Nhiều người có thể nhận định, Wenger không đặt sức ép ghi bàn lên vai Dudu. Tuy nhiên, ngay cả khi đó là sự thật, người ta cũng khó thể chấp nhận việc anh phung phí hàng tá cơ hội ngon ăn trong mỗi trận đấu. Công bằng mà nói, trong hàng loạt trận gần đây, Eduardo chỉ chơi tròn vai và thường thiếu hẳn sự sắc sảo trước khung gỗ. Việc anh không thể san sẻ việc ghi bàn với Fabregas là điều đáng lo ngại, dù xét ở phương diện nào.
Ám ảnh chấn thương
Sự trở lại của Walcott hay Eduardo đều có những điểm giống nhau, đó chính là cảm giác họ không còn như xưa. Với riêng Dudu, nỗi ám ảnh chấn thương đã đeo đẳng anh trong từng trận đấu, khiến đôi chân khéo léo ngày nào đã trở nên sợ hãi trước những cú vào bóng ác liệt. Thói quen dứt điểm của tiền đạo này cũng đã bị mai một, thay vào đó là những pha giải tỏa bóng tức thì khi bị áp sát. Những đồng đội ở phía sau có thể được hưởng lợi vì điều đó, còn Dudu thì không.
Sự im lặng của số 9 kéo dài một phần cũng vì anh không còn quá nhiều khoảng trống để tạo khác biệt từ cánh trái, bây giờ là lãnh địa của Arshavin. Eduardo chơi ngay phía trước hàng tiền vệ, và luôn bị quây chặt bởi các hậu vệ đối phương. Khó khăn của anh nằm ở đó, cũng như việc anh đã luôn gặp vấn đề khi phải liên tục làm bóng ở cự ly trung bình.
Gần đây, Wenger đã nói về Eduardo như một trong những chiến binh chơi tích cực nhất của Arsenal. Điều đó đúng, dựa trên sức di chuyển và lối chơi nhiệt tình của anh. Có điều, vì sao Dudu lại luôn thất bại ở những thời điểm quyết định thì vẫn là một sự bí ẩn mà chỉ riêng anh mới trả lời được.
Nỗi ám ảnh chấn thương là có thật, nhưng với Eduardo, anh cũng không thể quên nhiệm vụ dẫn dắt hàng công Pháo thủ trong thời điểm này. Nếu Klass-Jan Huntelaar cập bến Emirates ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông theo thông tin báo chí, đồng thời Arsenal trở lại với sơ đồ 4-3-3, có thể Wenger sẽ có những giải pháp khác cho anh.
Nhưng còn bây giờ, chẳng lẽ số 9 của Pháo thủ lại cứ im lặng mãi thế?