 1-3 trên đất Italia, Villas-Boas đã không thèm sử dụng A.Cole, Lampard và Essien. Đến trận lượt về, cả ba đều ra sân ngay từ đầu và kết quả, Chelsea thắng hoành tráng 4-1. Bởi thế, ít nhất trong tương lai gần, khôn ngoan nhất Chelsea vẫn nên trọng dụng đội ngũ này (dĩ nhiên, sẽ sử dụng họ một cách hợp lý hơn, tuỳ theo tình hình thể lực), không cần biết tân HLV của đội bóng là ai.
Bản thân Frank Lampard, thủ lĩnh thứ hai của đội bóng (sau John Terry), đã khuyên nhủ chân tình ban lãnh đạo: "Một đội bóng không thể thành công nếu thiếu đi kinh nghiệm của dàn cầu thủ đã có thời gian gắn bó lâu dài bởi đó là thứ tài sản vô hình cực kỳ quý giá. Tất nhiên, đội ngũ mà tôi nhắc đến không thể bao hàm những người đã quá cao tuổi hay hết sạch đam mê và khao khát cống hiến. Trong khi nhìn lực lượng lão tướng của Chelsea mà xem (bao hàm cả Lampard_. Họ chưa phải tới mức quá già và vẫn luôn thi đấu tràn đầy nhiệt huyết. Song nói như thế không có nghĩa, lớp sao trẻ không có chỗ đứng tại đội bóng. Hãy chọn ra các gương mặt trẻ tiềm năng nhất và mạnh dạn trao cơ hội. Với sự giúp đỡ tận tình của các cựu binh, họ sẽ trưởng thành nhanh chóng và từ đó, đội bóng sẽ được hưởng lợi. Tôi tin Chelsea sẽ đi theo con đường sáng suốt này".
Thực ra, cách nghĩ của Lampard là rất đúng đắn. Hãy nhìn sang trường hợp của Man Utd. Đúng là cứ mỗi khi "Quỷ đỏ" thực hiện công cuộc "chuyển giao thế hệ" (đơn cử mùa này) thì ban đầu, đội bóng đều phải đón nhận những hệ quả không tốt song thử hỏi bao năm qua, ai là đội bóng số 1 nước Anh. Tất nhiên, Abramovich không thiếu tiền để "đập đi xây lại từ đầu" nhưng quãng thời gian để mang về thành công hứa hẹn sẽ kéo dài hơn rất nhiều chứ khó có chuyện "ngay tức thì". Một Man City đã được ném vào hàng tỷ bảng từ năm 2008 mà đến tận bây giờ, vẫn chưa đâu vào đâu thì liệu Chelsea có thể tiến bộ hơn
Bảo Phương