(Bongda24h) - Từ vị thế chủ lực nơi hàng công đội bóng, giờ đây, tiền vệ người Pháp trở thành "cục nợ' không hơn không kém ở The Blues. Chẳng những mất tích hoàn toàn ở đội 1 mà Malouda còn bị ép phải luyện tập cùng lớp đàn em ở đội trẻ cho đến ngày hết hợp đồng (30/6 năm nay) chứ không hề được nghỉ hè. Thực ra, chính Malouda cũng một phần tự đẩy mình vào cơ sự này khi nhất quyết không chịu ra đi hồi đầu mùa dù đã được bật đèn xanh.
Malouda gia nhập Chelsea vào năm 2007 khi được thừa nhận là tiền vệ tấn công hàng đầu Ligue 1 trong màu áo Lyon. Dù hoà nhập vào môi trường mới khá chậm chạp nhưng Malouda không ngừng tiến bộ qua thời gian để rồi có thời điểm, anh là gương mặt không thể thay thế với phong độ chói sáng. 2009-2010 là mùa giải đẹp nhất của Malouda ở Chelsea khi anh đã có những đóng góp không nhỏ vào chiếc cúp vô địch Premier League của đội bóng (ghi được 15 bàn và kiến tạo 15 đường chuyền thành bàn, thành tích tốt nhất tại Chelsea). Nhưng môi trường bóng đá đỉnh cao luôn vô cùng khốc liệt và chỗ đứng của một cầu thủ có thể thay đổi một cách chóng mặt mà đôi khi chẳng hề liên quan gì đến yếu tố chuyên môn. Bước sang mùa bóng 2011-2012, sự xuất hiện của Juan Mata khiến Malouda bắt đầu phải làm quen nhiều hơn với băng ghế dự bị dù mùa trước đó, chỗ đứng của anh vẫn được đảm bảo (ra sân hơn 50 trận trên mọi đấu trường) và phong độ không hề suy giảm trầm trọng. Hình ảnh này chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhoà
Khi mùa giải kết thúc, The Blues phũ phàng tuyên bố Malouda không còn tương lai và được ra đi thoải mái, không ràng buộc, miễn là có đội chịu chứa chấp. Thực ra, số phận của Malouda cũng chẳng đến mức thê thảm như vậy nếu như anh không công khai chỉ trích phương pháp huấn luyện của Roberto Di Matteo mà thời điểm ấy, chiến lược gia người Italia đang là người hùng của Chelsea khi đưa đội bóng đến đỉnh vinh quang ở Champions League nên ông thích "xử" ai mà chẳng được. Những tưởng với cách đối xử "cạn tàu ráo máng" đó, Malouda chẳng còn vương vấn gì với The Blues nhưng cuối cùng, vào phút chót, anh lại quyết định ở lại do không tìm nổi đội bóng nào sẵn sàng trả mức lương 80.000 bảng/tuần như đang được nhận tại Chelsea. Thế là, những tháng ngày ác mộng của Malouda ở "thiên đường" Stamford Bridge bắt đầu diễn ra.
Đầu tiên, Malouda bị gạch tên khỏi đội 1 và đầy xuống tập luyện ở đội trẻ trong một khu vực khác của đại bản doanh, đồng nghĩa bị cách ly hoàn toàn với đội chính. Tiếp đến, những tiện ích dành cho "sao chính thức" (tủ thay đồ, chỗ đỗ xe) lần lượt bị cắt bỏ. Ngay cả khi Malouda thể hiện rất tốt, miệt mài luyện tập, đúng với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp thì anh vẫn chẳng được đoái hoài đến. Thậm chí, Malouda còn rất tận tình giúp đỡ, dìu dắt, khuyên bảo không ít tài năng trẻ của đội bóng (tiêu biểu là Nathan Ake, cầu thủ đã được Chelsea trình làng trong trận đấu với Everton ở vòng cuối cùng của mùa giải hay George Saville, Todd Kane) song cũng chẳng làm Chelsea động lòng. Suốt cả mùa giải, Malouda không một lần được bước vào chân vào khu vực dành cho đội 1, chứ chưa nói gì đến được sử dụng, dù cho Chelsea đã có sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện bởi đơn giản, đó là lệnh từ ban lãnh đạo, khiến Rafa Benitez chẳng dám làm trái. Như vậy, Malouda coi như đã "ngồi chơi xơi nước" trọn vẹn một mùa giải và trận đấu cuối cùng của anh trong màu áo Xanh chính là trận chung kết Champions League với Bayern Munich. Thử hỏi trên đời này, làm gì có nhà vô địch giải đấu cấp CLB danh giá nhất thế giới nào "thê thảm" hơn Malouda.
Chưa dừng lại ở đó, cách đối xử của Chelsea với tiền vệ này còn lên đến tột cùng của "tàn nhẫn" khi bắt Malouda không được nghỉ hè như các cầu thủ khác mà phải tiếp tục rèn luyện ở đội trẻ cho đến ngày hết hợp đồng 30/6 tới. Ai cũng biết, mùa hè cũng là dịp nở rộ các giải đấu dành cho lứa tuổi trẻ nên lứa "măng non" của các đội vẫn phải luyện tập như bình thường song Malouda dĩ nhiên đâu đủ điều kiện tham dự, thế mà cũng chẳng được buông tha. Còn nhớ, trước đó, từng có một cầu thủ bị Chelsea đối xử tệ chẳng kém gì Malouda. Đó là Winston Bogarde, cựu hậu vệ người Hà Lan, trong mùa giải 2003-2004. Không phủ nhận, The Blues lắm tiền và cũng đã sử dụng tiền bạc như là công cụ chính để quản lý nhân sự nên họ có quyền làm mọi thứ mình thích, miễn không phạm luật nhưng xét về vấn đề tình người thì khó chấp nhận nổi. Xem ra, từ đây, sẽ không ít cầu thủ được Chelsea mời mọc sẽ phải suy nghĩ thật kỹ càng bởi biết đâu đấy, sẽ đến ngày họ bị "hành xử" không ra gì như trường hợp của Malouda. Tiền bạc đôi khi không phải là tất cả.
Bảo Phương - Bongda24h.vn