Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Đội hình tiêu biểu của Arsenal trong một thập kỷ gần đây

Thứ Năm 16/07/2009 16:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nằm trong loạt bài về đội hình tiêu biểu của các CLB, các ĐTQG trong một thập kỷ gần đây (tính từ năm 2000 cho đến nay), lần này, chúng tôi xin gửi đến các bạn độc giả danh sách 11 cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng thành London, Arsenal và được sắp xếp theo sơ đồ 4-4-2.

Thủ môn: David Seaman (1990-2003)

David Seaman (1990-2003) hình ảnh
David Seaman (1990-2003)

Giống như Peter Schmeichel bên phía MU thì Seaman chính là tượng đài sừng sững trong khung gỗ của Arsenal và luôn là rào cản lớn nhất cho bất cứ thủ môn nào đến sân Emirates trong công việc thay thế hình ảnh của Seaman. Dù thời kỳ đỉnh cao nhất của Seaman là vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng trong 3 năm cuối cùng của sự nghiệp nằm ở thế kỷ 21, Seaman vẫn luôn giữ được danh tiếng của mình và đến giờ, chưa có ai (từ Jens Lehmann cho đến Manuel Almunia của thì hiện tại) thật sự làm cho các CĐV quên đi hình ảnh của một thủ thành vững chãi, không chơi bóng bẩy nhưng hiệu quả và hiếm khi mắc sai lầm.

Hậu vệ phải: Lauren (2000-2007)

Hậu vệ phải: Lauren (2000-2007) hình ảnh
Hậu vệ phải: Lauren (2000-2007)

Hiện tại Bacary Sagna đang đảm nhận khá tốt vị trí hậu vệ phải nhưng nếu so với người tiền nhiệm Lauren thì anh vẫn phải cần cố gắng nhiều hơn nữa. Lauren Gia nhập đội bóng từ CLB Mallorca vào năm 2000 và vốn là một tiền vệ phải. Nhưng khi Lee Dixon, một thành viên trong bộ "tứ vệ" huyền thoại của Arsenal (3 người còn lại là Tony Adams, Martin Keown và Nigel Winterburn) giải nghệ vào năm 2002, Lauren đã được Wenger sử dụng nhiều hơn ở vị trí hậu vệ phải nhằm lấp vào chỗ trống do Dixon để lại. Dù đó rõ ràng không phải là vị trí sở trường nhưng Lauren vẫn chơi  cực kỳ tốt và dần khiến người ta quên đi Dixon. Khả năng chọn vị trí, phối hợp và động lực thi đấu đã giúp Lauren trở thành một phần không thể thiếu trong hàng thủ Arsenal và cùng đội bóng giành 2 chức vô địch Premier League.

Trung vệ: Sol Campbell (2001-2006)

Trung vệ: Sol Campbell (2001-2006) hình ảnh
Trung vệ: Sol Campbell (2001-2006)

Campbell là người được đào tạo và thành danh ở Tottenham tuy nhiên vào năm 2001, anh đã bất ngờ chuyển đến đội bóng cùng thành phố, Arsenal theo diện chuyển nhượng tự do. Chính vì thế, biết bao tình cảm mà người hâm mộ Spurs dành cho anh đã biến mất vì họ coi Campbell là "kẻ phản bội đáng khinh". Tuy nhiên, bù lại, anh lại nhanh chóng được các CĐV Arsenal tôn thờ khi khẳng định vị trí vững chắc của mình trong đội hình nhờ sức mạnh và sự vững chãi của một trung vệ hàng đầu nước Anh khi đó. Ngay ở năm đầu tiên gia nhập đoàn quân "Pháo thủ", Campbell đã đóng góp vào chiến tích giành cú đúp (Premier League và cúp FA) của đội bóng.

Sau đó, anh lại cùng Arsenal trải qua một mùa giải 2003-2004 bất bại (một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử giải Ngoại hạng) và đương nhiên, Arsenal là đội đăng quang. Trong thành tích ấn tượng đó, công đầu phải thuộc về hàng thủ mà Sol Campbell chính là thủ lĩnh. Trận đấu cuối cùng của Campbell tại Arsenal là trận chung kết Champions League 2005-2006 (Arsenal thua Barcelona với tỷ số 1-2 và Campbell chính là tác giả bàn thắng duy nhất cho đội bóng nước Anh). Mùa hè năm đó, Campbell chuyển tới Portsmouth nhưng đến giờ, nhiều CĐV của Arsenal vẫn nhớ tới anh.

Trung vệ: Kolo Toure (2002-?)

Trung vệ: Kolo Toure (2002-?) hình ảnh
Trung vệ: Kolo Toure (2002-?)

Toure được phát hiện và nuôi dưỡng ở Học viện bóng đá của Arsenal tại Bờ Biển Ngà. Năm 2002, Toure chính thức khoác áo The Gunners nhằm thay thế cho hai lão tướng Adams và Keown. Với tố chất của một trung vệ tài năng, Toure dần khẳng định được vị trí ở Arsenal. Báo chí Italia từng xưng tụng Toure là "Fabio Cannavaro của châu Phi" sau khi Arsenal loại Juventus ở vòng tứ kết Champions League mùa giải 2005-2006 (năm đó, Arsenal vào tận chung kết). Kể từ mùa giải ấy, Toure đã được công nhận là một trong những trung vệ xuất sắc nhất châu Âu. Hiện tại, Toure vẫn gắn bó với Arsenal và trở thành cầu thủ có thâm niên nhất đội bóng. Ngoài vai trò quan trọng ở hàng thủ, Toure còn được trao trọng trách dẫn dắt lớp trẻ măng non của Arsenal

Hậu vệ trái: Ashley Cole (1997-2006)

Cầu thủ người Anh chính là một sản phẩm chất lượng cao của lò đào tạo Arsenal. Mùa thu năm 2000 (khi mới 20 tuổi), Ashley Cole bắt đầu được thi đấu thường xuyên hơn ở vị trí hậu vệ trái do chấn thương của Sylvinho, sự lựa chọn số 1 của Wenger ở hàng lang trái hồi đó. Và Cole đã nắm lấy cơ hội của mình để thể hiện tài năng và nhanh chóng đẩy Sylvinho lên băng ghế dự bị. Vài năm sau, Ashley Cole đã trở thành hậu vệ trái số 1 nước Anh và hàng đầu châu Âu. Ở Arsenal, anh đã có được 2 chức VĐ Premier League và 3 cúp FA. Nhưng tình cảm với Arsenal đã đổ vỡ khi Ashley Cole không thể cưỡng lại lời mời gọi hấp dẫn từ Chelsea, đối thủ không đội trời chung của Arsenal tại thành London. Một vụ chuyển nhượng rắc rối tốn nhiều giấy mực của báo chí và Liên đoàn bóng đá Anh (FA) từng phải nhảy vào cuộc do những hành vi tiếp cận bất hợp pháp của Chelsea. Arsenal cũng sử dụng rất nhiều biện pháp (đủ cả cứng rắn và mềm mỏng) để thuyết phục Ashley Cole ở lại nhưng đều thất bại. Thế là, "Khẩu thần công" đành bán Cole lấy William Gallas và 5 triệu bảng. Dù sao, những gì Cole thể hiện ở Arsenal là không thể phủ nhận và anh xứng đáng xuất hiện trong đội hình tiêu biểu này.

Tiền vệ phải: Freddie Ljungberg (1998-2007)

Đến với Arsenal khi còn là cầu thủ vô danh ở tận đất nước Thụy Điển xa xôi, bản hợp đồng trị giá có 3 triệu bảng này đã trở thành một món hàng hời của Arsene Wenger. Trong 9 năm thi đấu tại đây, Ljungberg đã thi đấu hơn 200 trận cho đội bóng và ghi gần 50 bàn thắng, một con số đáng nể. Những năm đỉnh cao, Ljungberg chính là mối đe dọa thực sự cho mọi đối thủ nơi hàng lang phải của Arsenal nhờ vào tốc độ cực nhanh và khả năng chuyền bóng chính xác. Mùa giải thành công nhất của tiền vệ người Thụy Điển là mùa bóng 2001-2002. Ljungberg đã ghi bàn thắng ở 5 trận đấu liên tiếp, giúp Arsenal tiến gần đến chức VĐ Premier League và ở trận chung kết cúp FA gặp Chelsea, anh là tác giả bàn thắng ấn định tỷ số 2-0. Năm 207 khi đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, Ljungberg chuyển tới West Ham nhưng những ấn tượng về chàng cầu thủ này vẫn chưa phai mờ.

Tiền vệ trung tâm: Patrick Vieira (1996-2005)

Wenger là một HLV người Pháp nên dưới triều đại của ông, có không ít những cầu thủ đồng hương đã thành danh ở Arsenal. Một trong số đó là tiền vệ Patrick Viera. Được Wenger cứu vớt khỏi "địa ngục" AC Milan vào năm 1996, Viera đã từng bước khẳng định vai trò của mình ở Arsenal. Anh luôn chơi cực kỳ lăn xả, chiến đấu hết mình tuy rằng đôi lúc quá rắn và cũng khá nóng tính ở trên sân và là nền tảng vô cùng vững chắc cho tuyến trên. Có Viera, Arsenal khỏi lo về khả năng phòng ngự từ xa và mọi đối thủ đều e ngại khi phải đối đầu với tiền vệ dữ dằn như Viera. Không dừng lại ở đó, cầu thủ này còn sở hữu khả năng phát động phản công chuẩn xác. Từ khi Viera ra đi vào năm 2005, Arsenal không thể nào tìm nổi một tiền vệ trụ thứ 2 vừa có sức mạnh vừa chơi đầu óc như anh.

Tiền vệ trung tâm: Cesc Fabregas (2003 - )

Đến giờ, Barcelona vẫn còn cay mũi về vụ bị Arsenal cướp trắng Fabregas khỏi lò đào tạo danh tiếng La Masia của chính mình. Như thế, đủ để hiểu Fabregas được đánh giá cao đến như thế nào. Sau sự ra đi của ... Viera thì Fabregas chính thức trở thành ông chủ nơi khu trung tuyến của Arsenal dù chưa đầy 20 tuổi và nhanh chóng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của mình. Cesc là mẫu tiền vệ tổ chức, chơi thiên về đầu óc với khả năng giữ nhịp trận đấu và tung ra những đường chuyền sát thủ cho các tiền đạo. Ngoài ra, Fabregas cũng biết cách ghi bàn (từng có 13 bàn vào mùa giải 2007-2008). Nay anh đã đeo chiếc băng đội trưởng của Arsenal khi tuổi đời mới ở con số 22. Barca rất muốn lôi kéo Cesc trở về xứ Catalan nhưng xem ra Arsenal cũng không dại gì mà bán đi cầu thủ sáng giá nhất trong đội hình. Xét về thâm niên hay tuổi tác, Fabregas là người trẻ nhất trong đội hình tiêu biểu của "Pháo thủ" trong một thập kỷ qua nhưng về tài năng, cầu thủ người Tây Ban Nha tỏ ra không kém cạnh bao nhiêu

Tiền vệ trái: Robert Pires (2000-2006)

Pires tới Arsenal từ Marseille vào năm 2000 nhờ vào sự thân quen với nước Pháp của Wenger bởi lúc đó, Pires được coi là cầu thủ đầy tiềm năng và thu hút sự quan tâm của nhiều ông lớn. Không mạnh về tốc độ nhưng bù lại Pires có nền tảng kỹ thuật tốt, khả năng chuyền bóng và phối hợp đồng đội ở mức hoàn hảo. Anh cũng thường xuyên đột nhập vào trung lộ và có tỷ lệ ghi bàn khá cao nếu so với một tiền vệ. Thuận chân phải nhưng Pires lại thường xuyên thi đấu ở bên trái và luôn khiến "Giáo sư" cảm thấy an tâm. Năm 2006, Pires gặp rắc rối trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với Arsenal và đã quyết định từ bỏ CLB anh đã gắn bó trong 6 năm để tới Villarreal, để lại tiếc nuối cho nhiều CĐV vì Pires vẫn còn đủ sức cống hiến vài năm nữa cho Arsenal.

Tiền đạo: Dennis Bergkamp (1995-2006)

Trong lịch sử Premier League (tính từ năm 1992), Bergkamp được đánh giá là tiền đạo có kỹ thuật cá nhân khéo léo nhất và những pha xử lý mang thương hiệu riêng của tiền đạo người Hà Lan đã đi vào sử sách của giải Ngoại hạng. Hiện thời, bàn thắng được coi là đẹp nhất Premier League chính là của Bergkamp ghi được trong trận đấu với Newcastle năm 2002. Gia nhập Arsenal sau chuỗi ngày tệ hại ở Inter Milan vào năm 1995, Bergkamp thực sự được vẫy vùng và tha hồ phô diễn trình độ dưới bàn tay nhào nặn của Wenger. Kèm Bergkamp là một cực hình với mọi hậu vệ vì tiền đạo này xoay sở cực khéo trong phạm vi hẹp và luôn có những đi bóng qua người không chê vào đâu được. Năm 2006, Bergkamp quyết định chấm dứt sự nghiệp lẫy lừng của mình trong chính màu áo Arsenal và nhiều CĐV của đội bóng vẫn nhớ như in những bàn thắng "made in Bergkamp"

Tiền đạo: Thierry Henry (1999-2007)

Thêm một thương vụ "giá rẻ, chất lượng cao" của Wenger, thể hiện tài nhìn người như thần của chiến lược gia người Pháp. Henry đến Arsenal vào năm 1999 sau những tháng ngày đày đọa ở Juventus và thành London chính là mảnh đất phù hợp để tài năng của Henry thăng hoa rực rỡ. Vốn xuất thân từ một tiền đạo cánh nhưng Wenger đã biến Henry thành một tiền đạo mũi nhọn gây kinh hoàng cho mọi hàng thủ. Không toàn diện (chơi đầu hơi kém) nhưng ở Henry lại có những bước chạy thanh thoát như chú linh dương, độ nhạy bén của một tay săn bàn hàng đầu và khả năng dứt điểm không chỉ chính xác mà lại còn đẹp. Henry không phải là mẫu tiền đạo quanh quẩn ở khu cấm địa như người cùng thời Van Nistelrooy mà anh luôn tích cực tham gia và lối chơi chung của toàn đội. Khả năng phối hợp và sút xa của Henry không kém cạnh bất cứ một tiền vệ thực thụ nào. Rất nhiều bàn thắng của Henry xứng đang là các tác phẩm nghệ thuật.

Hiện Henry vẫn là chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Arsenal với hơn 170 bàn. Anh đã giành tất cả mọi danh hiệu ở Arsenal (trừ mỗi Champions League) ngoài ra còn có thêm những danh hiệu cá nhân như 4 lần là "Vua phá lưới" của giải Ngoại hạng và 2 lần giành "Chiếc giày vàng châu Âu". Việc Henry đến Barcelona vào năm 2007 không đơn thuần chỉ liên quan đến vấn đề chuyên môn hay phong độ mà là Henry muốn sở hữu nốt chiếc cúp Champions League còn thiếu trong bộ sưu tập (và anh đã toại nguyện vào mùa giải vừa rồi) và Arsenal dù muốn cũng không thể giữ nổi Henry. Bằng chứng là tiền đạo người Pháp vẫn chơi tốt ở Barcelona dù không thể bằng so với khi ở Arsenal.<

  • Quỳnh Ngọc (Theo Goal)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X