Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Dư âm vòng 16 Premier League: Sự thật sau cùng

Thứ Hai 14/12/2009 08:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một ngày thứ Bảy điên rồ. Nhưng đằng sau sự “điên rồ” ấy, lại là một sự tái khẳng định quy luật về cách mà Chelsea và M.U đã thống trị giải đấu này suốt nhiều năm qua: không ai tận dụng được những cú ngã của họ.

1. Khi pha bay người của Petr Cech sau cú đánh đầu của Louis Saha vô tình đưa bóng vào lưới, chấm dứt 10 tiếng 14 phút Stamford Bridge “bất khả xâm phạm”, hẳn rất nhiều CĐV Chelsea đã sốc. Nhưng nếu gọi điện thoại, họ sẽ trấn tĩnh lại đôi chút: trước đó 9 phút, Doyle đã mở tỷ số cho Wolves ngay tại White Hart Lane, và chỉ trước đó một phút, Klasnic đã đưa Bolton vượt lên dẫn trước Man City.

Hai tiếng đồng hồ sau đó, M.U cũng thua. Nhưng trận thua ấy cũng chỉ khiến khoảng cách giữa họ và Chelsea tăng thêm một điểm. Còn vị trí thứ hai của Quỷ Đỏ thì còn lâu mới bị đe dọa. Tottenham đã không thể san bằng tỷ số trước Wolves sau 26 pha dứt điểm trên sân nhà.

Dù thua nhưng MU cùng Chelsea vẫn là những kẻ thống trị giải Ngoại hạng Anh

Ngày thi đấu đầu tiên của vòng 16 có lẽ đã phản ánh đầy đủ một tính chất vững bền của Premiership: những kẻ thách thức không thể tận dụng cơ hội để vượt lên khi những ông lớn vấp ngã. Kịch tính mà những bàn thắng của Saha, Yakubu và Agbonlahor tạo ra quá ngắn ngủi, quá vô nghĩa khi mà cả Man City và Tottenham đều không thể thắng.

2. “Hai kẻ giả vờ vĩ đại” là cách tờ The Times gọi Rafa Benitez và Arsene Wenger trước thềm trận đấu giữa Liverpool và Arsenal. Sở dĩ có biệt danh ấy là bởi hai ông vẫn luôn cố “giả vờ” rằng đội bóng của mình đang trong cuộc đua đến chức vô địch. Thật ra, cả hai đều đã trở thành những đội bóng “chiếu dưới” nếu đem so với Chelsea và M.U từ lâu: kể từ năm 2004 tới nay, Liverpool giành được 394 điểm, Arsenal có 401 điểm, với M.U 460 điểm và Chelsea là… 473 điểm. Một khoảng cách rất dài.

Và có lẽ, ngoài Arsenal và Liverpool, ở Premiership vẫn còn nhiều “kẻ giả vờ vĩ đại” khác. Man City và Tottenham chẳng hạn. Họ đã “giả vờ” rằng mình là những kẻ thách thức, với hàng đống tiền đầu tư cho đội hình trong nhiều năm qua.

Có thể Man City đã thắng 2 và hòa 1 trong 4 cuộc đối đầu với Big Four mùa giải này. Có thể Tottenham đã lập kỷ lục của bóng đá Anh khi đè bẹp Wigan 9-1. Nhưng cuộc chạy đua đường dài cần nhiều hơn là những khoảnh khắc lóe sáng. Arsenal và Liverpool đã hiểu điều đó rõ hơn ai hết. Giờ là lúc Man City và Tottenham cần hiểu.

3. Aston Villa trở thành điểm sáng duy nhất của ngày thứ Bảy. Nhưng HLV Martin O’Neill thì không “giả vờ” rằng đội bóng của mình là một ứng viên này nọ theo kiểu HLV Mark Hughes. Điều đó không hợp với tính cách của ông. Sau trận, ông chỉ ngợi khen các cầu thủ và nói về trận gặp Sunderland sắp tới.

Lịch sử có thể đã thay đổi chút ít khi Villa có trận thắng đầu tiên tại Old Trafford kể từ năm 1983. Nhưng hiện tại thì vẫn như vậy. Có vị trí thứ 3, đã thắng cả 3 đối thủ Big Four phải đối mặt mùa này, nhưng không ai nghĩ rằng Aston Villa trong cuộc đua đến chức vô địch, cả Martin O’Neill cũng vậy.

Sau một ngày thi đấu mà cả Chelsea và M.U cùng gây thất vọng, nhưng cục diện vẫn không có gì hứa hẹn thay đổi, có lẽ đã đến lúc người ta thôi “giả vờ” để nhìn vào sự thực.

Đó là hai đội bóng đã thống trị Premiership suốt 5 mùa giải qua vẫn sẽ tiếp tục vai trò của mình. Còn những đội bóng còn lại, cho dù có “giả vờ” hay “ảo tưởng”, cũng sẽ chỉ là những kẻ chiếu dưới. Đó là sự thật sau cùng của Premiership.

Điểm nhấn: Những pháo đài sụp đổ

Ngày thứ Bảy không chỉ “điên rồ” vì các ông lớn đồng loạt vấp ngã mà còn bởi ngoài Birmingham, không một đội chủ nhà nào có chiến thắng. Từ Stamford Bridge với thành tích 14 trận liên tiếp không biết đến bàn thua, cho tới Old Trafford 23 năm chưa nếm mùi thất bại trước Aston Villa, đều đồng loạt “mất thiêng”.

Không nói tới các đội chủ nhà yếu thế đã có một điểm quý giá trước các đội bóng mạnh hơn như Bolton (cầm hòa Man City 3-3) hay Burnley (hòa Fulham 1-1) thì Chelsea, Tottenham, M.U, Sunderland và thậm chí cả Stoke City đều đã gây thất vọng trên sân nhà. Nếu Hugo Rodallega không sút hỏng quả penalty ở phút 90, Stoke đã thua Wigan ngay tại Britania.

Sự kiện này có thể chỉ là kết quả của một loạt trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng một lần nữa, nó lại cho thấy sự kịch tính, khó lường của Premiership 2009/10. Cùng với sự sụp đổ của khái niệm “lợi thế sân nhà”, thì cho đến sau vòng 16 này, Premiership năm nay vẫn chỉ có duy nhất một ngày thi đấu mà cả 4 đội bóng trong Big Four cùng chiến thắng (vòng 6). Có lý do khi nói ở mùa giải năm nay, sự chênh lệch về trình độ giữa các đội bóng của giải là rất ít. Và điều đó đã tăng đáng kể sự hấp dẫn cho đấu trường đang thống trị hiệu suất người xem truyền hình trên toàn thế giới này.

(Theo báo Bóng Đá)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X