Chàng tiền đạo với vẻ bề ngoài lãng tử và điển trai ấy chẳng khác gì một kẻ lữ hành mà trên mỗi bước đường đời, nỗi cô đơn luôn bám lấy anh. Ở màu áo đội tuyển, Torres chỉ sống bằng khoảnh khắc hơn là sự tỏa sáng đúng nghĩa, còn ở CLB của anh bây giờ, Torres đang tồn tại một cách khó nhọc với rất nhiều dấu hỏi đang được đặt ra. Anh không hòa nhập được với tập thể vì lí do chuyên môn, hay vì điều gì khác. Vì chính anh, hay vì đâu?
Từ CLB…
Thực sự thì Torres không lẻ loi vì lúc nào cánh báo chí truyền hình xứ sở sương mù cũng ở bên anh. Lúc còn ở Atletico, Torres đã được kì vọng sẽ là siêu sao, một hình mẫu “số 9” điển hình mà bóng đá TBN sản sinh ra. Liverpool mang anh về ở tuổi 23 với cái giá 20 triệu bảng. 4 mùa giải tại Anfield chứng kiến tay súng hạng ưu ấy tự hoàn thiện mình để vươn lên tầm đẳng cấp thế giới. Mùa bóng đầu tiên của Torres diễn ra tuyệt vời với cá nhân anh. 33 bàn/46 trận, chẳng thể đòi hỏi gì hơn thế. Từ đó, những lời tung hê bắt đầu ra rả phát ra bất chấp một sự thật là không phải lúc nào anh cũng thể hiện được mình. Chấn thương, sa sút phong độ, tịt ngòi, không sao hết, Torres luôn chiếm được sự ưu ái số một cho vị trí xuất phát từ Benitez.
Fernando Torres trong một buổi tập ở ĐTQG
Và những câu chữ có cánh dành cho Torres vô tình làm hại chính anh. Xét trên góc độ con người, các đồng đội mới không dễ dàng gì thân thiện ngay được với một người hay được ca ngợi như một siêu tiền đạo cập bến Stamford Bridge, vừa đắt (50 triệu bảng), vừa chắc gì đóng góp được nhiều! Vì vậy, quãng thời gian qua, bảo rằng anh bị cô lập ở Chelsea là hoàn toàn có cơ sở. Torres không có bóng, đúng hơn anh không nhận được những đường chuyền thuận lợi, và giờ, anh phải lao động, phải chạy thật nhiều để tìm bóng, dù ở cách xa khung thành chăng nữa. Phải vậy thôi, chắt chiu từng cơ hội, tích cực đóng góp vào lối chơi chung, phải phục vụ tập thể trước khi muốn người ta phục vụ lại mình. Vấn đề là đến bao giờ?
…Đến đội tuyển quốc gia
Cái câu hỏi đến bao giờ ấy cũng được đặt ra với anh trong màu áo quê hương. Con người luôn để cho người ta chờ đợi sẽ lĩnh ấn tiên phong trên tuyến đầu trong các cuộc chinh phạt hóa ra chỉ là một kẻ đem lại sự thất vọng. Thời khắc đáng nhớ nhất của anh đã qua lâu rồi. Bàn thắng hạ người Đức mang về chức vô địch Euro 2008 chính là phút giây đẹp đẽ nhất mà chàng trai ấy mang lại cho đất nước mình. Không ai quên cú dứt điểm đẳng cấp đấy, nhưng chẳng ai sống mãi với quá khứ được. World Cup 2010, TBN vô địch nhưng Torres là kẻ thất bại. Không bàn thắng, không ý tưởng, anh đá như đi lạc đội hình. Mùa Hè Nam Phi ấy tôn vinh Villa, người đá cặp đôi lúc vẫn bị chế giễu là chỉ phù hợp với những trận đấu nhỏ. Xin lỗi, đến cả những trận đấu nhỏ Torres cũng đâu thể so với Villa!
Đi tìm một lời giải thích cho màn trình diễn nghèo nàn của Torres ở đội tuyển không phải quá khó. Hãy nhìn các trận cầu ở World Cup vừa qua: Nếu tiqui-taca là một dòng chảy nhịp nhàng thì Torres như đang bơi theo dòng nước ngược. Cái chất linh hoạt trong di chuyển, đón nhận và xử lý các pha bóng ngắn liên tục, phối hợp ăn ý với các đồng đội chẳng thấm được vào Torres. Có lẽ anh quen với việc săn bàn sẵn trong vùng cấm và chuyên tâm đá cắm phía trên, trong khi tiqui-taca không ưa thích việc có một tay chỉ đứng chực sẵn ăn bàn, kiểu chơi ấy đòi hỏi sự hy sinh của các tiền đạo nữa. Cứ hy sinh và đá vì tất cả đi, rồi anh sẽ chẳng thiếu cơ hội đâu, nhìn sang Villa thì thấy điều đó, Torres ạ!
Anh còn trẻ, ở tuổi 27, Torres vẫn còn cả tương lại hứa hẹn phía trước. Có thể thấy các đồng đội chưa thích chuyền bóng cho anh ở Chelsea hay TBN không phải vì Torres tỏ ra kiêu ngạo hay có thái độ trịch thượng. Trung phong ấy là một người hòa nhã, anh chỉ bị truyền thông bơm lên quá mức so với những gì đã cống hiến. Torres cũng không phải là nạn nhân của sự kì vọng ở ĐTQG vì dù rằng không phủ nhận những trông mong vào anh là có, nhưng không đến mức dồn tất cả trách nhiệm lên vai tiền đạo này. Vậy thì Torres, hãy kiên nhẫn ở Chelsea và trau chuốt mình hơn khi trở về khoác áo những nhà đương kim vô địch thế giới, cố trân trọng từng đường chuyền của các đồng đội, rồi sẽ có nhiều hơn những khoảnh khắc chung kết Euro thôi!
Con số 0 Tính tới lúc này ở Premier League, Torres chưa ghi được bàn nào trong 7 trận đã đá cho Chelsea. Tại World Cup 2010, anh cũng không một lần ăn mừng lập công dù vị trí xuất phát luôn được bảo đảm. 1 Trong các trận đấu chính thức ở ĐTQG, trận chung kết Euro 2008, chỉ có một lần duy nhất bàn thắng của Torres thực sự mang ý nghĩa quyết định trận đấu và được ghi vào lưới một đội tuyển lớn thực sự (Đức). Trong 26 bàn còn lại của Torres ở đội tuyển, đa phần là những bàn ghi trước các đội tuyển trung bình yếu và không mang tính chất định đoạt số phận đối phương. 5 Số đường chuyền thành bàn của Torres trong 54 trận đã đấu ở ĐTQG, Liverpool và Chelsea tính từ đầu năm 2010 đến hiện tại. Phải chăng Torres ít “chịu” chuyền bóng cho các đồng đội quá nên anh cũng ít nhận được các cơ hội thuận lợi từ đồng đội? |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)