Tấm băng đội trưởng - vinh dự, trách nhiệm và áp lực
Không dễ để thấu hiểu và cảm nhận sức nặng của một miếng vải màu thêu chữ C quấn quanh bắp tay, nhưng nếu là cách để miêu tả tấm băng đội trưởng, anh xem như đã phớt lờ uy danh, tầm vóc quan trọng, lịch sử của nó cũng như đội bóng và con người mà nó đại diện.
Đeo băng đội trưởng bất kỳ đội bóng nào luôn là một vinh dự vĩ đại và thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối từ các đồng đội. Tuy nhiên không hoàn toàn như cấp độ CLB, đòi hỏi ở thủ quân của một ĐTQG thực sự cao và khắt khe hơn rất nhiều.
Đó không chỉ là chuyện chuyên môn đơn thuần vốn dĩ bắt buộc rồi. Áp lực duy trì phong độ và thi đấu tốt đôi khi chẳng là gì so với tâm lý sao nhãng khó thể tránh khỏi, với trách nhiệm xây dựng hình ảnh tích cực cả trong và ngoài sân cỏ cho truyền thông nhìn vào soi xét.
Tất nhiên quan trọng hơn cả, anh cần có tố chất thủ lĩnh và khả năng lãnh đạo. Tựa trung lại, đây không phải là công việc dành cho tất cả mọi người, ngay cả khi anh có là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Tấm băng đội trưởng - vinh dự, trách nhiệm và áp lực |
Đội trưởng Harry Kane liệu đã xứng đáng?
Nhưng, gã thủ lĩnh "phớt tỉnh Ăng-lê" Harry Kane chính là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới với đầy đủ phẩm chất để xứng đáng dẫn đầu đội tuyển Anh bước ra mỗi mặt cỏ sân vận động, cũng như chính thức trong tương lai không xa, Tottenham Hotspur.
Như David Beckham năm xưa, tiền đạo 25 tuổi là một hình tượng mẫu mực. Khác đàn anh năm xưa, anh dường như miễn nhiễm với truyền thông và chỉ đầu tư thời gian cho duy nhất bóng đá.
Trông vẻ bề ngoài cổ điển và điềm đạm là vậy, Kane vẫn có thể căng tràn đam mê, nhiệt huyết, đôi khi hung hăng và có lẽ quan trọng hơn cả, khả năng tỏa sáng đúng lúc đúng chỗ, đặc biệt ở những thời khắc khó khăn mà tập thể cần anh nhất.
Ở kỳ World Cup 2018 mùa hè vừa rồi, Kane với bản lĩnh trên chấm 11m, nỗi ám ảnh số một lịch sử của đội tuyển Anh, đã góp công đưa Tam Sư lọt vào đến vòng bán kết, trong khi bản thân anh cũng được vinh danh Vua phá lưới của giải đấu trên đất Nga.
Harry Kane làm đội trưởng tuyển Anh chính thức kể từ kỳ World Cup 2018 thành công |
Nhưng rồi, ngay cả một cầu thủ giỏi và chất như Kane không phải lúc nào cũng cảm thấy dễ chịu với tấm băng đội trưởng quấn quanh bắp tay, với sức nặng hơn dự kiến và thậm chí phần nào áp lực đến mức nể sợ hơn là truyền cảm hứng. Minh chứng bởi những số liệu thống kê, ít nhất ở cấp CLB.
Tương đối khó tin, thất bại của Tottenham trên sân Watford gần đây đã là lần thứ bảy Kane không thể ghi bàn trong tám trận đấu đeo băng đội trưởng cho đội bóng vùng Bắc London ở Premier League. Càng bất ngờ hơn nữa, đó cũng là trận bất thắng thứ sáu của Spurs với thủ quân chính là ngôi sao số một, chiếm tỷ lệ cao tệ hại đến 75%.
Tottenham là cỗ máy chiến thắng, Harry Kane là cỗ máy ghi bàn, nhưng sự kết hợp trong mơ đó bỗng chốc như tan tành mây khói, ít nhất bị kiềm hãm sự hoàn hảo chỉ bởi một miếng vải màu thêu chữ C. Đây không thể đơn giản là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó.
Harry Kane cũng đeo băng thủ quân Tottenham và sẽ sớm chính thức kế thừa Hugo Lloris |
Công bằng mà nói, không phải lúc nào cũng là thảm họa khi Kane đeo băng thủ quân Spurs. Như ở khuôn khổ FA Cup, anh ghi sáu bàn trong bảy trận làm đội trưởng. Tuy nhiên, yếu tố chất lượng của các đối thủ thông thường hạng dưới Premier League cũng cần phải được tính tới ở đây, chưa kể sáu bàn đó chỉ được phân chia ra cho chỉ ba trận đấu.
Đó tiêu biểu là hat-trick tung lưới Fulham, thời điểm hàng xóm thủ đô vẫn còn chơi ở giải hạng Nhất, cũng như cú đúp trước Wimbledon, đổi lại màn trình diễn nhạt nhòa trong trận bán kết thất bại trước Manchester United ở mùa giải năm ngoái.
Câu chuyện tương tự tái lặp với thủ lĩnh Kane trên đội tuyển Anh, với đơn cử mới nhất ngay cuối tuần vừa rồi khi thua ngược Tây Ban Nha ở Wembley.
Thủ môn Jordan Pickford vẫn xứng đáng được tôn vinh như người hùng số một trong đêm lịch sử sang trang cho người Anh, nhưng sao ai có thể lãng quên đội trưởng...
Thoạt nhìn, tấm băng đội trưởng không hề ảnh hưởng đến phong độ của Kane trong màu áo Tam Sư, với trung bình hơn một bàn/trận, cụ thể 12 bàn/11 trận gần đây. Đó là một thành tích lên tầm hiện tượng ở cấp độ quốc tế, đặc biệt với đỉnh cao đích thực của bóng đá Châu Âu. Tuy nhiên hãy cố đào sâu thêm chút nữa để rồi khó mà không tự hỏi về mức độ ấn tượng thực sự của nó.
Sau cùng, Kane rời nước Nga có lẽ với tư cách Vua phá lưới nhạt nhẽo nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Một cú đúp trong khu vực 5m50 trước một Tunisia khiêm tốn và một cú hat-trick trước một Panama yếu nhất nhì giải đấu, chưa kể một nửa trong số sáu bàn thắng chỉ đến từ chấm penalty. Ngôi sao 25 tuổi cũng hoàn toàn im hơi lặng tiếng bắt đầu từ giai đoạn knock-out phân định đẳng cấp.
Tiền đạo Harry Kane làm đội trưởng tuyển Anh cũng như Tottenham: Áp lực nặng nề từ miếng vải chữ C |
Các tiền đạo có nên làm đội trưởng?
Cũng luôn có một cuộc tranh luận thế này, rằng băng đội trưởng có nên được trao cho các tiền đạo hay không.
Họ vốn thường bị xem như những cầu thủ ích kỷ nhất trên sân và thực ra nên như vậy, thế nên đòi hỏi họ đứng lên đảm nhận trách nhiệm dẫn dắt cả tập thể dường như gây sự xung đột tâm lý và tư tưởng, khi sự tập trung chú tâm toàn thời gian của họ nên được dành cho việc làm sao để có thể đưa bóng vào lưới đối phương.
Hơn thế nữa, vị trí đặc thù khiến các tiền đạo khó có thể bao quát hay liên quan đến toàn bộ diễn biến trên sân, không như trung vệ hay tiền vệ trung tâm.
Thủ quân là người luôn cần kịp thời có mặt ở mọi điểm nóng, từ động viên, hô hào, hò hét các đồng đội xung quanh đến phân bua và thậm chí gây áp lực lên trọng tài nhằm mang về những gì có lợi cho mình. Nghĩ tới cảnh một đội trưởng mắc màn bên trên cứ phải chạy đi chạy lại xuống dưới để can dự mọi tình huống không thôi đã thấy thiếu hiệu quả và… mệt mỏi rồi.
Tiền đạo Harry Kane làm đội trưởng tuyển Anh cũng như Tottenham: Áp lực nặng nề từ miếng vải chữ C |
Có lẽ chúng ta vẫn còn đang quá khắt khe với Kane. Sau cùng, anh chỉ mới 25 tuổi và là một phần của những tập thể bao gồm rất nhiều đồng đội còn trẻ hơn vậy, cả CLB lẫn ĐTQG. Khi mà tâm lý và bản lĩnh chưa được trưởng thành một cách hoàn thiện, đã có quá nhiều trách nhiệm và quá ít hỗ trợ dành cho anh.
Tấm băng thủ quân đòi hỏi không chỉ trình độ chuyên môn hay thậm chí tố chất lãnh đạo, đó còn là cả bề dày kinh nghiệm để ứng phó với đa dạng tình huống khó khăn và kỳ vọng nặng nề. Harry Kane là một cầu thủ xuất sắc tuyệt vời nhưng với khả năng làm đội trưởng chưa thực sự tương xứng.
Câu chuyện về tiền đạo Harry Kane làm đội trưởng tuyển Anh:
Người ta nhớ đến Harry Kane vinh quang với cột mốc 100 bàn của ngày hôm nay, mà ít ai nhớ đến một cậu nhóc từng bị Arsenal thải loại rồi rơi vào trầm cảm tại...
Những khó khăn trong quá khứ chỉ là bước đệm để Harry Kane trưởng thành hơn trong màu áo Tottenham rồi ghi tên mình vào lịch sử Premier League.