Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Diego Costa: Món hời hay đơn giản chỉ là... hòa nhập tốt

Thứ Ba 23/09/2014 06:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Đâu là lý giải cho việc Costa ghi bảy bàn sau bốn trận đầu tiên ở Chelsea, khi bản thân HLV Jose Mourinho cũng chỉ biết thốt lên rằng đó là điều "bất thường".

Mới chuyển đến mùa hè năm nay, nhưng Costa đã nhanh chóng đi vào lịch sử Ngoại hạng Anh với tư cách cầu thủ ghi nhiều bàn nhất sau bốn trận đầu tiên. Trong trận hoà Man City 1-1 cuối tuần qua, nếu không bị cột dọc từ chối một pha làm bàn, tiền đạo đội tuyển Tây Ban Nha đã vươn lên sánh ngang Sergio Aguero và cựu tiền đạo của Coventry City Mc Quinn trở thành những sát thủ có màn chào hỏi khủng khiếp nhất sau năm trận khởi đầu của giải đấu số một nước Anh.

Tuy nhiên, chẳng cần những kỷ lục. Dựa vào những gì anh đã thể hiện kể từ khi chuyển đến Chelsea với giá 52 triệu đôla, nhiều người bắt đầu phải tin rằng Costa là một cầu thủ sinh ra để ghi bàn. Xuất phát điểm của Costa không giống với bất cứ tiền đạo hàng đầu nào hiện nay. Nếu bỏ qua 12 tháng chơi như lên đồng gần đây, phong độ của Costa trong khoảng năm năm chơi bóng tại La Liga không thực sự ấn tượng. Thậm chí, điểm mạnh nhất mà mọi người ghi nhận ở tiền đạo này là khả năng ghi bàn lại chính là điểm yếu nhất của anh trong những năm trước.

diego costa
 

Năm 17 tuổi, Costa rời Brazil để sang Bồ Đào Nha đá cho Braga. Sau đó, anh được Atletico Madrid mua về rồi đem cho các đội hạng hai mượn. Tính trong sáu mùa bóng từ 2007-2008, thành tích ghi bàn của Costa lần lượt là sáu bàn, mười, tám, sáu, mười và mười - chuỗi thành tích tương đối nghèo nàn.

Thậm chí, năm 2011 Atletico đã định bán Costa cho CLB Thổ Nhĩ Kỳ Besiktas vì không thấy anh tiến bộ. Vụ chuyển nhượng sau đó đổ bể vì tiền đạo này bất ngờ dính chấn thương. Costa luôn được các HLV đánh giá cao khi mới làm việc chung nhờ sự nhiệt tình và tiềm năng của bản thân, nhưng anh tỏ ra là một viên ngọc thô cần mài giũa và thường vô duyên khó hiểu trước khung thành khi đó.

Thực tế, sự phát triển chậm chạp của Costa phần lớn là do anh trưởng thành từ bóng đá đường phố. Năm 16 tuổi, Costa vẫn còn chơi bóng trên những con đường ở Lagarto, quê nhà của anh ở Brazil. Trong khi các cầu thủ khác được hướng dẫn bởi những HLV có bằng cấp và được hưởng chế độ dinh dưỡng khoa học, con đường của Costa đến với bóng đá chuyên nghiệp khó khăn hơn nhiều.

Hơn thế nữa, Costa từng bị đặt dấu hỏi về tính kỷ luật. Từ năm 2008 đến 2013, Costa nhận tới 49 thẻ vàng dù chơi ở vị trí tiền đạo. Có vẻ như tính cách của một cầu thủ đường phố đã ăn vào máu của Costa nên đôi khi anh có những hành vi tương đối bộc phát. Năm 2013, Costa bị tiền vệ Geoffrey Kondogbia - khi ấy chơi cho Sevilla buộc tội phân biệt chủng tộc. Một tuần sau, anh trêu chọc hậu vệ Antonio Amaya của Betis khi cầu thủ này mắc sai lầm dẫn đến bàn thắng của Atletico. Amaya sau đó đã nhổ nước bọt vào Costa và hét lên rằng Costa giống như kẻ không có trái tim và không biết xấu hổ. Tiền đạo 25 tuổi cũng từng bị các cổ động viên la ó vì những hành vi xấu chơi trên sân.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Costa đến vào năm 2013 khi Atletico quyết định bán tiền đạo chủ lực Falcao cho Monaco. Ngay lập tức, vai trò của Costa thay đổi, từ việc phục vụ cho Falcao ghi bàn, tiền đạo người Tây Ban Nha được nhận nhiệm vụ lĩnh xướng hàng công và anh đã đền đáp sự tin tưởng của mọi người. Người có ảnh hưởng nhất với Costa trong giai đoạn này chắc chắn là Diego Simeone, một người cũng đến từ Nam Mỹ và được đánh giá là rất đồng cảm với Costa. Simeone là người giỏi châm ngòi cho những cầu thủ mạnh mẽ như Costa bùng nổ.

Simeone làm tất cả để nuôi dưỡng tài năng của Costa, như người cha đối với con của mình. Ông quát mắng Costa trên sân, nhắc nhở anh phải bình tĩnh. Ông cũng nói những lời khôn ngoan về Costa với giới truyền thông, nói rằng anh là tiền đạo xuất sắc. Điều này giúp cậu học trò tự tin hơn. Ghi 27 bàn thắng sau 35 trận, chiếm suất đá chính tại đội tuyển Tây Ban Nha, Costa giờ đã trưởng thành hơn rất nhiều và anh chuyển đến sân Stamford Bridge với vị thế của một ngôi sao.

Vẫn có những sự nghi ngờ đặt vào khả năng chạy đường dài của Costa. Nhiều người vẫn không tin rằng một cầu thủ trước 25 tuổi không thể ghi nhiều hơn 10 bàn thắng trong một mùa giải lại có thể chuyển mình thành cỗ máy săn bàn đều đặn. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Costa hòa nhập tốt với Ngoại hạng Anh là vì anh không ngại những cuộc tranh chấp bằng thể lực. Tuy nhiên, liệu tiền đạo người Tây Ban Nha có thể tiếp tục chơi tốt một khi các HLV tìm ra cách khắc chế sức mạnh của anh?

Costa cũng đang ở trong giai đoạn khó khăn ở đội tuyển Tây Ban Nha. Bảy trận gần nhất anh không ghi bàn và HLV Vicente Del Bosque đang tính đến chuyện dùng tiền đạo của Valencia Paco Alcacer để đá chính. Vấn đề là Diego Costa chỉ đá hay khi đội bóng của anh chơi phòng ngự phản công, trong khi phong cách của Tây Ban Nha là áp đặt lối chơi nhờ khả năng kiểm soát bóng.

Costa rõ ràng phù hợp hơn với môi trường ở Ngoại hạng Anh hơn là ở đội tuyển. Anh tỏ ra rất xông xáo trong việc tìm kiếm khoảng trống và chiếm lợi thế trước hậu vệ đối phương. Chelsea rõ ràng đang có một tiền đạo cực kỳ chất lượng và được mài giũa kỹ lưỡng sau những năm đầu chật vật của sự nghiệp. Chưa biết Costa sẽ ghi thêm bao nhiêu bàn thắng nhưng dấu hiệu ban đầu cho thấy có vẻ đây là một thương vụ hoàn hảo của Roman Abramovich.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X