Lợi thế 2-1 trong trận lượt đi chưa đủ bảo đảm một suất vào chung kết Carling Cup cho Man City. Nhưng đó như một tiếng chuông báo hiệu Manchester đang chuyển mình, với tương lai thuộc về màu Xanh của những đồng bảng chất đầy trong két đội bóng đang được dẫn dắt bởi Roberto Mancini…
1. Các chuyên gia đa phần nhận xét rằng nhìn một cách công bằng, M.U xứng đáng có một trận hòa. Khởi đầu với thế áp đảo, có những thời điểm giới bình luận viên gọi cuộc chơi là chênh lệch, giữa những “người lớn” của M.U với những “đứa trẻ” của M.C. Thậm chí, trong thế trận bừng bừng khí thế của sự khẳng định đẳng cấp và quyền lực ấy, Quỷ Đỏ đã có bàn dẫn trước từ sớm (Giggs, 17’).
Rồi ngay cả khi các vị khách bị ngược dòng, vẫn chẳng ai tin họ phải ra về mà bỏ lại lợi thế cho Man City. Bởi nửa cuối hiệp 2 là thời điểm những đợt sóng dồn dập đánh vào khung thành Given, với các pha uy hiếp, bắn phá liên tục của Rooney, Owen… Nhưng tiếc thay, thày trò HLV Alex Ferguson vẫn thiếu một chút chính xác và may mắn để biến những cơ hội thành bàn thắng. Như một quy luật muôn thuở, tấn công nhiều không ghi được bàn, M.U phải trả giá âu cũng là điều dễ hiểu.
2. Ngay cả lúc không có trong tay nhiều quân bài quan trọng, nhất là ở hàng thủ, HLV Mancini vẫn cất trên băng ghế dự bị một số gương mặt thường xuyên đá chính. Đây đã là vòng bán kết, Mancini cũng rất muốn một danh hiệu. Nhưng ông buộc phải xoay tua khi CAN 2010 đang diễn ra vì mục tiêu Top 4 Premiership.
Sự mạo hiểm của Mancini càng làm tăng thêm giá trị cho chiến thắng mong manh nhưng đầy ý nghĩa của Man City. Giá trị lớn nhất nằm chính ở sự so sánh. Thường thì M.C lép vế trước M.U, ngay cả khi họ chơi với lực lượng mạnh nhất và trước một đối phương không tung ra những quân át chủ bài. Nhưng ở City of Manchester đêm thứ Ba lại khác. M.U gần như mạnh nhất có thể, còn M.C thì không.
Điểm khác biệt không đơn giản chỉ mang tên Carlos Tevez. Bởi rõ ràng Sir Alex đã tuyên bố ông không nuối tiếc khi để tiền đạo người Argentina ra đi. Còn bên phía M.U, vẫn có một Rooney chơi bay bổng, đã có rất nhiều cơ hội và cũng tạo được cho đồng đội nhiều đường chuyền ngon ăn. Điểm khác biệt lớn nhất là: M.U đang không có một tập thể đồng đều, đủ mạnh để được xem là đối thủ trên tầm của M.C.
3. Bóng đá cũng như mọi lĩnh vực khác của thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung. Sự phát triển bao giờ cũng có tính chu kỳ của nó. Sau khi chấp nhận để C.Ronaldo và Tevez ra đi, giới chuyên môn đã nhận định chu kỳ chiến thắng của kỷ nguyên Alex Ferguson sẽ sớm khép lại. Thực tế Premiership, M.U vẫn trong Top 4 nhưng sự độc tôn của họ đã không còn nữa.
Ở các đầu trường Cúp cũng vậy. M.U đã bị Leed United loại ở vòng 3 FA Cup, Carling Cup bán kết lượt đi họ lại thua Man City. Tại Champions League, Quỷ Đỏ cũng chẳng thể hiện được uy quyền của Á quân mùa trước. Nói chung, M.U đang sống bằng hoài niệm, bằng sự kiêu ngạo nhờ tầm vóc của một đội bóng từng rất thành công. Thực lực M.U bây giờ không tương xứng với vị thế ấy.
Man City ngược lại. Tiền của ADUG giờ mới bắt đầu phát huy hiệu quả, khi họ tìm được Mancini, một HLV biết kêu gào trên sân đấu để thổi lửa vào các học trò. Mùa Đông này và sắp tới cả mùa Hè tới, M.C sẽ còn chi tiêu, còn tăng cường nhân sự. Thế nên, có lẽ bây giờ, tại thành phố Manchester đã xác lập 2 quyền lực cân bằng. Nhưng trong tương lai gần, sự cân bằng ấy rồi cũng sẽ bị phá vỡ, như cách Chelsea vượt lên rồi lũng đoạn thành London…
(Theo báo Bóng Đá)