Khi Fernando Torres gọt trụi mái tóc, mẹ của anh đã hét lên: Kiểu đầu này không hợp với con, chú bé nhút nhát ạ!
1. Fernando Torres đang là cái tên được nói tới nhiều nhất trong vài ngày gần đây tại Chelsea. Anh đã đốt cạn niềm tin của tất cả. Không còn một ai, từ ông chủ Abramovich, HLV Jose Mourinho và cả NHM đủ kiên nhẫn chờ đợi bản năng trong anh tỉnh giấc nữa. Có lẽ nó đã chết và có lẽ đến lúc Chelsea phải bán El Nino. Ở tận thành phố cảng Liverpool xa xôi, một người đàn ông tên Alan viết lên Twitter: Torres thật đáng thương.
Alan là giáo viên dạy tiếng Anh cho Torres thời anh mới chập chững đặt những bước chân đầu tiên lên đất Anh. Có lẽ là người đầu tiên tiếp xúc với một Torres còn ngây ngô, lạ lẫm, Alan hiểu rằng, chú nhóc El Nino đến với Premier League đơn thuần chỉ vì tình yêu bóng đá, còn cuộc đời anh mặc kệ số phận xô đẩy.
Torres là một chú bé vô cùng nhút nhát. Năm 9 tuổi, Torres khởi nghiệp bóng đá trong vai trò một… thủ môn, đơn giản là vì người anh trai của El Nino cũng là thủ môn. Torres không thích công việc của một người gác đền, nhưng anh không bao giờ dám nói ra mình thực sự muốn trở thành một tiền đạo, được ghi bàn giống như thần tượng Subasa trong bộ truyện tranh cùng tên.
Cho đến một ngày, Torres lĩnh trọn quả bóng vào mặt và gẫy mất 2 chiếc răng. Đó là ngày mà mẹ của Torres đã gào lên: Không bóng bánh gì nữa. Nhưng cậu anh trai của Torres đã thuyết phục để chú bé El Nino nhút nhát tiếp tục chơi bóng trong vị trí tiền đạo. Vì ít nhất, làm tiền đạo không sợ bị sút bóng vào mặt. Vậy đó, Torres đã trở thành một tiền đạo đúng như mong muốn của anh, nhưng lại theo sự sắp xếp của một người khác.
2. Ngày mới sang Anh, rào cản ngôn ngữ càng khiến Torres trở nên thu mình. El Nino tâm sự, ở trường cấp 3 Fuenlabrada nơi anh từng theo học, người ta dạy tiếng Anh rất hạn chế. Vì kém tiếng Anh nên Torres hầu như chỉ bám dính lấy Pepe Reina trên sân tập. Tan buổi tập, El Nino về nhà và tự giam mình trong phòng với trò lắp ráp mô hình – thứ mà không hề thích chơi trước đó.
Trong một lần đi siêu thị, Torres gọi điện cho Reina và được căn dặn: Nếu cậu không nghe rõ người ta nói gì, tốt nhất cứ nói: “I didn’t catch that, could you say it again?” (Tôi không theo kịp những gì ông/bà nói, liệu ông/bà có thể nói lại hay không). Torres học thuộc lòng nhưng khi thanh toán tiền số hàng hóa của mình, Torres lại cứng họng, đỏ bừng mặt không thể bật thành lời khi người thu ngân đề nghị anh trả tiền bằng bảng Anh thay vì đồng EURO.
Thế rồi Torres được Liverpool gửi đến học thầy Alan. Khi nhận xét về cậu học trò của mình, Alan cho biết, Torres nhút nhát đến mức, khi được yêu cầu gọi điện đặt một bữa ăn (dạng bài tập thực hành), El Nino ấp úng, lắp bắp và hệ quả là thày trò họ phải ăn một bữa ăn khác hoàn toàn với những gì họ muốn đặt.
3. Thế rồi Torres sang Chelsea, nơi anh phải làm quen từ đầu với những văn hóa mới, cách phát âm tiếng Anh mới, những đồng đội mới. Nhưng ở Chelsea chẳng có những thầy giáo kiên nhẫn như Alan, chấp nhận sự nhút nhát của Torres. Ở Chelsea là môi trường mà dù có cố gắng thích nghi, bạn cũng khó lòng hòa nhập được với những cá tính đã ăn sâu bám rễ ở đây. Khổ thân Torres, thích nghi tại Chelsea giống như một cơn ác mộng với anh.
Torres không muốn mọi người nghĩ anh ẻo lả, nhút nhát. Và thế rồi theo lời tư vấn của một người bạn cũ, Torres đã đi cắt tóc. Anh từ bỏ mái tóc lãng tử, trở nên xù xì, gai góc hơn với kiểu đầu cua, gương mặt cũng lạnh lùng hơn.
Nhưng khi nhìn thấy mái tóc của con trai trên Internet, mẹ của Torres đã gào ầm lên: Nó không hợp với con chút nào. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Vậy nên cho dù có khoác lên mình một vẻ ngoài gai góc, Torres đơn giản là chưa bao giờ dám nói mình muốn gì. Anh vẫn nhút nhát như cậu bé 9 tuổi, dù không thích vị trí thủ môn, cũng không dám nói mình thực sự muốn thi đấu ở đâu trên sân cỏ. Ở Chelsea sẽ không có những người chủ động tìm hiểu Torres muốn gì.
Theo Soha