M.U chỉ thua đúng 2/21 trận gần nhất trên mọi đấu trường. Nghĩa là xét về sự ổn định trên lý thuyết, "Quỷ đỏ" thành Manchester chẳng hề kém cạnh 2 người khổng lồ Chelsea hay Man City. Chưa hết, tính đến hết vòng 23 thì thầy trò Van Gaal cũng vẫn góp mặt trong Top 3 Premier League. Còn nữa, họ cũng vừa giành quyền lọt vào vòng 5 FA Cup. Như vậy, nếu chỉ nhìn vào kết quả mà thầy trò Van Gaal giành được thì đó đều là những điều tích cực. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể trong môn thể thao vua thì vấn đề không bao giờ chỉ nằm ở kết quả. Những Manucians, rồi cả giới chủ M.U, những người đã chi ra hơn 150 triệu bảng cho nhà cầm quân người Hà Lan tăng cường lực lượng, được quyền đòi hỏi nhiều hơn. Họ cần một M.U trở lại là đại gia hào nhoáng, uy quyền như năm nào, chứ không phải một đội bóng cần mẫn đi góp nhặt từng chiến thắng một cách vật vã, vô hồn. Tiếc thay, M.U phiên bản Van Gaal lại đang mang một gương mặt xấu xí như thế.
Hơn nửa mùa giải đã qua nhưng CLB giàu thành tích nhất nước Anh về danh hiệu nội địa vẫn không làm sao định hình nổi lối chơi lẫn sơ đồ chiến thuật. "Bông tulip thép" từng có thời gian rất dài dùng sơ đồ 3-5-2. Ông cũng từng chỉ trích thẳng thừng “việc đá 4 hậu vệ là không phù hợp với M.U”. Nhưng 3 trận gần nhất, M.U đã chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ và cách bố trí hệ thống tấn công theo hình kim cương. Bên cạnh đó, Van Gaal liên tục tiến hành thử nghiệm nhân sự như sử dụng thần đồng Januzaj sau thời gian dài bỏ xó hay bố trí cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh quốc, Angel Di Maria ở nhiều vị trí (tiền đạo cắm, hộ công hoặc cầu thủ chơi tự do).Cứ như thế, M.U đang trở thành mớ rối rắm dưới bàn tay Van Gaal. Không ai có thể hiểu được Van Gaal đang toan tính điều gì, tìm kiếm điều gì? Đó là nguyên nhân lớn khiến M.U chẳng biết đến bao giờ mới tìm được sự ổn định, chưa nói gì đến hiện nguyên hình một kẻ thống trị xứ sở sương mù trong nhiều năm trời. Đó là nguyên nhân mà M.U dù đã thắng 4/6 trận gần nhất, nhưng một nửa trong số đó là các thắng lợi kém thuyết phục (trước Yeovil Town, QPR và Leicester).
Blind "cứu rỗi" Man Utd ở phút bù giờ thứ hai |
Trong chuyến làm khách của West Ham, CLB chơi khá ổn từ đầu mùa và nằm trong Top 10, Van Gaal đã tiếp tục thôi bảo thủ khi sắp xếp 4-4-2 hình kim cương, đấu pháp thực sự đã mang lại cho M.U nhiều thành công dù chưa thật sự sáng sủa. Januzaj vẫn được ra sân ngay từ đầu và đảm trách hành lang phải còn thủ quân Rooney lại phải chơi thấp như một tiền vệ trung tâm, hỗ trợ cả công lẫn thủ. Di Maria đá lệch trái, vị trí ưa thích của Thiên thần người Argentina song với sự cơ động và linh hoạt của sơ đồ, cựu cầu thủ Real sẽ bó vào trong lúc cần thiết. Đỉnh thấp nhất của hình kim cương vẫn ghi tên Blind trong khi cặp tiền đạo không thể là ai khác ngoài Van Persie - Falcao, hai gương mặt đã dần có được sự ăn ý. Vậy là, Juan Mata - tiền vệ chơi ổn định nhất đội - lại phải ngậm ngùi ngồi ngoài và chịu chung số phận là Fellani, tuyển thủ người Bỉ luôn nỗ lực chứng tỏ mình mỗi khi được ra sân.
Với những gì đã trình diễn cộng thêm lợi thế sân nhà, West Ham khởi đầu đầy tự tin và có phần lấn lướt các vị khách đến từ Manchester. Cơ hội nguy hiểm đầu tiên cũng thuộc về họ khi Enner Valencia, ngôi sao người Ecuador bắt đầu được biết đến nhờ World Cup 2014, tung ra cú sút uy lực từ khoảng cách hơn 20m ở phút 13 mà chỉ có phản xạ đỉnh cao của De Gea mới giúp M.U tránh khỏi bàn thua mười mươi. Ngay sau đó, thủ thành người TBN lại xuất sắc vung tay từ chối cú dứt điểm cận thành vẫn từ đôi chân của Enner Valencia.
Thực ra, việc M.U rơi vào cảnh lép vế trong khoảng thời gian đầu đã được dự báo bởi từ đầu mùa, phong độ trên sân khách của Quỷ đỏ là cực kỳ tồi tệ. Họ chỉ có 1 điểm trước đội bóng đang đứng ở nhóm nguy hiểm là Aston Villa và may mắn lắm mới thoát thua trước Tottenham cũng như Stoke. Trong khi đó, sân nhà luôn là điểm tựa lớn của West Ham. Bởi trong 10 trận gần nhất tại Boleyn Ground, West Ham chỉ thua 1, giành tới 7 chiến thắng. Đấy là chưa kể, West Ham từng đánh bại Man City 2-1 và hạ cả Liverpool 3-1 tại sào huyệt.
West Ham đã chơi hay, lấn lướt so với các vị khách và nếu De Gea không xuất sắc, họ không chỉ ghi được 1 bàn duy nhất nhờ công của Kouyate |
Phải sau nửa hiệp 1, Man United mới phần nào giành giật lại thế trận nhưng vẫn chưa thể tạo ra sức ép mạnh lên phần sân West Ham. Có một điểm đáng lưu ý, dường như Van Gaal chỉ đạo học trò chơi bóng ngắn, phối hợp trung lộ nhiều hơn chứ không chỉ chăm chăm vào các quả chuyền dài hay tạt bóng từ cánh, vốn phải nhận khá nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn vì đơn giản, cách chơi đó chỉ phù hợp với các CLB trung bình mà thôi. Phút 32, sau khi trổ tài bằng tay, De Gea chuyển sang xài chân từ chối cú đánh đầu chiến thuật của Tomkins trong một pha đá phạt. Đến giờ nghỉ giải lao, đội khách chỉ có nổi một cơ hội vô cùng nhỏ bé khi Di Maria nã đạn từ xa và trái bóng đi đúng vào vị trí của thủ thành Adrian nên bị tóm gọn.
Dù đội nhà bế tắc, Van Gaal vẫn bình thản chưa vội tiến hành điều chỉnh nhân sự sau giờ nghỉ giải lao song thái độ đó không duy trì được lâu bởi ngay phút 49, West Ham đã có bàn mở tỷ số. Xuất phát từ một tình huống đá phạt (các pha bóng cố định là điểm mạnh nhất của West Ham), Cheikhou Kouyate thực hiện pha xử lý cực kỳ kỹ thuật (tâng bóng hai chạm trên không và từ từ xoay người để tạo ra thế dứt điểm) trước khi sút volley căng ở khoảng cách gần. Trái bóng đã chạm vào người Rooney đổi hướng, khiến De Gea có tài thánh thì cũng đành bất lực.
Đội khách mau chóng vùng lên rất mạnh hòng đưa trận đấu về vạch xuất phát và áp lực lên cầu môn Adrian tăng lên rõ rệt. Chỉ có điều, số tình huống thực sự nguy hiểm được tạo ra không nhiều. Cần lưu ý rằng kể từ ngày 29/3/2014 khi M.U còn dưới quyền David Moyes, người hiện giờ đang dẫn dắt Sociedad, đại gia thất thế của nước Anh chưa bao giờ chiến thắng ở Ngoại hạng Anh một khi bị đối thủ mở tỷ số trước (hôm đó, họ đã thắng ngược Aston Villa 4-1 trên sân nhà Old Trafford). Phút 64, Carl Jenkinson - hậu vệ cánh phải từng khoác áo Arsneal - có pha tạt hơi sâu song vô tình lại khiến khung thành De Gea sóng gió và bóng bay chệch cột dọc trong gang tấc.
Mãi đến phút 72, đội khách mới biến đổi hàng công khi Fellaini thế chỗ Januzaj, cầu thủ chơi thất vọng nhất từ đầu trận. Phút 77, thời cơ ăn bàn tốt nhất đã tới với Man Utd khi Van Persie chuyền đường bóng quá đẹp, đặt đối tác Radamel Falcao vào thế đối mặt với Adriano. Song sát thủ một thời đáng sợ nhất châu Âu đã dứt điểm không thể tệ hơn, khiến ban huấn luyện không thể giấu nổi sự thất vọng tràn trề. Xem ra, còn lâu nữa, Falcao mới thực sự trở lại đúng hình dạng "mãnh hổ" oai hùng ngày nào.
Khoảng thời gian cuối trận, M.U vẫn rất khó khăn giải quyết vấn đề ghi bàn. Phút 83, Falcao "đáp lễ" Percy và sát thủ hai lần liên tiếp đoạt danh hiệu "Vua phá lưới Premier League" dùng hết lực chân trái để tung ra cú sút nhưng Adrian đã cản phá thành công trên vạch vôi. Mải mê tấn công, M.U khó tránh khỏi bị tập kích và De Gea thêm một lần cứu thua cho M.U khi đổ người từ chối cú đặt lòng của Mark Noble. Ở phía bên kia cầu môn, Adrian tỏ ra không chịu thua kém với pha toả sáng để chặn thành công nỗ lực kết thúc của Fellaini.
Đúng phút 90, M.U được hưởng quả đá phạt ở sát vạch 16m50 và Rooney, "hung thần" của West Ham khi đã 7 lần sút tung lưới đội bóng này ngay tại sào huyệt (thành tích cao nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh), lãnh trách nhiệm nhưng cú sút của R10 chỉ có thể trúng vào hàng rào chắn. Tưởng như, M.U đã phải ra về tay trắng thì đúng vào phút bù giờ thứ hai, "vị Thánh" mang tên Daley Blind đã hiển linh với cú bắt volley cháy góc lưới ở sát vạch 16m50 sau động tác phá bóng vô tình trở thành đường kiến tạo đẹp của một cầu thủ đối phương. Nhưng kịch tính trận đấu chưa dừng lại ở đây. Không lâu sau đó, đội khách chỉ còn 10 người trên sân khi Luke Shaw phải nhận thẻ vàng thứ hai. May mắn, thời gian thi đấu không còn nhiều song Van Gaal vẫn khiến tất cả phải thảng thốt khi đưa Smalling vào sân để bảo toàn 1 điểm. Hậu vệ này chưa kịp chạm bóng lần nào thì tiếng còi kết thúc đã vang lên.
Big Sam suýt thắng trong pha đấu trí với một Van Gaal vẫn đang hỗn loạn ở Man Utd |
Khó có thể diễn tả hết sự tiếc nuối xen lẫn cay đắng của đội chủ nhà khi "cầm vàng mà để vàng rơi" còn M.U cũng chẳng dám quá sung sướng hay tự hào gì về chiến công ngoạn mục vừa rồi bởi đó là một trận hoà trên thế thua rõ ràng. Dẫu sao, "méo mó có hơn không", nhất là khi họ vẫn bảo vệ được vị trí trong Top 4 song khoảng cách với đội bám đuổi ngay phía sau (Tottenham) chỉ là 1 điểm ít ỏi. Về cơ bản, thầy trò Van Gaal thừa cơ hội lẫn khả năng để hoàn thành mục tiêu đề ra (có suất tham dự Champions League) nhưng tin là các CĐV đội bóng sẽ còn phải đau tim, hồi hộp, lo lắng dài dài. Nghe chừng, chặng đường tìm lại vị thế đích thực của M.U còn lắm gian nan.
Đội hình thi đấu
West Ham United: Adrian, Jenkinson, Tomkins, Kouyate, Cresswell, Song, Noble, Nolan, Downing, Sakho, Valencia (Jarvis 83')
Manchester United: De Gea, Valencia, Jones, Rojo, Shaw, Blind, Rooney, Januzaj (Fellani 72'), Di Maria, Falcao (Smalling 90'+5), Van Persie
West Ham | Thông số | Man Utd |
41 % | Tỷ lệ kiểm soát bóng | 59 % |
13 (6) | Tổng số cú sút (trúng đích) | 18 (6) |
5 | Thủ môn cản phá | 5 |
9 | Phạt góc | 9 |
7 | Phạm lỗi | 13 |
3 | Việt vị | 2 |
2 | Thẻ vàng | 2 |
0 | Thẻ đỏ | 1 |
Bảo Phương