Những trận đấu lớn luôn làm các cầu thủ lớn thấy hưng phấn và dù người ta có nói hay nghĩ gì về Didier Drogba trong 4 mùa giải của anh ở Chelsea, có một điều không thể nào phủ nhận: anh là cầu thủ của những trận đấu lớn.
Wembley trong buổi tối hôm qua chính là kiểu sân khấu dành riêng cho anh và khi Drogba vượt qua Mikael Silvestre trước khi hết giờ 6 phút, trừ những CĐV Arsenal, mọi người đều hiểu rằng số phận trận đấu đã được định đoạt.
Cũng phải nói thêm là Silvestre chẳng còn chút bóng dáng nào của cầu thủ từng chơi rất hay trong những ngày hoàng kim tại M.U, và Lukasz Fabianski lao ra quá vội vàng. Trưởng thành tại Ba Lan, Fabianski chắc không có nhiều kinh nghiệm đối phó với những chân sút như Drogba. Các tiền đạo với tốc độ và sức mạnh cùng kết hợp không phải là ở đâu cũng có, và khi các phẩm chất đó được kết hợp với quyết tâm làm bàn, các thủ thành sẽ phải đối thủ với một sát thủ thật sự.
Drogba - Cầu thủ lớn cho trận đấu lớn
Sau khi đẩy bóng qua khỏi tay Fabianski, Drogba bình tĩnh giảm tốc độ, lấy lại sự cân bằng và đẩy bóng vào lưới trống. Anh hiểu, và những khán giả truyền hình hiểu, đó là bàn ấn định chiến thắng và những ai mặc áo xanh trong đám đông 88.000 người ở Wembley đã không mất nhiều thời gian để chào mừng người hùng của họ. Drogba chạy về phía các CĐV cánh tay giơ cao, hỏi họ “Ai là chiến binh?”. Các CĐV hiểu, Drogba hiểu và thậm chí cả phía Arsenal cũng hiểu. Với tất cả những điều tiếng về tính cách của anh, những sự khó chịu về sự hay đòi hỏi và thích chỉ trích của Drogba, người ta vẫn không thể phủ nhận hiệu quả mà chân sút người Bờ Biển Ngà mang đến cho Chelsea.
Đội bóng của HLV Guus Hiddink trải qua gần suốt trận đấu tối thứ Bảy trong thế bị động trước những đường chuyền tốc độ của Arsenal, những đường chuyền cho Drogba thường rời rạc và thiếu chính xác, nhưng anh vẫn không nản lòng. Quả thật, khi Drogba muốn chơi bóng, không ai ở Chelsea quyết tâm và chăm chỉ bằng anh.
Vào cuối trận, Drogba đổi áo với một cầu thủ Arsenal và rời sân trong màu áo của đối thủ. “Mình đã muộn mất 7 năm”, HLV Arsene Wenger hẳn đã tự nhủ như thế, vì Arsenal từng theo đuổi anh vào năm 2002 nhưng cuối cùng không đưa ra đề nghị nào. Lúc đó, Drogba chỉ có giá khoảng 100.000 bảng nhưng Wenger không cho rằng anh đủ sức chơi ở Premier League, một đánh giá có lẽ là sai lầm nhất kể từ khi ông bầu đầu tiên của ban nhạc The Beatles, Allan Williams, từ bỏ ban nhạc sau đó sẽ trở thành vĩ đại nhất hành tinh.
Hơn ai hết, Wenger hiểu rõ ông đã bỏ lỡ điều gì, nhất là khi phải đối phó với sức mạnh của tiền đạo người Bờ Biển Ngà. “Drogba là một người chiến thắng”, Wenger nói sau trận đấu, “Anh ấy không bao giờ dừng lại. Anh ấy luôn tập trung và ghi bàn trong những trận đấu lớn, thế nên, phải nói đó là một cầu thủ lớn”. HLV người Pháp đã đúng về điểm mạnh nhất của Drogba: anh không bao giờ bỏ cuộc. Dù không có bao nhiêu cơ hội, dù pha chạm tay cố tình của Silvestre khi tranh chấp với Drogba trong vòng cấm qua được mắt các trọng tài, Drogba vẫn tiếp tục cuộc săn đuổi bàn thắng của anh.
Anh xứng đáng với những lời khen nồng nhiệt nhất cho thái độ đó, khi ở phần sân bên kia, Emmanuel Adebayor, đã mất hút trong cả trận đấu, chơi bóng như thể chấp nhận việc để John Terry và Alex bắt chết mình là tất nhiên. Có tài thì có tật, Drogba luôn muốn là trung tâm của sự chú ý. Alain Pascolou, HLV từng làm việc với Drogba ở Le Mans, nhận xét: “Didier muốn là thủ lĩnh, muốn được yêu mến, muốn được đám đông tán thưởng”. Dưới thời Phil Scolari, Drogba không cảm thấy được yêu mến và tán thưởng, nên anh không muốn chơi bóng.
Guus Hiddink hiển nhiên là người đầu tiên nhận ra điều đó. HLV người Hà Lan, do đó, không thể bỏ qua một cơ hội thật rõ ràng như tối hôm qua để đưa ra lời khen ngợi chân sút số một của ông: “Trước đây anh ấy không được chơi thường xuyên và việc anh ấy không hài lòng cũng là hợp lý”. Vì Chelsea không chiếm ưu thế trước Arsenal và dù Lampard đã tung ra hai đường chuyền thành bàn, hàng tiền vệ của đội bóng áo xanh tỏ ra thất thế trước sức trẻ của Arsenal. Họ chiến thắng chính là nhờ Drogba.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)