Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Điểm lại những cái kết "ngoạn mục" nhất trong lịch sử Premier League (P2)

Thứ Sáu 09/05/2014 15:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Vậy là, chỉ còn 1 vòng đấu nữa thôi, giải Ngoại hạng Anh sẽ chính thức hạ màn. Tính đến thời điểm này, Top 4 đã chính thức ngã ngũ và 3 đội bóng phải xuống hạng cũng gần như được xác định (Cardiff, Fulham, Norwich). Giờ đây, tất cả chỉ còn chờ đợi xem Man City sẽ đăng quang ra sao hay liệu Man Utd có bất ngờ làm nên chuyện để chiếm lấy thứ hạng đủ giành quyền tham dự Europa League (thứ 5 hoặc thứ 6 trong trường hợp Arsenal vô địch cúp FA) dù rằng xét toàn diện, hai cuộc đua còn lại này coi như đã an bài bởi khả năng xảy ra đột biến gần như bằng không. Tuy nhiên, hẳn nhiều người hâm mộ vẫn chờ đợi điều thần kỳ sẽ xảy ra khi mà Premier League 2013-2014 thực sự đạt đến mức độ hấp dẫn chưa từng có và đã luôn kịch tính, căng thẳng, khó lường ngay từ đầu mùa. Dưới đây là những cái kết ấn tượng nhất trong kỷ nguyên Premier League (tính từ năm 1992).

Mùa giải 2006-2007: West Ham trụ hạng sau khi thắng Man Utd trong cuộc đua nghẹt thở

 

Do đã chính thức giành chức vô địch nên "Quỷ đỏ" thành Manchester chẳng còn động lực nào để thi đấu ở vòng 38 nhưng dư luận vẫn chờ đợi sự sòng phẳng và hết mình của Man Utd bởi họ có tiếng nói quyết định trong cuộc chiến trụ hạng giữa 3 CLB: Sheffield United, West Ham và Wigan. Lúc đó, Sheffield và West Ham cùng sở hữu 38 điểm (nhưng West Ham thua hiệu số) còn Wigan kém 3 điểm. Như vậy,  kể cả có thua Wigan trong trận chung kết ngược thì Sheffield vẫn sẽ tiếp tục ở lại Premier League thêm một mùa nếu như West Ham thất bại trên Old Trafford. Thế nhưng, thầy trò Sir Alex Ferguson đã khiến tất cả thất vọng khi thi đấu rất hời hợt, nhiều chủ lực cũng không được tung ra sân nên rốt cục, phải nhận lấy trận thua 0-1 trong khi Sheffield thua đau Wigan 1-2 và ngậm ngùi quay về giải hạng Nhất vì kém Wigan hiệu số (-23 và ... -22, một khoảng cách cực sít sao). Kể ra, Man Utd cũng có lý do hợp lý để giải thích cho sự thiếu quyết tâm của mình. Khoảng một tuần sau, họ phải đá chung kết cúp FA với Chelsea nên rõ ràng, cần phải dưỡng sức chuẩn bị cho trận đấu đó (chỉ có điều, Man Utd đã thua 0-1 và không thể lập nên cú đúp danh hiệu).

Người hùng của West Ham chính là tiền đạo Carlos Tevez. Trong cả mùa giải, cái tên Tevez không chỉ đình đám nhờ phong độ trên sân cỏ mà cả sự "loằng ngoằng" về vấn đề sở hữu khi thuộc biên chế West Ham nhưng quyền định đoạt tương lai lại nằm trong tay người khác (nói một cách khác, Tevez chỉ là diện "ăn nhờ ở đậu" West Ham mà thôi). Mấy tháng sau, Tevez chính thức đầu quân cho ... Man Utd nên Sheffield càng có lý do để tức giận và cho rằng, Man Utd đã chủ trương "bắt tay" West Ham để hại họ. Chưa dừng lại ở đó, Sheffield còn tiến hành cuộc chiến pháp lý nhằm đòi West Ham.... đền bù thiệt hại vì bị xoá sổ khỏi Premier League ngay năm đầu tham dự. Tất nhiên, các cơ quan quyền lực trong môn thể thao Vua tại quốc đảo sương mù làm sao có thể tìm ra nổi bằng chứng nào "kết tội" West Ham cũng như Man Utd đồng thời trong lịch sử bóng đá thế giới, ngoại trừ liên quan đến yếu tố bán độ, còn lại không thể thay đổi được kết quả trận đấu đã diễn ra song theo một vài nguồn tin, cuối cùng, sau gần 2 năm "lằng nhằng",  West Ham đã chấp nhận bỏ ra 20 triệu bảng "bịt miệng" Sheffield cho êm chuyện.

Mùa giải 1995-1996: Man City tụt hạng vì thông tin sai lệch và sự chủ quan của HLV trưởng

 

Cho đến giờ, việc "đại thiếu gia" hiện tại của làng bóng đá Anh phải xuống chơi ở giải hạng Nhất sau mùa bóng 1995-1996 vẫn được xem là một trong những câu chuyện "ngụ ngôn" khôi hài bậc nhất trong lịch sử Premier League. Tất cả xuất phát từ suy nghĩ cực kỳ ấu trĩ và thiếu tỉnh táo của "tội đồ" kiêm HLV trưởng Alan Ball. Ai cũng biết, từ xưa đến nay, Premier League luôn dựa vào hiệu số bàn thắng - bại để phân định thứ hạng khi các đội bằng điểm nhau. Trước vòng 38, Man City, Southampton và Coventry City cùng có 37 điểm nhưng Man City kém về hiệu số nên đứng dưới. Dẫu vậy, Man City chỉ cần giành chiến thắng và trông chờ một trong hai đội kia sảy chân thì họ sẽ tiếp tục ở lại hạng đấu cao nhất đảo quốc sương mù. Cả 3 cùng được chơi trên sân nhà, đều gặp những đội đã hết sạch động lực và điều "kỳ cục" đã xảy ra vào những phút cuối. Khi đó, Man City đang hoà Liverpool 2-2 và chẳng rõ, ngài Ball moi thông tin ở đâu ra rằng Coventry đang bị Leeds United dẫn trước (trên thực tế, chung cuộc hai đội hoà 0-0 và Southampton cũng hoà 0-0) nên chỉ đạo toàn đội "câu giờ" nhằm bảo vệ thành quả chứ không tiếp tục chiến đấu để gia tăng cơ hội trụ lại. Tuân lệnh thuyền trưởng, các cầu thủ Man xanh ra sức dùng mọi "xảo thuật" để cầm bóng trong chân càng lâu càng tốt. Phải đến khi Niall Quinn (cựu tiền đạo người CH Ai Len khoác áo Man City trong giai đoạn 1990-1996) chứ vẫn không phải ngài Ball đáng kính chạy ra sát đường biên và liên tục hò hét đồng đội rằng cần phải giành chiến thắng bởi có vẻ thông tin nhận được không chính xác thì Man City mới lại vùng lên dữ dội nhưng tất cả đã quá muộn màng. City vẫn chỉ có được 1 điểm mà lẽ ra, nếu quyết tâm hơn và không lãng phí thời gian quý báu thì chưa chắc, họ đã không thể có được thắng lợi để không bị rớt hạng trong những tiếng cười chê của dư luận.

Mùa giải 1993-1994: Everton thoát chết thần kỳ

 

Nửa xanh vùng Merseyside chưa bao giờ được xem là một tên tuổi lớn của Premier League nhưng họ vẫn rất biết tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại hay giỏi "phá bĩnh" những đội khác. Mùa bóng 1993-1994 là một trường hợp như vậy. Bước vào vòng đấu cuồi cùng, Everton nằm trong nhóm xuống hạng (thứ 18) và kém đội đứng trên Sheffield 1 điểm cũng như thua cả hiệu số. Do đó, họ buộc phải thắng Wimbledon bằng mọi giá trên thánh địa Goodison Park và chờ đợi đối thủ sảy chân tại Stamford Bridge của Chelsea. Có lẽ, do quá căng thẳng bởi sức ép đè nặng mà Everton đã bị Wimbledon dẫn trước tới 2-0 thế nhưng điều thần kỳ đã xảy ra khi Everton chính thức thắng ngược 3-2 lúc thời gian thi đấu không còn bao nhiêu. Tin vui cũng bay về từ thành London khi Sheffield thua 2-3. Thế là, Everton đã không phải nếm trải cảm giác rớt hạng và cần lưu ý rằng, tính cho đến nay, Everton luôn có mặt ở giải VĐQG Anh (Premier League) kể từ mùa giải 1950-1951 trong khi ở giai đoạn này, ngay cả Man Utd cũng có lần phải xuống hạng.

Mùa giải 2007-2008: Fulham trụ hạng sau cuộc đua sôi động của nhóm cuối

 

Mùa này, Fulham đã phải chính thức xuống hạng sau hơn 10 năm chinh chiến liên miên ở đấu trường này. Phẩm chất xuất sắc của một chuyên gia trụ hạng tài tình trong nhiều năm liền đã không còn được khẳng định chứ hồi đầu mùa, Fulham không hề bị liệt vào danh sách ứng viên tụt hạng bởi đơn giản, họ rất giỏi ứng phó khi bị đẩy vào chân tường. Đơn cử như mùa giải 2007-2008 dưới triều đại Roy Hodgson, vị HLV hiện đang dẫn dắt ĐTQG Anh. Fulham bước vào vòng đấu cuối cùng trong bối cảnh buộc phải thắng nếu muốn tiếp tục ở lại vì cách biệt với Reading và Birmingham là vô cùng nhỏ (bằng điểm Reading và chỉ hơn Birmingham đúng 1 điểm). Không những vậy, Fulham còn phải làm khách của Portsmouth, đội bóng chơi rất tốt trong mùa đó (đứng thứ 8 chung cuộc và đoạt cúp FA) bởi thế phải nỗ lực tối đa và "trầy da tróc vẩy" Fulham mới có được thắng lợi sát nút nhờ bàn duy nhất được ghi ở phút 76. Cần lưu ý rằng, trong hai trận còn lại, cả Reading lẫn Birmingham đều thắng lớn (4-0 và 4-1) nhưng vẫn phải ngậm ngùi dắt tay nhau xuống chơi ở giải hạng Nhất.

Mùa giải 2004-2005: Cuộc "tẩu thoát" vĩ đại của West Brom

 

Vào dịp Giáng sinh và năm mới, West Brom còn đứng chót bảng và cách nhóm an toàn rất xa nên không nhiều người dám tin đội bóng này có thể trụ lại Premier League nhưng bằng nỗ lực tuyệt vời và sự dẫn dắt của Bryan Robson, một huyền thoại gắn liền với Man Utd và hiện vẫn đang giữ kỷ lục về quãng thời gian lâu nhất đeo băng thủ quân "Quỷ đỏ", West Brom rốt cục mới là kẻ sống sót trong gang tấc dù trước vòng 38, họ vẫn phải xếp thứ ... 20. West Brom không chỉ cần phải vượt qua Portsmouth mà còn phải chờ đợi cả Norwich, Southampton lẫn Crystal Palace đồng loạt sảy chân. Chỉ cần một trong 3 đội đó giành chiến thắng thì mọi nỗ lực của West Brom trở nên công cốc. Cuối cùng, trong một ngày đẹp trời, màn "trốn xuống hạng" kinh điển bậc nhất trong lịch sử Premier League đã diễn ra. West Brom hoàn thành "nhiệm vụ bắt buộc" (thắng Portsmouth 2-0) trong khi Southampton thua 1-2 trên sân nhà trước ông lớn Man Utd, Norwich thậm chí còn bị Fulham tàn sát đến 6-0 còn Crystal Palace chỉ có nổi kết quả 2-2 trước Charlton. Thế là, West Brom đã được nổ champagne ăn mừng ngay tại sào huyệt Hawthorns trong sự phấn khích tột độ của hàng chục nghìn CĐV nhà như thể West Brom vừa đăng quang ở Premier League bởi nhiều người trong số họ cũng chẳng dám tin điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Mùa giải 1994-1995: Blackburn dù thua vẫn .... vô địch

 

Cho đến giờ, danh hiệu Premier League mà Blackburn giành được vào năm 1995 vẫn được xem là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử giải đấu bởi đơn giản, chưa hề xuất hiện trường hợp thứ hai tương tự. Năm đó, Blackburn không được đánh giá cao và phần lớn sức mạnh tập trung vào cặp sát thủ trên hàng công Alan Shearer - Chris Sutton trong khi Man Utd sở hữu đội hình cực kỳ thiện chiến, đồng đều trên mọi tuyến sau nhiều năm gây dựng của Sir Alex Ferguson. Đến vòng cuối, họ chỉ hơn đối thủ 2 điểm (nhưng thua xa hiệu số) và phải làm khách tại Anfield của Liverpool còn Man Utd tới sân của West Ham thi đấu. Tất nhiên, Liverpool được đánh giá cao hơn West Ham (chung cuộc, The Kop xếp hạng 4) nhưng vào thời điểm đó, Champions League chưa thi đấu theo thể thức như bây giờ (tức là chỉ duy nhất nhà VĐQG được tham dự còn đội á quân hay xếp thứ 3, thứ 4 phải xuống chơi ở cúp UEFA nay là Europa League) nên nhiều chuyên gia đã nghi ngại do mối hận thù truyền kiếp với Man Utd, The Kop sẽ "thả" Blackburn nhằm ngăn không cho Man Utd đăng quang. Song rốt cục, "Lữ đoàn đỏ" đã không làm như vậy, thậm chí còn xuất sắc thắng ngược Blackburn 2-1 sau khi bị dẫn trước (Alan Shearer chính là người mở tỷ số và Jamie Redknapp đã ghi bàn quyết định cho Liverpool từ một cú sút phạt vào những phút bù giờ). Tưởng như chiếc cúp vô địch sẽ tuột khỏi tay Blackburn thì nào ai ngờ, West Ham cũng chơi hết mình dù đã trụ hạng và cầm chân "Quỷ đỏ" thành công bằng kết quả 1-1. Vậy là, Shearer và đồng đội đã bước lên bục vinh quang ở Anfield. Đó cũng là danh hiệu VĐQG thứ 3 trong lịch sử Blackburn (lần gần nhất cách đó hơn 80 năm).

Mùa giải 2011-2012: Man City đăng quang nhờ hai phút bù giờ thần thánh

 

Lần đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League, cuộc đua tranh ngôi vô địch trở thành chuyện nội bộ của thành Manchester. Nhưng khi đó, Man Utd vẫn là một thế lực thống trị nước Anh và quá giỏi trong khoản "săn danh hiệu" còn Man City chưa được liệt vào hàng đại gia do mới chỉ nổi lên được vài năm nhờ nguồn tiền vô tận của giới chủ người Ả Rập (theo ước tính, Man xanh đã phải mất hơn tỷ bảng mới có nổi danh hiệu VĐQG đầu tiên sau 44 năm). Bởi thế, xét tổng thể, Man City làm sao đã đủ "trình" đứng ngang hàng với ông hàng xóm hùng mạnh nên nếu có chẳng may sảy chân ở vòng cuối và bị Man Utd vượt qua thì cũng là điều hết sức thường tình khi mà khoảng cách giữa hai đội chỉ là hiệu số bàn thắng bại. Để chắc chắn vô địch, Man City buộc phải thắng QPR trên thánh địa Etihad nhưng nhiệm vụ đó không hề đơn giản vì QPR chưa chính thức trụ hạng nên tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường.

Quả thực, trong thế cùng đường, QPR đã chơi một trận tuyệt hay. Bất chấp bị dẫn trước (Zabaleta mở tỷ số vào cuối hiệp 1) và mất người (Joey Barton, một cựu cầu thủ của ... Man City, nhận thẻ đỏ ở phút 55), QPR vẫn xuất sắc thắng ngược 2-1. Kết quả đó được giữ vững cho đến tận phút bù giờ thứ hai và lúc này, dấu hiệu ăn mừng đã xuất hiện trên sân The Light của Sunderland bởi trận đấu đã chấm dứt với phần thắng 1-0 nghiêng về Man Utd. Song Edin Dzeko đã nhen nhóm lại hy vọng cho Man City bằng bàn gỡ 2-2 và đúng 2 phút sau, Sergio Aguero làm nổ tung cầu truờng Etihad trong khoảnh khắc xuất thần nhuốm màu định mệnh. Còn nhớ, Man Utd từng đả bại Bayern Munich ở trận chung kết Champions League lịch sử trên Nou Camp ở mùa giải 1998-1999 cũng nhờ vào mấy phút bù giờ thần thánh thì hơn 10 năm sau, kịch bản tương tự đã xảy ra, chỉ có điều lần này niềm vui không thuộc về họ. Biết đâu đấy, vào cuối tuần này, lịch sử sẽ được tái hiện và như thế thì danh hiệu vô địch của Man City càng trở nên đáng nhớ.

Bảo Phương

  

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X