Liên tiếp trong các trận đấu gần đây của Tam Sư, HLV Roy Hodgson đã thử nghiệm sơ đồ chiến thuật 4-4-2 kim cương, qua đó thu về những kết quả tương đối tích cực.
Còn nhớ, giai đoạn trước thềm World Cup 2014, đội tuyển xứ sở sương mù đã thực sự loay hoay trước vấn đề sẽ lựa chọn sử dụng sơ đồ chiến thuật nào tại giải đấu trên đất Brazil, 4-4-2 hay 4-2-3-1. Tuy nhiên, khi mà cả Steven Gerrard lẫn Jordan Henderson đều chưa tỏ ra thực sự ăn ý với nhau trong việc giữ vai trò của một cặp “sen đầm” giữa sân, hai hệ thống này đều không phải câu trả lời hợp lý nhất dành cho Tam Sư. Hệ quả, người Anh đã nhanh chóng phải về nước chỉ sau vòng đấu bảng với các thất bại trước Italia và Uruguay.
Cách đây không lâu, trong trận thắng 2-0 trước Thụy Sỹ vào ngày 9/9, cũng tại vòng loại EURO 2016, Roy Hodgson đã lần đầu tiên thử nghiệm sơ đồ 4-4-2 với hàng tiền vệ hình kim cương. Khi đó, Wilshere đã được sử dụng ở vị trí “mỏ neo” trong khi cả Henderson và Fabian Delph đều chơi như những tiền vệ “con thoi” lên xuống đều đặn. Hai ngày trước, thời điểm ĐT Anh vừa đánh bại San Marino 5 bàn không gỡ, thêm một lần nữa Tam Sư tiếp tục sử dụng hệ thống này. Khác biệt duy nhất, chính là việc Milner đã thay Wilshere chơi trong vai trò tiền vệ trụ còn cầu thủ đang khoác áo Arsenal chuyển sang đá lệch trái. Và kết quả thu được, thậm chí còn tốt hơn ngoài dự kiến của HLV Hodgson khi mà Milner đã chơi tuyệt hay đồng thời trở thành cầu thủ nhận điểm số cao nhất trận (8,9).
James Milner đã chơi rất hay trong vai trò một tiền vệ mỏ neo |
Nếu phải đánh giá một cách chính xác, việc chuyển sang sơ đồ 4-1-2-1-2 (4-4-2 kim cương) không chỉ giúp cho ĐT Anh loại bỏ sự phụ thuộc vào các giải pháp tấn công biên mà còn đem đến tính cơ động và linh hoạt hơn trong các pha lên bóng. Có thể, điều này không phải “thói quen” của Tam Sư bởi từ trước đến giờ, người Anh vẫn nổi tiếng với phong cách đá cánh thuần túy. Tuy nhiên, trước thực tế rằng lối chơi kiểu cổ điển này đang ngày càng trở nên lạc hậu, không còn cách nào khác, HLV Hodgson buộc phải đưa ra những thay đổi. Với hệ thống 4-1-2-1-2, Tam Sư tỏ ra chắc chắn hơn hẳn ở khu vực giữa sân đồng thời luôn duy trì được sức ép đáng kể về phía khung thành đối phương. Mặt khác, sự xuất hiện của một cầu thủ “số 10” ngay sau lưng cặp trung phong cắm cũng giúp cho ĐT Anh trở nên trực diện và tốc độ hơn trong các tình huống tổ chức tấn công.
Ngoài ra, cũng cần phải khẳng định rằng, sơ đồ 4-1-2-1-2 không hề loại bỏ hoàn toàn khả năng tấn công biên của đội bóng xứ sở sương mù. Cụ thể, với những khoảng trống mênh mông ở hai bên hành lang, cộng thêm sự bọc lót đáng kể từ tuyến giữa, các hậu vệ cánh trong đội hình Tam Sư vẫn có thể dâng cao khi cần thiết. Chưa kể, hệ thống này cũng giúp cho các tiền vệ “con thoi” như Henderson hay Wilshere phát huy những phẩm chất công thủ toàn diện của mình.
Đội hình tối ưu cho ĐT Anh với sơ đồ kim cương |
Nhìn chung, không có một sơ đồ chiến thuật nào được xem là hoàn thiện “tuyệt đối”. Đơn giản, chỉ là với mỗi đội bóng, tùy theo tình hình nhân sự trong mỗi thời điểm mà HLV cần phải đưa ra những giải pháp sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Cho đến bây giờ, Hodgson đang bắt đầu thu được những thành công nhất định với một tuyển Anh chơi 4-4-2 kim cương. Và trong tương lai, rất có thể đây cũng sẽ là hệ thống tiền đề giúp Tam Sư bay cao tại các giải đấu quốc tế.
NAM ANH