(Bongda24h) - Đêm qua, cú hat-trick của Robin Van Persie đã giúp Man Utd đả bại Aston Villa 3-0 trên sân nhà Old Trafford, qua đó chính thức giành chức vô địch Premier League mùa giải 2012-2013 sớm 4 vòng đấu. Như vậy, "Quỷ đỏ" thành Manchester tiếp tục củng cố vị thế đội bóng số 1 đảo quốc sương mù với kỷ lục 20 lần VĐQG, nhiều hơn 2 so với Liverpool. Trong đó, dưới thời Alex Ferguson, Man Utd đã bước lên bục vinh quang tới 13 lần trong 21 mùa gần nhất. Nhân dịp này, hãy cùng nhìn lại 20 chức vô địch Anh của M.U.
Mùa 1907-1908: Chiến công đầu tiên
Đây là hình ảnh hiếm hoi của đội bóng Manchester United lần đầu thống trị nước Anh vào năm 1908, đúng 30 năm sau ngày ra đời (1878). HLV Ernest Mangnall (ngoài cùng bên trái hàng đứng) chính là người có công lớn nhất trong vinh quang của đội bóng. Cần lưu ý rằng, ngoài Mangnall thì chỉ còn hai nhà cầm quân vĩ đại (Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson) từng đưa Man Utd tới ngôi vị cao nhất ở giải VĐQG. Sandy Turnbull (ngồi, hàng giữa, thứ ba từ phải sang) là chân sút số 1 đội bóng với 25 bàn trong 30 trận nhưng ngôi sao lớn nhất phải là Billy Meredith (ngồi, hàng giữa, bên trái). Man Utd kết thúc mùa giải với 9 điểm nhiều hơn ... Aston Villa, đối thủ mà họ vừa hạ gục để đánh dấu chức vô địch thứ 20.
Mùa 1910-1911: Vinh quang thứ hai của Mangnall
Ba năm sau, thành công lại đến với Man Utd. Lần này, Aston Villa tiếp tục là đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Tại vòng đấu áp chót, Man Utd đã thua 2-4 trong trận đối đầu trực tiếp, khiến Man Utd phải hạ gục bằng được Sunderland ở vòng đấu cuối cùng thì mới mong được giương cao cúp vô địch. Cuối cùng, bầy "Quỷ đỏ" đã ăn tươi nuốt sống "Mèo đen" tới 5-1 để lại mang cúp về thành Manchester
Mùa 1951-1952: Thành tựu đầu tiên của "Những đứa trẻ nhà Busby"
Các CĐV Man Utd phải chờ đợi tới tận 41 năm mới được ăn mừng chức VĐQG thứ 3 với dấu ấn đậm nét của Sir Matt Busby. Con người vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Man Utd (1909-1994) đã tiếp quản đội bóng vào năm 1945 và sau nhiều năm miệt mài xây dựng lại đội bóng từ gốc, ông đã cho ra lò một lứa cầu thủ trẻ trung và cực kỳ tài năng để rồi đến năm 1952, Man Utd đã trở lại ngôi Vương sau cuộc đua vô cùng gay cấn với hai đội bóng thành London, Arsenal và Tottenham. Tại trận đấu cuối cùng của mùa giải, Man Utd đã khẳng định sức mạnh của mình bằng màn huỷ diệt Arsenal 6-1. Trong đó Jack Rowley (hàng giữa, thứ 2 từ phải sang) đã lập một hattrick. Rowley (khoác áo Man Utd từ năm 1937 đến 1954) chính là một trong 3 huyền thoại đạt đến cột mốc 200 bàn thắng cho Man Utd (hai người kia là Sir Bobby Charlton và Dennis Law).
Mùa 1955-1956: Sự thống trị tuyệt đối
Tuy nhiên, phải đến năm 1956, thầy trò nhà Matt Busby mới thực sự trở thành nỗi khiếp đảm với mọi CLB tại Anh. Man Utd đã quét sạch mọi đối thủ trên con đường đăng quang và kết thúc mùa giải với 11 điểm nhiều hơn đối thủ đứng sau Blackpool. Kể từ đây, thương hiệu "Những đứa trẻ của Busby" bắt đầu vang xa khắp châu Âu. Những ngôi sao nổi bật của M.U khi đó là Duncan Edwards, Eddie Colman, và Tommy Taylor ("Vua phá lưới" đội bóng với 25 bàn thắng).
Mùa 1956-1957: Bảo vệ thành công ngôi Vua
Lần đầu tiên trong lịch sử, M.U giành chức VĐQG hai mùa liên tiếp, thành tích mà phải tới tận những năm 1990 mới được tái diễn. "Quỷ đỏ" như mọc thêm cánh sau khi thiên tài Sir Bobby Charlton (tay săn bàn vĩ đại nhất Man Utd với kỷ lục có lẽ còn tồn tại dài dài: 249 bàn) chính thức lên đội 1 và mau chóng toả sáng trong khi những "gương mặt cũ" như Duncan Edwards, Tommy Taylor tiếp tục trưởng thành vượt bậc giúp đoàn quân của Sir Matt Busby thẳng tiến tới danh hiệu VĐQG. Tiếc rằng, khoảng một năm sau, nhiều trụ cột trong đội hình này đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay thảm khốc tại Munich (Sir Bobby Charlton may mắn thoát nạn) khi đáp xuống tiếp nhiên liệu trong chuyến bay trở về nhà sau tứ kết lượt về cúp C1 gặp Red Star Belgrade (Nam Tư cũ nay thuộc Serbia). Nếu không xảy ra sự kiện bi thảm đó, tin chắc chu kỳ thống trị của Man Utd ở nước Anh sẽ không bị gián đoạn, thậm chí Man Utd dư sức đe doạ vị thế độc bá châu Âu của Real Madrid.
Mùa 1964-1965: Hat-trick của Sir Matt Busby
Phải mất gần 8 năm tái thiết từ "đống tro tàn" sau thảm hoạ Munich, Busby mới lại đưa được Man Utd quay lại ngai vàng vương quốc Anh. Ngoài trụ cột Bobby Charlton (hàng ngồi thứ 2 từ phải qua), trong giai đoạn này, còn nổi lên hai cái tên huyền thoại khácn mà chắc chắn được lưu danh muôn thuở: George Best (ngồi cạnh Charlton ở phía ngoài) và Denis Law. Tại vòng đấu cuối cùng, Man Utd đả bại Arsenal 3-1 tại Old Trafford, trong đó Law lập một cú đúp còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp Leeds United bị Birmingham cầm chân.
Mùa 1966-1967: Lần cuối của "Busby vĩ đại"
Trên đỉnh cao phong độ, thế hệ vàng của ngài Busby với nòng cốt là "ba chàng ngự lâm" Charlton - Best - Law đã nhẹ nhàng tiến bước lên đỉnh vinh quang, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của Nottingham Forest, một đại gia của bóng đá Anh thời điểm đó. Một năm sau, những gương mặt này lại đem về cho nước Anh chiếc cúp châu Âu đầu tiên sau khi đánh bại Benfica (BĐN) 4-1 ở chung kết cúp C1. Năm 1969, Busby về hưu, khép lại một thời đại oai hùng và bi tráng của Manchester United mà chỉ đến khi Sir Alex lên nắm quyền, quá khứ hoàng kim mới hiện về.
Mùa 1992-1993: Cột mốc đầu tiên của "Alex Ferguson đại đế"
Man Utd đã phải trải qua 26 năm đen tối khi không một lần đăng quang ở giải VĐQG (thậm chí, Man Utd còn từng phải chịu nỗi đau xuống hạng) và phải giương mắt nhìn các đối thủ thi nhau giật cúp. Lúc bổ nhiệm người đàn ông đến từ Scotland, Alex Ferguson vào chiếc ghế nóng, ban lãnh đạo đội bóng cũng chẳng dám kỳ vọng nhiều. Giống như bậc tiền bối Matt Busby, Fergie cũng chọn con đường "đập đi toàn bộ và xây lại từ con số 0" bởi thế cũng phải mất đến 5-6 năm, Man Utd mới bắt đầu gặt hái thành công (lưu ý, có thời điểm, Alex Ferguson đã phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải do thành tích kém cỏi). Đầu mùa giải 1992-1993, Sir Alex đã đem về Old Trafford, Eric Cantona, miếng ghép then chốt của đế chế Man Utd hiện đại thuở bình minh. Với cá tính mạnh, bản lĩnh vững vàng và tài năng đặc biệt, một mình King Eric dẫn dắt toàn đội tới danh hiệu vô địch tuyệt đối, hơn đội đứng sau (lại là Aston Villa) tới 10 điểm.
Mùa 1993-1994: Đỉnh cao King Eric
Đây là mùa giải đẹp nhất của "vị vua người Pháp" (Cantona ghi được 18 bàn tại Premier League, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh) cùng "thần dân" như Andrei Kanchelskis, Steve Bruce, Paul Ince, Lee Sharpe. Man Utd chỉ loạng choạng đôi chút vào đầu mùa nhưng chiến thắng 2-0 trong trận derby thành Manchester đã đưa “Quỷ Đỏ” trở lại đúng quỹ đạo vốn có để rồi đoạt cúp vô địch với 8 điểm nhiều hơn Blackburn. Sau mùa giải, Man Utd đã nói lời chia tay chia tay Bryan Robson, một tượng đài của CLB với kỷ lục 12 năm liền đeo băng thủ quân đội bóng
Mùa 1995-1996: Màn đua nước rút ngoạn mục
Mùa này, Man Utd bắt đầu bước vào cuộc thay máu khi Sir Alex trọng dụng nhiều hơn lứa cầu thủ trẻ tài năng (Beckham, Butt, Scholes, anh em nhà Neville), thế hệ vàng son mà đến giờ Man Utd chưa thể sản sinh lứa thứ hai đồng đều và xuất sắc như thế. Trong khi đó, King Eric phải mất vài tháng mới có thể ra sân thi đấu cho Man Utd do án phạt cấm treo giò bởi cú kung-fu trứ danh nhằm vào CĐV đối phương. Trong trận mở đầu mùa giải, một Man Ud trẻ trung đã thua Aston Villa, khiến Alan Hansen, một cựu danh thủ của Liverpool và đang làm bình luận viên, thốt lên một câu để đời: "Bạn chẳng thể làm được gì với những đứa trẻ" mà rồi sau này, khi Man Utd chính thức vượt qua Liverpool về số lần VĐQG, câu nói của Hansen đã được người Man Utd nhắc lại với nhiều "biến thể" khác nhau nhằm "xát muối" vào vết thương lòng của đại kình địch vùng Merseyside (trắng tay từ năm 1989). Quả thực, những đứa trẻ mới lớn đó đã từng bị Newcastle bỏ xa tới 12 điểm song cuộc bứt phá thần tốc vào những tháng cuối mùa đã giúp Man Utd vuợt lên trên đối thủ để cán đích đầu tiên trong sự thán phục của tất cả.
- Thiên Bình - Bongda24h.vn