Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Đội hình xuất sắc nhất của Arsenal dưới triều đại Arsene Wenger

Thứ Sáu 21/03/2014 16:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Cuối tuần này, vị "Giáo sư" đáng kính người Pháp sẽ kỷ niệm trận thứ 1.000 dẫn dắt "Pháo thủ" đúng ở derby thành London với Chelsea mang tính chất then chốt cho cuộc đua tranh đến ngôi Vương Premier League. Đó thực sự là một dấu mốc không thể đáng nhớ hơn mà nó sẽ càng ngọt ngào nếu như Arsenal giành chiến thắng. Dẫu vậy, dù kết quả trận đấu tới ra sao thì vẫn cần phải thừa nhận trong kỷ nguyên Premier League, có lẽ sự vĩ đại của Wenger chỉ thua kém duy nhất Sir Alex Ferguson mà thôi. Bắt đầu làm việc ở Arsenal từ năm 1996, khi mà tên tuổi của ông chưa được biết đến nhiều, sau gần 20 năm trung thành tuyệt đối với CLB, Wenger đã giúp đưa Arsenal lên hàng ngũ những đại gia hùng mạnh nhất nước Anh và châu Âu, lập nên nhiều chiến công huy hoàng cũng như đoạt nhiều danh hiệu cao quý. Đáng tiếc, bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của Wenger vẫn còn thiếu chiếc cúp vô địch Champions League song không vì thế mà lịch sử làng túc cầu giáo không lưu danh ông như là một nhà cầm quân huyền thoại. Dưới đây là 11 cậu học trò nổi bật nhất của Wenger tại Arsenal

Thủ môn: David Seaman (1990-2003)

david seaman
 

Đứng trong khung gỗ tất nhiên phải là Seaman. Cựu thủ môn xuất sắc bậc nhất trong lịch sử Arsenal cũng như làng bóng đá Anh đã gắn bó với Arsenal từ năm 1990 và đến lúc Wenger cập bến Highbury (sân nhà cũ của Arsenal tồn tại từ năm 1913 cho đến 2006 và được thay thế bằng sân Emirates như ngày nay) thì Seaman đã là trụ cột của đội bóng. Nhưng phải dưới bàn tay dìu dắt của Wenger, sự nghiệp của Seaman mới được đẩy lên tầm cao mới. Điểm nổi bật làm nên thương hiệu Seamen là phong độ cực kỳ ổn định qua năm tháng và những màn cứu thua xuất thần, đòi hỏi trình độ cao của những thủ môn tầm cỡ thế giới. Tất nhiên, chẳng thủ môn nào trên thế giới này không bao giờ mắc phải sai lầm trong suốt nghiệp "quần đùi áo số" nhưng tỷ lệ sai sót của Seaman ở mức rất thấp. Trong đợt kỷ niệm 10 năm Premier League (1992-2002), Seaman đã lọt vào đội hình tiêu biểu một thập niên của giải đấu và được vinh danh là thủ môn có thành tích giữ sạch lưới nhiều nhất (130 trận). Năm 2003, ông rời khỏi Arsenal và chấm dứt sự nghiệp một năm sau đó tại Man City. Hiện, Seaman đứng thứ 6 trong danh sách những cầu thủ khoác áo Arsenal nhiều nhất.

Hậu vệ

Tony Adams (1983-2002)

tony adams
 

Cựu trung vệ người Anh đích thực là biểu tượng vĩnh cửu của Arsenal bởi đơn giản, ông trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ của CLB và gắn bó trọn vẹn sự nghiệp cầu thủ với duy nhất Arsenal. Tuy chỉ có số trận khoác áo đội bóng nhiều thứ hai (thua David O'Leary) nhưng với nhiều CĐV Arsenal thì Adams phải đứng đầu (vì O'Leary về sau còn thi đấu cho Leeds United chứ không trung thành tuyệt đối như Adams). Bên cạnh đó, Adams còn trở thành thủ quân Arsenal từ khi mới 21 tuổi và giữ nó cho đến ngày giải nghệ (rõng rà 14 năm trời). Tháng 12 năm 2011, bức tượng Tony Adams đã được dựng phía ngoài sân Emirates như một sự tôn vinh cao quý dành cho những đóng góp vĩ đại của ông ở Arsenal (hai gương mặt khác cũng được dựng tượng là chân sút vĩ đại nhất Thierry Henry và Herbert Chapman, vị HLV từng dẫn dắt Arsenal từ năm 1925 đến 1934). Có thể ở ngoài sân cỏ, Adams khá bê bối và dính phải nhiều scandal tai tiếng nhưng trên sân, ông luôn là chốt chặn đáng tin cậy ở hàng thủ kể cả khi đã lớn tuổi. Quan trọng hơn, ông còn là một vị thủ lĩnh đầy quyền uy trong phòng thay đồ, có tầm ảnh hưởng to lớn đến đồng đội nhưng không bao giờ biến mình thành một "đại bàng" (tức là ngầm ngầm chống phá HLV trưởng hay gây chia rẽ, kết bè phái). Adam cùng Lee Dixon, Nigel Winterburn và Martin Keown tạo thành bộ tứ vệ huyền thoại một thời của Arsenal, nỗi ám ảnh cho mọi hàng tấn công.

Sol Campbell (2001-2006)

sol campbell
 

Người xứng đáng đá cặp với Adams ở trung tâm hàng phòng ngự không thể là ai khác ngoài Sol Campbell dù họ thuộc về hai thế hệ khác nhau (Campbell được Arsenal đưa về từ Tottenham nhằm để thay thế cho chính ... Adams). Xuất thân và thành danh từ người hàng xóm Spurs cũng như chỉ gắn bó với Arsenal đúng 5 năm mùa giải (về sau khoảng đầu năm 2010, Wenger đã giang tay "cưu mang" Campbell lúc đó đang rơi vào cảnh thất nghiệp và sự nghiệp đã xế chiều. Tuy vậy, anh đã đền đáp lại tình cảm đó bằng phong độ khá ổn khi được ra sân trong bối cảnh Arsenal khủng hoảng trung vệ vì chấn thương của Vermaelen, Gallas) song Campbell vẫn mãi được nhớ đến như một trung vệ giỏi, một "cột trụ" vững chãi ở tuyến dưới làm nản lòng biết bao chân sút đối phương. Chính Campbell đã góp công sức không nhỏ vào chiến tích vô tiền khoáng hậu ở Premier League 2003-2004: bất khả chiến bại sau 38 vòng trong sự nghiêng mình thán phục của các đại kình địch (Arsenal cũng để thủng lưới ít nhất).

Lee Dixon (1988-2002)

lee dixon
 

Cái tên thứ hai trong bộ tứ vế huyền thoại đứng vào đội hình tiêu biểu của Arsenal phiên bản Arsene Wenger. Khác với Adams, Dixon gia nhập Arsenal vào thời điểm sự nghiệp đã chín muồi (năm 24 tuổi) song kể từ đó, ông cống hiến cho Arsenal đến ngày về vườn và giải nghệ cùng thời điểm với Adams sau khi Arsenal vô địch Premier League. Dixon được xem là hậu vệ phải số 1 trong lịch sử đội bóng và đứng thứ 4 trong danh sách những cầu thủ khoác áo Arsenal nhiều lần nhất. Không quá cao to, cũng chẳng sở hữu thể lực vượt trội nhưng Dixon lại rất nhanh nhẹn, tốc độ cao cùng nền tảng kỹ thuật hoàn hảo để thống lĩnh cánh phải đội bóng trong nhiều năm trời. Dixon luôn lên công về thủ vô cùng nhịp nhàng và tạo an tâm cao cho đồng đội xung quanh.

Ashley Cole (1998-2006)

ashley cole
 

Cho đến giờ, nhiều CĐV Arsenal vẫn gọi Cole bằng biệt danh "tên Judas đáng khinh" bởi họ chưa thể nào quên cuộc đào thoát của Cole khỏi Arsenal vào năm 2006. Thời điểm đó, hậu vệ trái này đã tìm đủ mọi cách để được gia nhập Chelsea, bất kể làm đau lòng Arsenal tới đâu nhưng vẫn cần phải thừa nhận, Cole thực sự là một tài năng xuất chúng bên cánh trái của hàng phòng ngự. Có thể xem Cole là "viên ngọc sáng" đầu tiên tại Arsenal do một tay Wenger "mài giũa" từ khi còn thô. Mất vài năm nỗ lực ở đội 1, anh đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của Wenger cho vị trí hậu vệ trái cũng như vươn lên tầm cỡ "đầu bảng" ở Premier League. Bởi thế, dù mang tiếng "phản bội" Arsenal thì rõ ràng, Ashley Cole vẫn quá xứng đáng được đứng vào hàng ngũ này. Đừng quên rằng, sau khi dứt tình với "Pháo thủ", Cole vẫn duy trì được vị thế của mình tại Chelsea và phải đến mùa giải này, khi Cole đã ngoài 33 tuổi, anh mới bị mất chỗ đứng song chủ yếu do cách nhìn của Mourinho chứ về cơ bản, Cole chưa đến mức suy giảm phong độ trầm trọng. Nói một cách khác, danh hiệu "hậu vệ trái số 1 nước Anh" vẫn rất vừa vặn với A.Cole.

Tiền vệ

Robert Pires (2000-2006)

robert pires
 

Tiền vệ đồng hương được Wenger đưa về sau khi cùng ĐTQG Pháp đăng quang ở Euro 2000 (trước đó là World Cup 1998) nhưng Pires chưa hẳn là cầu thủ quan trọng nhất Les Bleus thời điểm đó. Chính xác, sự nghiệp của Pires chỉ đạt đỉnh tại Arsenal. Cho đến tận ngày ra đi, Pires luôn là một mũi giáp công chủ lực ở biên và chưa mùa nào, chơi dưới 40 trận (trên mọi đấu trường) và có được 84 bàn, một thành tích đáng nể. Pires mang điển hình của một cầu thủ Pháp: tinh quái, thông minh, đầu óc tổ chức chiến thuật. Cùng với những người đồng đội khác tại Arsenal, Pires đã tạo ra một "làn sóng Pháp" khuấy đảo nước Anh và cuốn phăng đi mọi chướng ngại vật trong vài mùa giải đỉnh cao mà Arsenal thống trị tuyệt đối Premier League. Nổi bật nhất, tất nhiên là mùa bóng kỳ diệu 2003-2004 khi Arsenal chẳng những không thua trận nào tại giải Ngoại hạng mà còn ghi được nhiều bàn thắng nhất. Mùa hè năm 2006, sau khi thất bại ở chung kết Champions League trước Barcelona, Pires đã chọn giải pháp ra đi (chuyển sang Villarreal tại La Liga) chẳng phải vì mưu cầu danh lợi mà anh cảm thấy ở tuổi 33, mình không còn đủ sức khoẻ tiếp tục cống hiến cho Arsenal đồng thời mở cơ hội cho lớp đàn em kế cận.

Marc Overmars (1997-2000)

marc overmars
 

Hẳn ít ai biết được rằng Pires được đưa về để trám vào lỗ hổng to đùng do Overmars để lại. Tiền vệ người Hà Lan là điển hình cho khả năng "mua rẻ, bán đắt" siêu việt của Wenger. Chỉ bỏ ra khoảng 7 triệu bảng, vị "Giáo sư" đáng kính đã có được sự phục vụ của tiền vệ trưởng thành từ lò Ajax một thời số 1 châu Âu về khoản đào tạo trẻ và cùng đội bóng số 1 xứ sở hoa Tulip đăng quang bất ngờ tại Champions League 1995-1996. Dù môi trường bóng đá tại nước Anh hoàn toàn khác biệt nhưng Overmars đã thích nghi rất nhanh và thăng tiến đáng kể trong sự nghiệp. Overmars luôn hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ: kiến tạo và trực tiếp ghi bàn (3 mùa khoác áo Arsenal, cựu danh thủ này đều ghi trên 10 bàn thắng). Chính phong độ đó đã giúp Overmars lọt vào mắt xanh Barcelona và sau VCK Euro 2000, anh đã tới xứ Catalan bằng bản hợp đồng lên tới 24 triệu bảng, giúp Arsenal lãi to. Đáng tiếc, Overmars đã chìm nghỉm ở Barcelona và chỉ còn là cái bóng mờ so với khi khoác áo Arsenal dù ai cũng biết, La Liga "thông thoáng" hơn Premier League nhiều, lại thiên về kỹ thuật vốn phù hợp với các cầu thủ Hà Lan.

Patrick Vieira (1996-2005)

patrick vieira
 

Ngoài biệt tài "mua bán", Wenger còn cực siêu trong khoản "vực dậy sự nghiệp xuống dốc của cầu thủ" và Vieira chính là một trong những minh chứng điển hình. Năm 1996, Vieira hoàn toàn biến mất ở AC Milan sau khi tạo được ấn tượng mạnh trong hai nằm đầu khởi nghiệp ở Cannes (ra mắt đội 1 năm 17 tuổi và đến năm 19 tuổi, đã được đeo băng thủ quân đội bóng). Rất may, Vieira đã kịp tỉnh ngộ và mau chóng gật đầu với lời mời gọi của Wenger. Đó thực sự là quyết định vô cùng sáng suốt bởi dưới bàn tay dậy dỗ của ông thầy, Vieira mau chóng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của một tiền vệ phòng ngự đẳng cấp thế giới ngay trong mùa đầu tiên chơi bóng tại Arsenal. Trong nhiều năm trời, Vieira luôn nằm trong những cầu thủ hàng đầu nước Anh và châu Âu ở vị trí này. Thậm chí, vào thời điểm đỉnh cao, cùng lắm chỉ có Roy Keane của Man Utd mới có thể sánh ngang Vieira. Lối chơi máu lửa, quyết liệt, không ngại va chạm nhưng không kém phần thông minh chính là những điểm mạnh nhất của Vieira. Có anh trên sân, hàng thủ thêm phần yên tâm còn hàng công cứ thoải mái uy hiếp cầu môn đối phương mà chẳng cần phải lăn tăn gì bởi phía dưới, một tay Vieira dọn dẹp tất. Không những vậy, anh còn thường xuyên thực hiện các màn phát động tấn công đầy sắc sảo. Tựu trung lại, Vieira là mẫu tiền vệ phòng ngự "của hiếm" mà đến giờ, Arsenal chưa thể tìm ra người thứ hai xuất sắc như vậy.

Cesc Fabregas (2003-2011)

cesc fabregas
cesc fabregas

Giống như Ashley Cole, Fabregas hiện vẫn bị nhiều CĐV Arsenal "ghét bỏ" bởi đã dứt khoát phản bội lại đội bóng có công đưa anh lên hàng ngũ tiền vệ ngôi sao để mưu cầu danh vọng ở Barcelona, bất chấp Arsenal tìm đủ mọi cách níu kéo. Kể ra, cũng cần phải thông cảm cho Cesc vì những năm tháng khoác áo Arsenal, anh luôn thi đấu bằng hết khả năng, bộc lộ đầy đủ tố chất trong người nhưng vẫn không làm sao giúp đội bóng giành nhiều vinh quang như lớp đàn anh (danh hiệu duy nhất mà Fabregas có được ở Arsenal là chiếc cúp FA vào năm 2005). F4 từng là nhạc trưởng "bất khả xâm phạm" ở Arsenal, luôn duy trì phong độ ổn định ở mức cao chứ không "phập phù" như hai cầu thủ "kế nhiệm" anh (Santi Cazorla, Mesut Ozil) và một thủ quân mẫu mực khi kế tục Henry trở thành đội trưởng Arsenal lúc mới hơn 21 tuổi. Anh đã dẫn dắt lối chơi đội bóng một cách tài tình bằng bộ não tổ chức siêu việt và các đường chuyền chết người (tổng cộng, anh có gần ... 100 đường chuyền kiến tạo tại Arsenal). Dù vẫn toả sáng và tiếp tục hoàn thiện tại Barcelona song nếu đánh giá tổng thể, tầm ảnh hưởng của Fabregas tại Blaugrana không thể to lớn như khi còn khoác áo Arsenal. Anh còn đang giữ hai kỷ lục của đội bóng: Cầu thủ trẻ nhất từng ra sân thi đấu và Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho CLB.

Tiền đạo

Dennis Bergkamp (1995-2006)

Dennis Bergkamp
 

Thêm một cầu thủ được Wenger "hồi sinh" dù ông không phải là người chiêu mộ anh. Sau hai năm tệ hại ở Inter Milan (trước đó, Bergkamp là tiền đạo hàng đầu Hà Lan nhờ những năm tháng khoác áo Ajax, đội bóng đã đào tạo ra anh), tưởng như Bergkamp sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được nữa song nhờ Arsenal và Wenger, anh đã tìm lại được hình ảnh vốn có. Dù số bàn thắng của Bergkamp ở Arsenal khá khiêm tốn (120 bàn sau hơn 10 năm và không lọt vào nhóm 10 chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử CLB) nhưng anh sẽ mãi được nhớ đến thông qua các pha xử lý kỹ thuật siêu đẳng mang thương hiệu riêng mà đã được đưa vào các cuốn giáo trình giảng dạy môn bóng đá. Bergkamp chơi bóng thanh thoát, nhẹ nhàng như một nghệ sỹ, một lãng tử trên sân và đến giờ, nhiều người vẫn lục lọi trên mạng những đoạn clip ghi lại những pha bóng "made in Bergkamp" để hồi tưởng lại một tiền đạo hào hoa, phong nhã thuộc diện "hàng độc". Hẳn nhiều người vẫn nhớ như in bàn thắng vĩ đại mà Bergkamp thực hiện vào lưới Newcastle hồi năm 2002 mà đã được mặc nhiên công nhận là pha lập công đẹp nhất mọi thời đại của Premier League.

Thierry Henry (1999-2007)

thierry henry
 

Từ chỗ bị xem là "hết thời" ở Juventus (Henry từng là tiền đạo sáng giá bậc nhất bóng đá Pháp hồi còn khoác áo Monaco), chân sút sinh năm 1997 hiện thi đấu tại Mỹ đã từng bước trở thành tay săn bàn xuất sắc nhất trong lịch sử Arsenal (228 bàn và người xếp thứ hai, Ian Wright cũng chỉ có đến 187 bàn). Thực ra, nếu Wenger không phải HLV trưởng Arsenal thì chưa chắc sự nghiệp của Henry đã lại "nở hoa" ở mảnh đất Anh (có thể ở một nơi khác hoặc chỉ ở mức "làng nhàng") bởi đơn giản Wenger chính là người phát hiện, dạy dỗ Henry ở Monaco. Tiếc nuối tài năng của cậu học trò cũ không thể phát huy ở Italia, ông đã đưa Henry về Arsenal và chỉ trong một thời gian cực ngắn, bản năng săn bàn của Henry đã trỗi dậy mạnh mẽ. Henry là mẫu tiền đạo vô cùng toàn diện (kỹ thuật cơ bản tốt, xử lý bóng bằng cả hai chân, giỏi đánh đầu, biết sút xa, có tinh thần tập thể chứ không quá cá nhân) nên quá phù hợp với lối chơi đậm chất La-tinh mà Wenger gây dựng. Bản thân Henry cũng luôn tận hiến để giúp Arsenal giữ được vị thế "đối trọng lớn nhất của Man Utd" tại nước Anh trong những năm anh thi đấu ở đây. Henry từng làm khốn khổ biết bao hàng phòng ngự, buộc hàng đống thủ môn phải bất lực nhìn bóng bay vào lưới. Ngoài những thành tích tập thể cùng Arsenal (2 Premier League, 3 cúp FA) thì Henry còn đoạt thêm vô số danh hiệu cá nhân như 4 lần giành chức "Vua phá lưới Premier League", hai "Chiếc giày vàng châu Âu" (dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn nhất ở giải VĐQG, được tính theo hệ số dựa trên độ mạnh yếu của giải đấu chứ không chỉ căn cứ vào số bàn thắng ghi được), hai lần được tôn vinh là "Cầu thủ hay nhất Premier League trong mùa giải". Tháng 12 năm 2011, nhân sinh nhật thứ 125 của Arsenal, đội bóng đã khánh thành bức tượng đồng đặt bên ngoài sân Emirates mô tả cách ăn mừng bàn thắng quen thuộc của Henry như một sự thừa nhận Henry chính là một huyền thoại trường tồn của đội bóng.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

     

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X