Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Dimitar Berbatov: Hoàng tử và chiến binh

Thứ Bảy 26/01/2013 14:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Berbatov được ví như một hoàng tử trên sân bóng với lối chơi đủng đỉnh. Đó là lý do anh không được Sir Alex tin dùng bởi chiến lược gia người Scot muốn có trong đội hình những chiến binh. Đêm nay, một lần nữa câu chuyện về chiến binh và hoàng tử lại được nhắc đến như lời tựa cho cuộc thư hùng giữa M.U và Fulham...

1. Mấy ngày nay, báo chí Anh khá ồn ào vì một cái tên thuộc Hoàng gia: Hoàng tử Harry. Vẫn biết, với người Anh, Hoàng gia là điều mà họ tự hào song cũng là nơi để họ “soi” nhiều nhất. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Harry đã nói về cả những điều chàng trai thích nổi loạn này đã làm ở chiến trường Afghanistan lẫn những gì xảy ra trong cái đêm mà tờ Daily Mail mô tả là “tai tiếng” tại Las Vegas (trần truồng vui vẻ với một cô gái lạ và bị quay video tung lên mạng).

berbatov
 

Đáng nói, hai vấn đề kể trên được báo giới Anh nhắc đi nhắc lại cả tuần liền. Và Harry nói ra một điều mà không ít người trong chúng ta sẽ phải suy nghĩ: “Có quá ít một hoàng tử và quá nhiều một chiến binh trong tôi”. Ai cũng có một ước mơ, thấy mình như một hoàng tử. Đó là ước mơ đẹp, được chắp cánh từ những câu chuyện cổ tích ngày còn ấu thơ.

Nhưng ai cũng có một khát vọng, được là chiến binh thực thụ, để chứng minh cái chất đàn ông, cái chất nam tính của mình. Như thế, suy cho cùng, Harry xứng đáng là thần tượng của các kiều nữ Anh quốc, khi vẫn có sự lịch lãm của một hoàng tử nhưng lại đầy chất nam tính của một chiến binh.

2. Ở Bulgaria, người ta gọi Berbatov là hoàng tử của bóng đá. Và lối chơi “bình tĩnh” của anh ít nhiều cũng cho thấy cái chất hoàng tử ấy. Nhưng gặp Berbatov ở vòng cấm địa, hậu vệ hay thủ thành đối phương sẽ từ từ mà hoảng với những cú dứt điểm tinh tế, lạnh lùng như một chiến binh. Song, anh không hoàn toàn là một chiến binh trong suốt 90 phút trên sân và đó là lý do Fergie chán anh rất nhanh.

Van Persie bây giờ là người có chất hoàng tử như thế. Một lý do đơn giản, sự thanh thoát trong lối chơi của anh có lẽ bắt nguồn từ cái nôi gia đình. Cha mẹ Van Persie là những nghệ sỹ và cái chất nghệ sỹ đó thấm vào lối chơi của anh đến mức hào hoa. Nhưng lối chơi lăn xả của cầu thủ người Hà Lan chính là thứ mà Fergie rất mê. Đó là chất chiến binh, thứ mà Fergie đã gầy dựng cho M.U từ thời Roy Keane tới nay. Trong mỗi hình bóng hoàng tử của M.U ở đế chế Fergie: từ Cantona qua Beckham cho tới CR7 đều thấm đẫm máu chiến binh như thế.

Nhưng vấn đề của M.U hôm nay là gì? Là chính điều mà hoàng tử Harry đã nói. Họ có quá ít hoàng tử mà chỉ toàn là chiến binh. Ngoài Van Persie, không thấy bóng dáng hoàng tử nào trong đội bóng của Fergie, như ngày xưa, khi họ không chỉ có Beckham mà còn có cả Giggs, cả Van Nistelrooy...

3. Ít ai nhớ, Fulham là đội bóng đầu tiên của Premier League được mua bởi một tài phiệt nước ngoài. Nhưng chủ của Fulham không chơi bóng đá điên cuồng như chủ của Chelsea, Man City hay thậm chí Newcastle. Ngày mới được đầu tư, Fulham như một hoàng tử mới mẻ của Premier League. Còn giờ đây, họ chỉ là một chiến binh đơn thuần, không hào nhoáng, không màu mè, không khoa trương.

Mới đây thôi, Bradford City, đội bóng hạng Tư với tổng giá trị cầu thủ chỉ ở mức 7.500 bảng, lại đoạt suất dự chung kết Cúp Liên đoàn. Họ không phải hoàng tử, mà là những chiến binh thực thụ trong giải đấu đó. Song, lúc này họ đã xuất hiện như một hoàng tử, kiểu như một hoàng tử cóc trong cổ tích ngày xưa.

Và nếu Fulham vượt qua M.U, họ cũng có thể là một hoàng tử mới của đấu trường FA Cup. Sẽ đáng tiếc hơn nếu M.U bị loại vì quá dư chất chiến binh mà thiếu đi “màu” hoàng tử...

Bóng đá vẫn luôn cần những câu chuyện như thế...

Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X