Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Điểm lại những vụ chia tay đình đám ở Man Utd

Thứ Sáu 08/03/2013 13:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Không ai có thể phủ nhận công lao trời biển mà Sir Alex Ferguson đóng góp cho Man Utd. Ông rõ ràng là chiến lược gia vĩ đại nhất trong lịch sử CLB nói riêng và làng bóng đá Anh nói chung, thậm chí xét trên tầm cỡ thế giới, cũng ít nhà cầm quân nào sánh được với ông. Song "nhân vô thập toàn", Sir Alex sở hữu không ít tính xấu mà tiêu biểu nhất là sự độc đoán, chuyên quyền. Ở Man Utd, ông được xem là "vị vua không ngai" chứ không phải bất cứ ai khác, từ thành viên ban lãnh đạo, các ông chủ và tất nhiên cả các cầu thủ. Bất cứ một kẻ chống đối nào hoặc đơn giản không còn hợp nhãn "Ngài máy sấy", bất chấp đang trên đỉnh cao phong độ sớm muộn cũng phải ra đi. Sau thất bại cay đắng trước Real ở Champions League, tin đồn về tương lai của Wayne Rooney rầm rộ xuất hiện trên khắp các mặt báo. Nếu R10 thực sự phải chia tay Man Utd do nguyên nhân từ người thầy đáng kính thì đây sẽ là một vụ việc đình đám nữa, thể hiện uy quyền của Sir Alex. Nào hãy cùng điểm qua những ngôi sao đã phải tức tưởi rời khỏi Old Trafford dưới triều đại Alex Ferguson:

 

Jaap Stam (1998-2001, 127 trận, 1 bàn thắng)

Trung vệ này đầu quân cho Man Utd vào năm 1998 khi đang là trụ cột nơi hàng thủ PSV Eindhoven và ĐTQG Hà Lan. Không mất nhiều thời gian, Stam đã tạo dựng được chỗ đứng chắc chắn tại đội bóng, dựa trên phong cách mạnh mẽ, xử lý dứt khoát, phán đoán tình huống xuất sắc, giỏi cả trên không lẫn mặt đất. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn khẳng định ở thời đỉnh cao, Stam có phần còn toàn diện và trội hơn Vidic hay Ferdinand. Tưởng như những tháng ngày tươi đẹp ở nước Anh của Stam sẽ kéo dài cho đến khi anh "hết date" thế nhưng chỉ vì một phút "bồng bột của tuổi trẻ" khi dám tiết lộ vài chuyện "thâm cung bí sử" tại Man Utd trong cuốn tự truyện của mình, anh đã bị Sir Alex đẩy thẳng cổ sang CLB Lazio. Về sau, không ít lần, Fergie đã phải công khai thừa nhận bán Stam là một trong những quyết định sai lầm nhất trong sự nghiệp của ông. Quả thực, phải đến lúc Vidic cập bến Old Trafford vào năm 2006 thì bài toán hàng thủ mới được giải quyết triệt để chứ việc bổ sung thêm Rio Ferdinand một năm sau ngày Stam ra đi cũng chỉ như "muối bỏ biển".

Roy Keane (1993-2005, 480 trận, 51 bàn thắng)

Cho đến nay, Sir Alex thực sự vẫn chưa tìm được một tiền vệ trụ nào đạt được đẳng cấp như Roy Keane. Man Utd từng phải bỏ ra khoản tiền kỷ lục của bóng đá Anh vào thời điểm năm 1993 (3.75 triệu bảng) để chiêu mộ Roy Keane từ Nottingham Forest. Cựu tiền vệ người CH Ai Len tiến bộ dần qua từng năm, trở thành chốt chặn đáng tin cậy nhất nơi tuyến giữa nhờ lối chơi nhiệt huyết, máu lửa. Không chỉ biết "chặt chém", "dọn dẹp" những "tàn dư" do đồng đội phía trên để lại mà Keane còn rất biết phát động tấn công và dâng lên hỗ trợ hiệu quả mỗi khi cần thiết, biến anh thành mẫu cầu thủ đánh chặn hoàn hảo nhất mà đội nào cũng phải thèm khát được sở hữu. Năm 1997, sau khi King Eric giải nghệ, Roy Keane được đeo băng thủ quân và vị thế của anh ở Man Utd được đẩy lên tầm cao mới. Trải qua gần chục năm làm đội trưởng, lúc nào Keane cũng thể hiện được vai trò của mình, làm chỗ dựa và tạo động lực cho đồng đội. Tuy nhiên, sự đời luôn rất khôn lường. Khi Keane bắt đầu nghĩ đến cái viễn cảnh được treo giày trong màu áo Đỏ danh giá thì bất đồng xuất hiện. Keane công khai tranh luận tay bo với Sir Alex rồi chẳng ngại chỉ trích đồng đội thi đấu thiếu quyết tâm để rồi phải nhận lấy hậu quả đẳng cay: tạm biệt Old Trafford và giã từ đời cầu thủ ở Celtic bên đất Scotland. Cũng chính vì cách đối xử đó mà Keane đôi lần "móc máy" Man Utd và Sir Alex khi làm HLV hay BLV bóng đá trên truyền hình.

David Beckham (1993-2003, 394 trận, 85 bàn)

Khác với Stam và Keane, David Beckham được xem là "Quỷ đỏ" chính tông vì anh gia nhập đội bóng từ khi còn tấm bé. Becks cùng với anh em nhà Neville, Butt, Giggs, Scholes tạo thành thế hệ vàng son nhất mà Sir Alex từng đào tạo ra ở Man Utd. Không quá toàn diện nhưng chỉ riêng cái kỹ năng "tạt, chuyền chính xác đến từng mm" và "đá phạt đỉnh cao" đều được thực hiện theo cùng một kiểu "lòng trong chân phải" cũng đủ để Beckham lưu danh vào ngôi đền huyền thoại ở Man Utd. Thực sự hàng chục năm qua, đố tìm thấy người thứ hai trong làng túc cầu giáo qua mặt Beckham ở khoản tạt bóng. Khi Beckham có mặt trên sân, công việc của những tiền đạo bên trong vòng cấm cực kỳ nhàn hạ vì họ chỉ có mỗi nhiệm vụ: gảy chân hoặc đánh đầu là có thể kiếm được bàn thắng. Ấy vậy mà, số 7 vĩ đại sở hữu mái tóc vàng óng ả cũng chẳng thể ở lại Man Utd lâu dài dù trong lòng anh không hề muốn điều đó. Tháng 2 năm 2003, sau trận thua Arsenal ở cúp FA, chẳng hiểu vì lẽ gì mà Becks đã rời phòng thay đồ với một vết thương gần mí mắt, hậu quả của scandal "chiếc giày bay" lừng danh do Sir Alex thực hiện. Đó là "giọt nước làm tràn ly", chính thức định đoạt mối tình Beckham - Man Utd vì trước đó, Fergie không ít lần tỏ vẻ khó chịu với phong độ và cả thái độ của cậu học trò. Cuối mùa, Becks khăn gói sang TBN đầu quân cho Real Madrid nhưng không vì thế mà anh đâm ra thù ghét ông thầy hay đội bóng cũ. Tiền vệ người Anh lúc nào cũng dành sự tôn trọng tối đa và tình cảm lớn lao dành cho Sir Alex và Man Utd.

Ruud Van Nistelrooy (2001-2006, 219 trận, 150 bàn thắng)

Nếu như Beckham là "cao thủ tạt bóng" thì Nistelrooy chắc chắn là "sát thủ vòng cấm" với trình độ đánh hơi bàn thắng siêu phàm và dứt điểm "chuẩn không cần chỉnh". Chân sút người Hà Lan thuộc mẫu trung phong cổ điển khi chỉ hoạt động loanh quang khu vực 16m50 và số bàn thắng được thực hiện từ ngoài vòng cấm đếm không hết hai bàn tay. Tất nhiên, đặt ra khái niệm "siêu phẩm" với Van the Gol rõ ràng quá xa xỉ song trong bóng đá, đích đến cuối cùng (bàn thắng, chiến thắng) mới là quan trọng nhất chứ đâu cần phải quan tâm đến cách thức làm ra nó nên Nistelrooy luôn có chỗ đứng của riêng mình ở Man Utd. Sir Alex đã phải rất kiên trì và nhẫn nại mới có thể đưa được Nistelrooy về (ông chấp nhận chờ đợi thêm một năm khi tiền đạo này dính phải chấn thương nặng ở PSV Eidhoven và lập tức ký hợp đồng lúc biết thể lực đã hồi phục hoàn toàn). Anh cũng đã cống hiến hết mình cho đội bóng mà thành tích ấn tượng: 150 bàn/219 trận chỉ nói lên được phần nào. Song rốt cục, Nistelrooy cũng bị trừng trị thẳng thừng bởi những lý do rất mơ hồ. Mùa giải cuối cùng khoác màu áo Đỏ, Nistelrooy vẫn nổ súng đều đặn (tổng cộng 24 bàn) tuy nhiên vẫn bị Sir Alex thường xuyên đẩy lên băng ghế dự bị. Thêm vào đó, Nistelrooy còn dính vào rắc rối với Cristiano Ronaldo, khi ấy sắp trở thành "sao lớn" ở đội bóng bằng những chỉ trích cho rằng Ronaldo thi đấu quá ích kỷ, lại dựa hơi vào Carlos Queiroz (HLV đồng hương với Ronaldo và làm trợ lý cho Sir Alex). Sự "bằng mặt không bằng lòng" giữa hai bên cứ tích tụ dần rồi đến lúc "phát nổ" bằng quyết định bán Nistelrooy cho Real, để lại nỗi niềm tiếc nuối cho nhiều người bởi sát thủ sinh năm 1976 và vừa giải nghệ hồi mùa hè năm ngoái vẫn giữ vững được phong độ cao tại TBN (anh đã đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" La Liga ngay năm đầu tiên khoác áo Real). Cho đến nay, Nistelrooy vẫn là tay săn bàn số 1 đội bóng tại đấu trường Champions League.

  • Phú Văn - Theo Daily Mail

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X