Sau set tennis trước Chelsea, HLV Wenger đã tự nhận hết trách nhiệm về mình. Và quả thực đó là lỗi lầm của Giáo sư khi để người đồng nghiệp trẻ tuôi dắt mũi hoàn toàn.
Đúng như Mourinho hả hê sau trận đấu: "chúng tôi định đoạt trận đấu chỉ trong 10 phút", Arsenal đã nhanh chóng vỡ vụn chỉ sau 10 phút đầu tiên bởi những đòn hồi mã thương chớp nhoáng của đối thủ. Điều đáng nói là ai cũng biết chơi phòng ngự phản công vốn là thương hiệu của các đội bóng của Mourinho. Nhưng Wenger và các học trò vẫn sập bẫy một cách ngờ nghệch. Dường như những sự khích tướng của Người đặc biệt trước giờ bóng lăn đã khiến Wenger không giữ được sự bình tĩnh.
Trong dịp trận đấu thứ 1000 của Wenger, Mourinho vẫn không quên "khen đểu" người đồng nghiệp: "Tôi ngưỡng mộ Wenger, và tôi ngưỡng mộ Arsenal. Sẽ không thể đạt tới cột mốc 1000 trận đấu trừ khi CLB ấy quá tuyệt và đã ủng hộ HLV hết mình, đặc biệt là khi họ rơi vào những thời điểm tồi tệ, và những thời điểm tồi tệ ấy lại quá nhiều". Những lời lẽ ngoa ngoắt, động chạm ấy của chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã khiến Wenger "sập bẫy". Sự mất kiểm soát về tâm lý của vị thuyền trưởng Arsenal thể hiện rất rõ qua phát biểu: "Tôi và Mourinho chẳng là bạn bè gì cả" trước trận đấu. Và sự nóng vội, dâng cao từ rất sớm của Arsenal tại Stamford Bridge chỉ là hệ quả tiếp theo từ tâm lý nóng giận của Giáo sư.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Wenger để cho cảm xúc dẫn dắt như vậy. Trong sự nghiệp của mình đã rất nhiều lần vị thuyền trưởng của Arsenal thể hiện sự bực bội của mình anh trước mặt đối thủ. Mới nhất, Wenger đã từ chối bắt tay HLV Pep Guardiola sau trận lượt đi vòng knock-out Champions League mùa này. 2 năm trước, ông từ chối bắt tay HLV Roberto Martinez của Wigan. Năm 2011, ông từ chối bắt tay trợ lý HLV Clive Allen của Tottenham. Năm 2009, ông từ chối bắt tay Mark Hughes khi đó đang dẫn dắt Manchester City dù các cầu thủ Man xanh chẳng câu giờ hay ăn vạ gì cả. Năm 2006, Wenger cũng từ chối bắt tay Alan Padrew của West Ham.
Điểm chung của tất cả các sự kiện này là đội bóng của Wenger đều chịu phơi áo. Và thế là cái khoảnh khắc ngắn ngủi sau mỗi trận đấu để thực hiện phép lịch sự mang tính tối thiểu ấy đã bị Giáo sư biến thành cơ hội trút giận lên đối thủ. Đấy rõ ràng là cách hành xử mang tính trẻ con, dỗi hờn không tương xứng với bản lĩnh của một người đàn ông đã 64 tuổi và đang dẫn dắt 1 CLB lớn như Arsenal.
Ở khía cạnh nào đó, việc không giữ được cái đầu lạnh và dễ dàng bị vòng xoáy cảm xúc cuốn đi của Giáo sư cũng ảnh hưởng không nhỏ đến Arsenal. Chẳng phải tự nhiên mà các Pháo thủ mãi không thể lớn, thường gục ngã ở những thời điểm quyết định. Bóng đá là một cuộc chơi khắc nghiệt, mọi thứ được quyết định trong 90 phút, nhưng để tạo ra 90 phút hoàn hảo ấy lại đòi hỏi một quá trình chuẩn bị chu đáo. Từ dinh dưỡng, tinh thần cho đến tâm lý chiến. Một khi ngay cả ông thầy Wenger còn không có được một bản lĩnh vững vàng thì khó có thể chờ đợi ở các học trò của ông.
Wenger cần phải học hỏi Mourinho. HLV của Chelsea luôn biến những hành động bên lề sân cỏ thành thứ vũ khí để dẫn dắt cuộc chơi, làm đối thủ phát điên, mất tập trung hoặc làm giảm áp lực cho các học trò. Đêm qua, độc chiêu của Mourinho đã một lần nữa phát huy tác dụng trước đối thủ hơn hẳn mình về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Và rất có thể, hành động nhanh chóng tiến vào đường hầm khi trận đấu còn chưa kết thúc và không thèm nhắc đến Wenger trong cuộc họp báo chính là bước chuẩn bị sẵn của Mourinho cho cuộc đối đầu với Arsenal lần sau. Có thể lắm chứ. Đơn giản bởi với Người đặc biệt thì HLV không chỉ là đơn thuần vào vai một chiến lược gia!
Theo Soha