Lịch sử bóng đá đã chứng minh một cầu thủ bóng đá dù xuất sắc và tài năng đến mấy nhưng chưa chắc đã có thể gặt hái thành công ở mọi CLB anh ta khoác áo cũng như "đắt chưa chắc đã có thể xắt ra miếng". Andriy Shevchenko từng là tay săn bàn số 1 Serie A trong màu áo AC Milan nhưng sau khi đầu quân cho Chelsea, anh mau chóng suy giảm phong độ một cách thê thảm để rồi phải ngậm ngùi ra đi "không kèn không trống", trái ngược với lễ ra mắt hoành tráng. Fernando Torres đã thể hiện bản năng của một sát thủ hàng đầu Premier League trong màu áo Liverpool (ghi 81 bàn trong 142 trận cho Liverpool) song sau khi gia nhập Chelsea bằng mức phí kỷ lục 50 triệu bảng, anh đột ngột tụt dốc không phanh trong sự ngỡ ngàng của tất cả bởi không ai nghĩ El Nino có thể "mất giá" khủng khiếp và nhanh đến thế.
Hay Diego Forlan từng bị xem là "hàng thải" của Man United, nhưng đã trở thành sát thủ có hạng tại Villarreal rồi Atletico Madrid (hai lần đoạt danh hiệu Pichichi dành cho "Vua phá lưới La Liga"). Năm 2001, Sir Alex Ferguson đã bỏ ra hơn 28 triệu bảng để mang về Juan Sebastian Veron, một trong những tiền vệ công xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm đó song màn trình diễn của Veron tại Old Trafford tệ hại ra sao thì có lẽ chẳng cần phải nhắc lại làm gì cho đau lòng nhà cầm quân vĩ đại người Scotland. Dẫu vậy, cầu thủ nào chẳng có một cái giá nhất định và đội bóng nhiều khi phải chấp nhận chịu chơi để có được cầu thủ mình cần, ngay cả trong trường hợp cảm thấy số tiền đó không tương xứng với giá trị thực. Đương nhiên, ai chẳng muốn đồng tiền mình chi ra sẽ được phát huy tối đa song xét cho cùng, mua cầu thủ kể cả thuộc diện ngôi sao lớn không khác gì hoạt động "đầu tư mạo hiểm" trong kinh doanh mà yếu tố rủi ro luôn luôn song hành với lợi nhuận và quan trọng hơn, khó có thể lường trước. Nói một cách dễ hiểu hơn, không một HLV hay đội bóng nào dám vỗ ngực tự hào chưa bao giờ thất bại trên TTCN.
Vì thế, nhìn tổng thể, Radamel Falcao mới thực sự là bản hợp đồng khôn ngoan và thông minh nhất của Man Utd mùa hè vừa rồi bởi đơn giản, ít ra họ không phải tốn quá nhiều tiền cho tiền đạo này. 6 triệu bảng là mức phí quá rẻ mạt để được sở hữu một sát thủ được trọng vọng như Falcao trong vòng một mùa. Không những vậy, cái giỏi của Man Utd còn nằm ở chỗ họ thuyết phục được Monaco đồng ý bán lại Falcao với mức giá thoả thuận trước (khoảng trên 40 triệu bảng) vào cuối mùa. Rõ ràng, "Quỷ đỏ" lợi đủ đường ở thương vụ này. Nếu tiền đạo 28 tuổi này thi đấu cực kỳ xuất sắc, toả sáng rực rỡ và đóng góp nhiều vào thành tích chung của đội bóng thì xem ra 40 triệu bảng vẫn còn rẻ chán nhưng Man Utd cũng đâu bắt buộc phải mua Falcao.
Nếu Falcao chơi mờ nhạt, bị chấn thương hành hạ (Falcao đã dính phải chấn thương đầu gối khá nghiêm trọng hồi đầu năm 2014 mà đã khiến anh không thể tham dự VCK World Cup 2014. Falcao chỉ vừa mới bình phục hoàn toàn từ hồi đầu tháng 8) và đích thị đã 30 tuổi chứ không phải 28 như "phát hiện" của tờ The Sun thì Man Utd cũng chẳng tổn hại gì, có chăng chỉ là hoang phí hơn chục triệu bảng (tính cả mức thu nhập mà Falcao sẽ được nhận ở Man Utd). Song như thế còn hơn là chi ra số tiền gấp nhiều lần hơn thế để sở hữu ngay Falcao vào thời điểm này để rồi 1 năm sau, phải "ân hận xót xa" và không biết phải xử trí ra sao như tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" của Chelsea với Fernando Torres. Không còn nghi ngờ gì, Man Utd đã giảm thiểu rủi ro một cách tối đa trong thương vụ này nhờ sách lược "sống thử" vô cùng tỉnh táo.
Tất nhiên, sẽ có người cho rằng ai bảo Man Utd không phải trả cái giá gì cho sự xuất hiện của Falcao. Họ đã phải chấp nhận hy sinh Danny Welbeck - tiền đạo trẻ còn nhiều tiềm năng và lại mang gốc gác "Quỷ đỏ" chính hiệu - để lấy chỗ cho Falcao. Chân sút này mà chơi "tưng bừng" ở Arsenal còn Falcao mờ nhạt thì lúc đó, Man Utd kiểu gì cũng bị cười chê. Tuy nhiên, hãy đọc kỹ lại phần đầu của bài viết này. Chuyện Welbeck có thể toả sáng ở Arsenal không hẳn đồng nghĩa "Quỷ đỏ" đã không biết cách khai thác tiềm năng của cầu thủ này hay "Pháo thủ" quá giỏi trong việc nhìn ra trình độ, đẳng cấp tiềm ẩn của Welbeck mà đôi khi đơn giản chỉ là một chữ "duyên". Nói một cách khác, Man Utd chẳng việc gì phải tiếc nuối trong tình huống Welbeck trở thành sao ở Emirates hay ở bất cứ một nơi nào khác mà cần tự an ủi rằng Welbeck không phải dành cho mình. Nếu họ cứ tiếc rẻ mà cố giữ Welbeck ở lại thì cũng chắc gì đã được chứng kiến sự bùng nổ và vươn lên tầm cao mới của tiền đạo này. Quãng thời gian "sống chung" không quá hạnh phúc kéo dài 3 mùa (tính từ thời điểm Welbeck bắt đầu được ra sân thường xuyên ở đội 1 Man Utd) đã đủ để chứng minh Welbeck không thuộc về Man Utd hay Old Trafford không phải là mảnh đất lành cho "chú chim" gốc Ghana tung cánh. Man Utd chỉ nên ân hận và xứng đáng bị chỉ trích nếu như Welbeck ra đi trong tư thế một ngôi sao lớn chứ chẳng phải một người vẫn chưa thật sự thành danh và còn ở diện "tiềm năng".
Do đó, trong mọi trường hợp, Falcao đích thực là bản hợp đồng sáng suốt và thành công của Man Utd. Ngoài ra, với đẳng cấp hiện tại, có thể tin tưởng rằng Falcao thừa khả năng chạm tới thành tích cao nhất mà Welbeck từng đạt được ở Man Utd (12 bàn tại mùa giải 2011-2012). Cần lưu ý rằng, tính từ mùa giải 2007-2008 cho tới nay, trải qua 4 CLB khác nhau (River Plate, Porto, Atletico Madrid và Monaco), con số bàn thắng thấp nhất mà Falcao có được trong một mùa là 11 bàn tại mùa trước nhưng đừng quên, anh đã vắng mặt trong nửa mùa bóng do chấn thương. Còn lại, trong 4 mùa liên tiếp trước đó, mùa nào Falcao mà chẳng ghi trên 30 bàn. Chỉ cần Falcao bằng được Welbeck thì đã có thể kết luận Man Utd không lỗ trong vụ làm ăn theo kiểu "hoán đổi" này (đừng quên đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh đã thu về được 16 triệu bảng từ việc bán Welbeck, coi như gần bù đắp đủ chi phí cho việc mượn Falcao).
Thiên Bình