Một số đội bóng tại châu Âu vừa nhận được "trát" đòi báo cáo tài chính từ UEFA, bao gồm Liverpool, Monaco, Inter Milan và AS Roma. Đương nhiên trước khi LĐBĐ châu Âu phân tích xong tình hình tài chính của các CLB này, họ sẽ chưa phải nhân bất kì hình thức xử phạt nào. Tuy vậy, trong số các đội bóng nêu trên, không phải Monaco, mà chính Liverpool là đội phải đối mặt với khả năng bị xử phạt cao nhất. Đội bóng thành phố cảng Merseyside đã lỗ 49.8 triệu bảng trong mùa 2012/13, trong khi với mùa giải trước đó, con số này cũng lên tới 40.5 triệu bảng.
Liverpool đã chi khá nhiều tiển mua tân binh mùa hè vừa qua |
Theo dự đoán của giới chuyên môn, Liverpool sẽ tìm cách "lách luật" và tránh phạt bằng việc khai khống chi phí duy trì và nâng cấp sân vận động. Báo cáo tài chính của đội bóng này trong năm 2011/12 cho thấy lượng chi phí nói trên lên tới 49.6 triệu bảng, trong đó có 35 triệu bảng "vô dụng" vì đã được dùng để đầu tư vào dự án xây dựng sân nhà mới Stanley Park vốn đã bị huỷ bỏ.
Chính Luật của UEFA đã tạo cơ hội lách luật theo cách này cho các đội bóng bị "sờ gáy". Theo đó, UEFA không cho phép các đội bóng như Liverpool lỗ hơn 35.4 triệu bảng trong 2 mùa 2011/12 và 2012/13. Tuy nhiên, nếu các đội bóng lỗ nhiều hơn con số đó vì những chi phí như đào tạo đôi trẻ hay nâng cấp sân vận động thì hoàn toàn được chấp nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc những khoản nâng cấp sân hay đào tạo các đội U21, U19 và các tuyến dưới sẽ chỉ được coi là chi phí ngoài ngân sách của đội bóng, tức là một đội bóng đứng trước nguy cơ thua lỗ - theo định nghĩa của UEFA - chỉ là đội bóng mua người và trả lương quá mức cho phép.
Thực ra có thể thấy trong những năm qua Liverpool có mua nhiều, nhưng khó có thể coi họ đã "vung tay quá trán", bởi The Kop cũng có được rất nhiều "lại quả". Họ dùng tới hơn 110 triệu bảng để nâng cấp đội hình trong mùa hè vừa qua với 10 tân binh, nhưng trước đó họ đã bán được Luis Suarez cho Barcelona với giá 75 triệu bảng. Thêm vào đó, Liverpool cũng nổi tiếng là CLB không có những pha trả lương "ngoạn mục" để thu hút cầu thủ; trái lại, rất biết cách quản lý và hạn chế quỹ lương. Trường hợp như Raheem Sterling có thể là ví dụ điển hình, khi dù thi đấu rất tốt, cầu thủ trẻ này vẫn chỉ nhận 30 nghìn bảng/ tuần tại Anfield, tương đối thấp so với mặt bằng chung.
Hè vừa qua, Paris Saint-Germain, Manchester City và Zenit Saint Petersburg đã chính thức bị phạt vì vi phạm Luật Công bằng Tài chính. Theo đó họ phải nộp cho UEFA 50 triệu bảng để LĐBĐ châu Âu "giải ngân" lấy số tiền này trả cho các đội bóng tham dự Champions League mà vẫn đảm bảo không vi phạm luật.
Thành Nguyễn