(Bongda24h) - Trước tình hình chuyển nhượng ảm đạm mùa hè vừa rồi cộng thêm sự thúc bách của ban lãnh đạo, chiến lược gia người Scoltland đang phải lên kế hoạch cải tổ lại bộ máy chịu trách nhiệm chuyển nhượng của CLB hòng nâng cao khả năng mua sao trong tương lai.
Thực ra, trong bóng đá hiện tại, cấu trúc thông thường của một CLB bao giờ cũng phải gồm nhiều nhân sự cấp cao, mỗi người quản lý một mảng riêng biệt. Chẳng hạn HLV trưởng chỉ đảm nhận công tác chuyên môn của đội 1 (đội trẻ sẽ có người khác phụ trách nhưng sẽ phải chịu sự điều phối của HLV trưởng) còn những nhiệm vụ khác như tuyển mộ cầu thủ, đàm phán hợp đồng hay đề ra chiến lược phát triển sẽ thuộc lĩnh vực của Giám đốc thể thao (hoặc Giám đốc kỹ thuật). Tuy nhiên, không ít đội lại áp dụng mô hình "nhất thể hoá" tức là mọi quyền lực sẽ quy về một mối: HLV trưởng. Dĩ nhiên, cách thức tổ chức nào cũng có ưu, khuyết điểm riêng và chẳng ai có thể tự tin khẳng định đâu là mô hình tối ưu nhất mà nó phải căn cứ vào đặc điểm, truyền thống của từng CLB. Trong trường hợp "nhất thể hoá" thì rõ ràng sẽ tránh hoàn toàn mọi mẫu thuẫn, xung khắc có thể phát sinh giữa những con người cùng gánh lấy trách nhiệm đưa đội bóng đến thành công (nhìn chung, khi làm việc cùng, kể cả có thân thiết, "hợp cạ" đến mấy thì sớm muộn cũng nảy sinh vấn đề, thậm chí dẫn tới đổ vỡ tình cảm. Hãy thử lấy ví dụ Josep Guardiola. Từng có vài năm hết sức vui vẻ ở Barca nhưng sau khi Pep ra đi thì người ta mới thấy, hoá ra nội bộ của Barca cũng đâu yên ả cho lắm mà tiềm ẩn đầy mâu thuẫn giữa Pep và những người đồng nghiệp) song nó lại đòi hỏi người thuyền trưởng phải xuất sắc toàn diện, có kiến thức tổng hợp về mọi phạm trù trong môn thể thao vua. Nhân vật đó chắc chắn phải vừa giỏi chuyên môn trên sân cỏ, vừa biết quán xuyến tốt những công việc khác ngoài sân đấu mà cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong thành tích chung.
Moyes rất không hài lòng về đội ngũ tuyển trạch viên của Man Utd
Tại nước Anh, bao năm qua Arsenal và Man Utd đi theo trường phái này. Cả hai đều gặt hái không ít vinh quang nhưng không phải đội nào cũng có thể "bắt chước" bởi đơn giản họ may mắn sở hữu những chiến lược gia đại tài, mang bộ óc vĩ đại, vượt xa khỏi tầm vóc của một nhà cầm quân đơn thuần. Nói một cách khác, nếu gương mặt ngồi lên chiếc ghế nóng ở hai CLB này không phải là Arsene Wenger hay Sir Alex Ferguson thì chưa chắc, họ đã kiên định áp dụng mô hình "nhất thể hoá". Ấy thế mà, sau khi Sir Alex tuyên bố giải nghệ thì Man Utd vẫn nhất quyết không chịu thay đổi cơ cấu tổ chức của mình. Phải chăng Man Utd rất tin tưởng David Moyes rồi sẽ trở thành "Alex Ferguson thứ hai", nhất là khi vị HLV này được đích thân Fergie tiến cử và lựa chọn hay đội bóng muốn duy trì truyền thống tốt đẹp của mình, giống như đã cố gắng bảo vệ nhiều bản sắc khác (thực ra, gia đình Glazer hẳn đã lường trước rủi ro và có sẵn kế hoạch điều chỉnh lúc cần thiết bởi người Mỹ thường làm việc rất khoa học, bài bản, đề cao tính hiệu quả kể cả trong môn thể thao vua chứ không tuỳ hứng). Nhưng dù với bất cứ lý do nào thì trước mắt, David Moyes sẽ phải gánh vác hàng núi công việc trên vai đồng nghĩa ông buộc phải sở hữu trong tay đội ngũ cộng sự dưới quyền giỏi giang, tháo vát để có thể chia sẻ bớt gánh nặng (dĩ nhiên, mọi trách nhiệm sẽ chỉ đổ dồn lên một mình Moyes mà thôi).
Sau vài tháng chính thức dẫn dắt Man Utd, nếu như Moyes có thể tạm yên tâm với dàn trợ lý trong ban huấn luyện (gồm toàn những người cũ được ông lôi về từ Everton cộng thêm vài huyền thoại cũ của "Quỷ đỏ" như Nicky Butt hay thậm chí Ryan Giggs) thì ông lại phải đau đầu với số "cấp dưới" chịu trách nhiệm ở cả mảng khác mà tiêu biểu nhất là đội ngũ tuyển trạch viên, chịu trách nhiệm săn lùng, đánh giá, xem xét, tư vấn những mục tiêu chuyển nhượng phù hợp cho đội bóng. Theo quan điểm của Moyes, họ đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dẫn đến sự thất thế của Man Utd trên TTCN để rồi trong cả mùa hè vừa rồi, nhà ĐKVĐ Premier League chỉ chiêu mộ được duy nhất tiền vệ Fellaini thuộc diện có "số má" trong khi hàng loạt mục tiêu khác lần lượt tuột khỏi tầm tay. Với Moyes, những tuyển trạch viên ngoài con mắt nhìn người thì cần phải tính toán được phần trăm cơ hội thành công trong mỗi thương vụ cũng như phải biết thu thập thông tin một cách chính xác. Còn nhớ, hồi cuối tháng 6, Man Utd đã xác định Thiago Alcantara là mục tiêu số 1 sau khi tiền vệ này quyết chí rời khỏi Nou Camp. Tuy nhiên, M.U lại gặp vấn đề trong việc xác định mức phí chuyển nhượng phù hợp dành cho Thiago mà phần lỗi thuộc về các tuyển trạch viên, cụ thể là người đứng đầu bộ phận này, Jim Lawlor vì không nắm được điều khoản phá vỡ hợp đồng đã được quy định sẵn, thậm chí còn gửi về đại bản doanh những báo cáo thiếu thống nhất, khiến đội bóng chẳng biết đâu mà lần để rồi Thiago rơi vào tay Bayern Munich. Không những vậy, Lawlor còn chứng tỏ tài thương thuyết dở tệ khi chẳng thu được thành quả này trong buổi gặp gỡ gia đình Thiago. Về sau, người đàn ông cũng đến từ Scotland này còn tham gia ở những vụ chuyển nhượng khác (Cesc Fabregas, Ander Herrera, Coentrao hay Sami Khedira) và kết quả ra sao thì ai cũng rõ. Kể ra cũng cần phải thông cảm cho họ vì bao năm qua, dưới cái bóng quá lớn của Sir Alex, họ không được "rèn giũa" nhiều mà chỉ là dạng "chỉ đâu đánh đấy", dẫn đến năng lực không thể phát triển. Nay, khi buộc phải "tự thân vận động" nhiều hơn dưới triều đại mới, họ bắt đầu để lộ lắm hạn chế.
Do đó, Moyes đang muốn dẹp bỏ đi toàn bộ đội ngũ tuyển trạch viên hiện tại, thay thế bằng những con người mới do chính ông tuyển lựa hòng nâng cao hiệu quả làm việc và tăng cường sự hợp tác, đặc biệt sau khi phải "điều trần" trước các ông chủ đội bóng về kỳ chuyển nhượng mùa hè thất bát. Ban lãnh đạo Man Utd chắc chắn sẽ ủng hộ Moyes hết mình bởi đó cũng là cách họ thể hiện niềm tin tuyệt đối dành cho ông. Vấn đề bây giờ chỉ là Moyes sẽ lựa chọn ai bởi ngày nay, nền tảng thành công của một CLB không thể thiếu khâu chuyển nhượng.
Bảo Phương - Bongda24h.vn