Vậy là, chỉ còn 1 vòng đấu nữa thôi, giải Ngoại hạng Anh sẽ chính thức hạ màn. Tính đến thời điểm này, Top 4 đã chính thức ngã ngũ và 3 đội bóng phải xuống hạng cũng gần như được xác định (Cardiff, Fulham, Norwich). Giờ đây, tất cả chỉ còn chờ đợi xem Man City sẽ đăng quang ra sao hay liệu Man Utd có bất ngờ làm nên chuyện để chiếm lấy thứ hạng đủ giành quyền tham dự Europa League (thứ 5 hoặc thứ 6 trong trường hợp Arsenal vô địch cúp FA) dù rằng xét toàn diện, hai cuộc đua còn lại này coi như đã an bài bởi khả năng xảy ra đột biến gần như bằng không. Tuy nhiên, hẳn nhiều người hâm mộ vẫn chờ đợi điều thần kỳ sẽ xảy ra khi mà Premier League 2013-2014 thực sự đạt đến mức độ hấp dẫn chưa từng có và đã luôn kịch tính, căng thẳng, khó lường ngay từ đầu mùa. Dưới đây là những cái kết ấn tượng nhất trong kỷ nguyên Premier League (tính từ năm 1992).
Mùa giải 2009/2010: Chelsea vô địch sau thắng lợi huỷ diệt 8-0
Cho đến trước vòng đấu cuối cùng, "gã nhà giàu" thành London chỉ hơn "kẻ bám đuổi" Man Utd đúng 1 điểm nên họ buộc phải thắng Wigan trên sân nhà Stamford Bridge để bước lên ngai Vàng. Rốt cục, thầy trò Ancelotti còn làm được nhiều hơn thế khi tàn sát không thương tiếc ông hàng xóm của chính ... Man Utd bằng tỷ số kinh hoàng 8-0, trong đó chân sút vĩ đại Didier Drogba lập được một hattrick. Thực ra, khi đó Wigan đã chẳng còn mục tiêu nào để phấn đấu do đã chắc chắn trụ hạng nên chẳng thi đấu quá quyết tâm, lại cộng thêm bị mất người từ phút 31 lúc tỷ số đang là 1-0 (Gary Caldwell nhận thẻ đỏ và Lampard thực hiện thành công quả phạt 11m). Bởi thế, Wigan đã dễ dàng sụp đổ và phải đón nhận thêm 6 bàn thua nữa. Nhờ thắng lợi hoành tráng này mà Chelsea đã đăng quang đầy thuyết phục đồng thời còn thiết lập một kỷ lục mới về số bàn thắng ghi được trong một mùa giải (103). Ở trận đấu cùng giờ, Man Utd cũng đã chiến đấu đến cùng và thắng to Stoke nhưng chỉ bằng một nửa The Blues (4-0). Khoảng 1 tuần sau, Chelsea hoàn tất cú đúp bằng chiến thắng ở chung kết cúp FA gặp Portsmouth và người hùng của họ không ai khác ngoài Drogba với bàn thắng duy nhất từ cú đá phạt trực tiếp.
Mùa giải 2012/2013: Arsenal đoạt vị trí thứ 4 trong sự tiếc nuối của Tottenham
Suốt 9 năm qua, "Pháo thủ" thành London không còn nhận được sự tôn trọng cao do rơi vào cảnh trắng tay tuyệt đối song xét trên khía cạnh giành quyền tham dự Champions League thì ai cũng phải nể phục họ bởi kể từ ngày Wenger lên nắm quyền, chưa bao giờ vắng mặt ở giải đấu cấp CLB danh giá bậc nhất thế giới, ngay cả khi chơi phập phù đến mức nào. Mùa bóng năm ngoái chính là minh chứng hùng hồn. Có thời điểm, Arsenal rơi vào khủng hoảng hệt như Man Utd mùa này song bằng bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn cùng phẩm chất của một kẻ "săn đuổi suất tham dự Champions League", họ dần vượt qua khó khăn để rồi lại có mặt trong Top 4. Ở vòng cuối, Arsenal cần phải thắng chủ nhà Newcastle nếu không muốn bị đội bóng láng giềng Tottenham qua mặt và họ đã thành công dù rất vất vả. Cầu thủ đem về bàn thắng duy nhất bằng "vàng ròng" cho Arsenal lại là một trung vệ (Koscielny). Chẳng rõ pha lập công đó có tác động gì tới Spurs mà phải đến phút 89, họ mới hạ gục được Sunderland nhờ pha lập công của Gareth Bale, ngôi sao người xứ Wales sau đó gia nhập Real bằng mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới.
Mùa giải 2002-2003: Chelsea giành quyền tham dự Champions League đầy ngoạn mục
Đó là mùa bóng "bản lề" vô cùng quan trọng của Chelsea bởi nếu họ không có mặt ở top 4 thì chưa chắc, Roman Abramovich đã chịu đầu tư vào đội bóng, qua đó mở ra một chương mới huy hoàng bậc nhất trong lịch sử tồn tại của CLB (trước khi rơi vào tay tỷ phú người Nga thì Chelsea mới 1 lần duy nhất giành chức VĐQG, thế mà kể từ đó đến nay, họ đã có thêm 3 danh hiệu Premier League và cả chiếc cúp C1/Champoions League danh giá đầu tiên). Cần lưu ý rằng, xét cho cùng Abramovich cũng chỉ là một nhà kinh doanh nên chắc chắn chỉ ưu tiên đầu tư vào chỗ nào có tiềm năng sinh lợi mà được tham dự Champions League hiển nhiên là sự khẳng định cho mức độ hấp dẫn, đáng để bỏ tiền của Chelsea. Thật thú vị khi đúng vòng đấu 38, Chelsea phải chạm trán Liverpool, đối thủ cùng sở hữu số điểm 64, trên sân nhà Stamford Bridge nên tối thiểu The Blues phải có được một kết quả hoà thì mới mong giữ vững được vị trí thứ 4 (do hơn hiệu số bàn thắng - bại). Thời điểm đó, khoảng cách về mọi mặt giữa hai đội là không đáng kể, thậm chí Liverpool còn được đánh giá cao hơn (mùa trước đó, "Lữ đoàn đỏ" giành ngôi á quân sau Arsenal còn Chelsea chỉ đứng thứ 6) nên nếu Chelsea có thua trận thì cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm. Kịch tính càng được đẩy lên cao khi trung vệ Sami Hyypia đưa The Kop vươn lên dẫn trước bằng một quả sút phạt. Song nhờ tài lèo lái của "gã thợ hàn" Ranieri, Chelsea đã lội ngược dòng ngoạn mục bằng hai bàn thắng của đội trưởng Marcel Desailly và tiền vệ người Đan Mạch, Jesper Gronkjaer.
Mùa giải 1998-1999: Danh hiệu "thót tim" của Man Utd
Hẳn những Manucians không thể nào không biết tới mùa giải 1998-1999 khi đội bóng thân yêu của họ đoạt cú ăn ba vĩ đại, thành tựu lớn nhất trong lịch sử đội bóng. Nhưng tin chắc, nhiều người sẽ nhớ hơn những phút bù giờ thần thánh trên Nou Camp khi liên tiếp Sheringham và Solskjaer để làm nên chiến thắng khó tin 2-1 trước Bayern ở chung kết Bayern Munich, chiếc cúp cuối cùng của "bộ ba" chứ không phải vòng đấu cuối cùng rất nghẹt thở tại Premier League. Lúc đó, "Quỷ đỏ" chỉ hơn "đại kình địch" Arsenal đúng 1 điểm và tiếp đón Tottenham trên Old Trafford trong khi "Pháo thủ" chạm trán Aston Villa trên sân nhà (thậm chí Arsenal chỉ cần hoà cũng có thể đăng quang nếu Man Utd thua bởi cách biệt hiệu số là rất sít sao). Có thời điểm, Spurs đã đưa tin vui bay về Highbury (sân nhà cũ của Arsenal) khi mở tỷ số trước song hai bàn thắng của David Beckham và Andy Cole vào cuối hiệp 1 và đầu hiệp 2 đã giúp Man Utd thắng ngược cũng như bước lên bục vinh quang trong sự nuối tiếc của đối thủ (thắng Aston Villa 1-0).
Mùa giải 1999-2000: Bradford trụ hạng nghẹt thở
Lúc đó, do Man Utd đã chính thức giành chức vô địch từ lâu (chung cuộc họ sở hữu 91 điểm, hơn đội xếp thứ 2 Arsenal tới 18 điểm) và Top 4 cũng đã chốt xong (Leeds đứng thứ 3 và Liverpool xếp thứ 4) nên đến vòng cuối, tâm điểm chú ý dồn vào cuộc chiến chống xuống hạng giữa Bradford (đội mới thăng hạng) và Wimbledon, đội bóng đầy kinh nghiệm trụ lại Premier League khi đã có 14 năm liền góp mặt ở hạng đấu cao nhất nước Anh. Hai CLB bằng điểm nhau nhưng Wimbledon hơn về hiệu số đồng nghĩa Wimbledon mà thắng thì chắc chắn trụ hạng (hai đội cùng hoà thì đương nhiên Wimbledon cũng được ở lại). Bradford tiếp đón Liverpool trên sân nhà còn Wimbledon phải chơi trên sân khách gặp Southampton đã hết mục tiêu phấn đấu nhưng nói gì thì nói, bất lợi vẫn thuộc về Bradford bởi đơn giản, The Saint làm sao sánh nổi The Kop. Thế nhưng, nào ai ngờ, trong một ngày đẹp trời, Bradford đã xuất sắc vượt qua Liverpool bằng tỷ số sát nút 1-0 trong khi Wimbledon gục ngã (thua 0-2). Vậy là, Bradford đã lập nên một trong những chiến tích huy hoàng nhất trong lịch sử tồn tại (Bradford được thành lập từ năm 1903 nhưng đến giờ ngoại trừ chiếc cúp FA giành được vào năm 1911 và một lần về nhì ở cúp Liên đoàn Anh vào năm 2013 thì họ chưa có thêm được thành tích nào nổi trội hơn. Hiện Bradford đang ngụp lặn ở giải hạng 3).
Mùa giải 2005-2006: Arsenal vượt qua Tottenham để có mặt trong Top 4
Lại một lần nữa hai đội bóng cùng thành phố phải bước vào cuộc đua sinh tử để giành suất còn lại tham dự Champions League và Arsenal vẫn tiếp tục khẳng định bản lĩnh, tầm vóc châu Âu của mình. Nhưng mùa giải 2005-2006 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi đó, trước vòng 38, cờ nằm trong tay Tottenham chứ không phải Arsenal. Chỉ cần thắng chủ nhà West Ham đã hết động lực thi đấu là Spurs sẽ bảo vệ được vị trí thứ 4, bất chấp Arsenal tàn sát Wigan ra sao trên sân nhà. Song từ xưa đến nay, Premier League luôn nổi tiếng là giải đấu hấp dẫn và bất ngờ đến phút chót (tức là không bao giờ tồn tại khái niệm buông xuôi ở những đội bóng tham dự) bởi thế không quá ngạc nhiên khi West Ham đã hạ gục Tottenham 2-1. Tuy nhiên, chi tiết đáng nhớ hơn ở đây là một ngày trước khi diễn ra trận đấu, nhiều trụ cột của Spurs chẳng hiểu sao lại bị ngộ độc thực phẩm, lại xuất phát từ một món ăn rất truyền thống của người Anh, dẫn đến bước vào trận trong tình trạng thể lực không sung mãn nhất nên xét cho cùng, chính Tottenham đã "tự sát" chứ không hẳn West Ham chơi quá xuất sắc. Còn tất nhiên, Arsenal không khó hoàn thành "điều kiện cần" với một cú hattrick của huyền thoại Thierry Henry. Chắc chắn, đây là lần thất bại cay đắng và khó lý giải nhất của Tottenham trước Arsenal.
Bảo Phương