Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Đi tìm điểm khác biệt giữa Man United và Man City

Chủ Nhật 07/08/2011 11:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Điểm khác biệt cơ bản giữa Man City và Man United, như nhiều phân tích đã chỉ ra, nằm ở động lực tinh thần.

Trong khi các cầu thủ Man United, dù là tân binh hay cựu binh luôn có ý thức rất mạnh về việc họ đang thi đấu cho một CLB giàu truyền thống nhất thế giới và điều này tạo ra động lực cũng như sự sắt đá, thì bên phía Man City, các cầu thủ gợi ra hình ảnh về những nhân công đang thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp nhất (nhiều khi ngay cả tính chuyên nghiệp cũng không được đảm bảo).

Không phải cầu thủ nào của Man City cũng chơi máu lửa như Yaya Toure

Nếu xét đẳng cấp của một đội bóng ở 3 khía cạnh: lượng, chất và tinh thần, thì Man City ngang bằng và thậm chí có phần nhỉnh hơn so với Man United về “chất”, nghĩa là khả năng chuyên môn của cầu thủ. Họ sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất Premiership ở mỗi vị trí: Joe Hart, De Jong, Y.Toure, Silva, Tevez. Nhưng sự thua thiệt về mặt tinh thần là điều không thể san lấp bằng tiền.

Cách khả dĩ nhất bây giờ là tăng “lượng”, nghĩa là tiếp tục bổ sung thêm cầu thủ để lấy độ dày của đội hình khỏa lấp độ mỏng về tâm lý. Phương pháp này đã được Roberto Mancini xác định từ lâu, và trên thực tế vẫn đang được thực hiện gấp rút.

“Man United có 26 cầu thủ đội 1, còn chúng tôi trên thực tế chỉ có 20 người”, Mancini than thở và khẳng định rằng ông cần thêm ít nhất là 3 cầu thủ chất lượng nữa để có thể vươn tới tầm của Man United. Thật ra, về danh nghĩa Man City không ít quân hơn Man United, nhưng một cầu thủ dự bị của M.U như O’Shea hay Macheda lại hữu dụng hơn nhiều so với một cầu thủ đắt tiền của Santa Cruz, Adebayor hay thậm chí là Balotelli vì yếu tố tinh thần. Chính vì vậy, việc ông Mancini mới tính là Man City chỉ có 20 cầu thủ đội 1: ở đây là 20 người có thể thi đấu hiệu quả nhất, tâm huyết nhất cho The Citizens.

Mancini cần thêm những cầu thủ như thế. Thực tế chỉ ra rằng đồng tiền có thể tạo ra những “hậu quả” theo kiểu Robinho hay Balotelli, nghĩa là mua được quyền sở hữu chứ không mua được tâm huyết của cầu thủ. Nhưng không phải lúc nào một cầu thủ gia nhập Man City vì đồng tiền cũng hoàn toàn vô cảm. Yaya Toure là một ví dụ tiêu biểu. Anh thậm chí còn thi đấu cho Man City với tinh thần cao hơn khi đá cho Barcelona. Và nếu có thêm những người nhiệt huyết như Yaya Toure, thì không những sức mạnh của Man City sẽ được cải thiện, mà có thể họ sẽ sở hữu cả cái gọi là “nền tảng tinh thần” - sự đoàn kết và ý chí thép của một CLB lớn.

Ví dụ của Chelsea đã chỉ ra rằng không phải cứ dùng tiền xây dựng thành công thì sẽ không thể có một CLB lớn với tâm lý chiến thắng. Vấn đề là thời đại của Chelsea tương đối khác so với thời của Man City, mọi thứ, từ giá trị đồng bảng Anh cho đến thị trường cầu thủ và HLV đều thuận lợi hơn cho cách làm ấy.

Manchester City chưa thể vươn tới tầm của Manchester United. Nhưng có vẻ họ đã vạch ra được một con đường tương đối đúng đắn.

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X