Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Fabregas đối đầu Arsenal: Khi sự chuyên nghiệp phải lấn át tình xưa nghĩa cũ

Thứ Sáu 03/10/2014 16:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
“Một ngày là Pháo thủ, mãi mãi là Pháo thủ. Chúc mọi người một ngày an lành”. Ngày 16 tháng Tám năm 2011, trước khi về lại “mái nhà xưa” Barcelona, Cesc Fabregas đã chia sẻ một dòng tweet như thế.

Fabregas và nụ cười tươi khi còn khoác áo Arsenal
Fabregas và nụ cười tươi khi còn khoác áo Arsenal

Dù kết quả trong trận đấu tới giữa Chelsea và Arsenal có là thế nào đi nữa, thì chiều dài 90 phút của trận đấu đó sẽ chứng kiến một Fabregas xả thân vì The Blues, chứ không phải cho Pháo thủ như ngày nào. Với những gì mà hai đội đang thể hiện, khả năng Cesc ăn mừng với các đồng đội mới, trong khi ở phần sân đối diện những cái bóng áo đỏ ôm đầu buồn chán là hoàn toàn khả thi. Hẳn nhiên với một vai trò lớn ở tuyến giữa, F4 sẽ phải dốc toàn sức của mình ra để chống lại những người đồng đội cũ, thi đấu hơn 100% phong độ để có được chiến thắng trước người thầy đã dìu dắt mình trong thời còn là một tài năng trẻ Arsene Wenger.

Đây không phải lần đầu tiên mà các CĐV của Arsenal lại phải chịu những nỗi đau theo cách ấy: chứng kiến những người vốn từ lâu là trụ cột đội bóng, nay lại phải chiến đấu vì màu cờ sắc áo hiện tại của họ để chống lại Pháo thủ. Giả sử đặt trường hợp Chelsea thắng, các CĐV Arsenal hẳn nhiên sẽ nhìn anh với ánh mắt nửa vui mừng, nửa tiếc nuối, lại có thêm chút ghen ghét, bực dọc. Emmanuel Adebayor, Samir Nasri hay Robin Van Persie đều đã từng đặt Pháo thủ vào những tình huống như thế: đóng vai trò quan trọng trong lối chơi của đội bóng mới, thể hiện tuyệt vời, ăn mừng bàn thắng và vui sướng theo cái cách gửi tới NHM Pháo Thủ lời nhắn gửi: Tôi đã đúng khi ra đi.

Fabregas rồi cũng sẽ chẳng phải trường hợp ngoại lệ. Cách đây vài năm, có lẽ số 4 chẳng thể ngờ được có một ngày tên anh sẽ được điền vào một đội hình chính thức để chống lại Arsenal. Chưa bao giờ F4 muốn trở thành một “Judas”, bởi cảm xúc rồi sẽ thực sự lẫn lộn: thắng cũng chẳng vui, mà thua thì càng buồn. Tiền vệ sinh năm 1987 đã muốn chạy trốn khỏi Premier League, về lại quê nhà để không phải đối đầu với Arsenal, nhưng rồi số phận không cho phép anh được thoả nguyện. Các CĐV Arsenal cũng vậy, chưa bao giờ họ coi Fabregas là một người Tây Ban Nha. Đối với họ, viên ngọc quý ở trung tâm của hàng tiền vệ là một vị lĩnh tướng ở giữa sân, vừa có bản năng chiến đấu, vừa có sự mềm dẻo đầy tính thẩm mỹ. Một hình ảnh Arsenal tổng hợp được gói gọn trong Fabregas. 

Fabregas đang tạo ra sự thay đổi trong lối chơi của Chelsea mùa này.
Fabregas sẽ chẳng nể nang gì "tình xưa nghĩa cũ"

Đương nhiên, không tránh nổi việc Fabregas sẽ phải nhận những lời nhục mạ đến từ một bộ phận CĐV tiêu cực của Arsenal, những người đã từng hết mực ủng hộ số 4. Họ sẽ chẳng để ý rằng Cesc cũng chẳng mấy vui vẻ, sung sướng khi đối địch lại đội bóng đã nuôi dưỡng tài năng của anh. Ngày trước Van Persie cũng như thế. Anh không ăn mừng khi ghi bàn vào lưới Arsenal cho đến khi anh bị các CĐV nhà một thời tung ảnh đốt áo lên mạng. Adebayor và Nasri lại khác, họ rời Arsenal trong tâm thế của những người đi tìm những mục tiêu mới, những chân trời mới mà không còn nhiều tình cảm với CLB. Họ đương nhiên xứng đáng để bị quay lưng bởi các CĐV Pháo thủ. Tuy vậy, liệu Cesc có xứng đáng nhận được cách đối xử tương tự, khi việc anh sang Chelsea chỉ xảy ra sau khi chính Pháo thủ đã phũ phàng chối bỏ nhận lại anh?

Fabregas không thể giải nghệ chỉ vì Arsenal từ chối mua lại anh từ Barcelona. Quả thực, quyết định của Wenger cũng không hề khó hiểu khi lúc này, kể cả trong tình cảnh chấn thương bao phủ Emirates, ông vẫn không thiếu tiền vệ sáng tạo. Nếu cựu đội trưởng mang áo số 4 trở lại, nhiều khả năng phòng thay đồ của Arsenal sẽ có những tranh chấp, đấu đá ngầm nhất định với những cá tính mạnh, những cá nhân không muốn ngồi ghế dự bị. Để rồi trước thềm đại chiến, bài toán làm sao để khắc chế Fabregas vẫn còn rất lộn xộn trong đầu Giáo sư người Pháp: Ramsey nghỉ tới tận tháng 11, Jack Wilshere vẫn chưa hoàn toàn hồi phục về mặt thể lực. Ozil cũng không thể được kéo về giữa sân để kiềm toả Fabregas khi anh là một cầu thủ thiên hẳn về tấn công. Cazorla và Chamberlain chỉ có thể toả sáng khi chơi tự do, dạt cánh kết hợp bó trung lộ.

Trong màu áo mới, F4 toả sáng rực rỡ với 6 pha kiến tạo thành bàn trong 6 vòng Premier League đầu tiên. Trận đấu với Arsenal, F4 chắc hẳn sẽ không dừng lại, vì anh có quyền được vào sân, tận hưởng thứ bóng đá mà anh xứng đáng được hưởng và thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Và trên tất cả, anh cần một chiến thắng để đưa Chelsea gần hơn tới một danh hiệu. Ngày ở Emirates, Cesc được trợ giúp bởi một hàng thủ giỏi, nhiều cầu thủ tấn công xuất chúng, thể hiện được vai trò của một trụ cột ở tuổi còn rất trẻ. Nhưng cái mà anh không có lại là thứ quý giá nhất: danh hiệu. Giờ đây, trong tay Jose Mourinho, Chelsea đang là một tập thể mạnh, và không phải vì tình cảm với người thầy và những người bạn cũ mà Cesc nương chân. Anh muốn tìm một sự khẳng định được thể hiện bằng một thứ hữu hình, cụ thể. Đó là chiếc cúp.
 
Fabregas chơi đúng sức, Chelsea sẽ thắng. Khi đó, sân Emirates sẽ phải trải qua một trải nghiệm đau buồn. Cesc cũng vậy, nhưng anh là người coi nặng sự chuyên nghiệp hơn tình cảm.

Thành Nguyễn 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X