(Bongda24h) - Từng để lại nhiều ấn tượng ở Crystal Palace, giúp đội bóng cũ thăng hạng Premier League thành công đồng thời thi đấu khá hay trong loạt trận giao hữu mùa hè, những tưởng tài năng trẻ Wilfried Zaha sẽ sớm tạo được sự đột phá trong đội hình Man Utd ngay từ mùa giải này song rốt cục, anh gần như bị Moyes bỏ rơi dù cho nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị vị HLV này phải trao cơ hội cho Zaha. Liệu Moyes đã không sáng suốt hay Zaha thực sự chưa đủ tầm khoác áo Man Utd? Một câu hỏi không dễ tìm lời đáp chính xác nhất.
Bắt đầu được chú ý đến từ mùa giải trước nhờ những màn trình diễn xuất sắc tại Crystal Palace, Zaha chính thức trở thành cầu thủ thuộc biên chế đội bóng số 1 nước Anh bằng bản hợp đồng trị giá 10 triệu bảng (sẽ tăng lên 15 triệu tuỳ vào thành tích, đóng góp của Zaha) song anh được ở lại Crystal Palace đến hết mùa. Zaha đã giữ vững được phong độ để góp công lớn đưa CLB này lên chơi ở hạng đấu cao nhất của nước Anh sau nhiều năm xa cách. Bởi thế, chẳng có gì khó hiểu khi Moyes đã quyết định đưa Zaha về Old Trafford thay vì để anh tiếp tục gắn bó với đội bóng cũ như nguyện vọng tha thiết của Crystal Palace. Zaha đã có mặt trong chuyến du đấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và được xem là cầu thủ chơi tốt nhất đội cùng với Jesse Lingard nên có thêm cơ sở để người ta tin rằng Zaha sẽ là thứ "vũ khí bí mật" của Moyes trong mùa bóng 2013-2014.Zaha cần phải bình tĩnh khi không được ra sân
Tuy nhiên, rốt cục, cuộc sống ở Man Utd lại trở thành địa ngục với Zaha. Anh được ra sân ngay ở trận đầu tiên của mùa giải (trận tranh Community Shield) và thi đấu trong 61 phút trước khi bị thay bằng đàn anh Valencia. Chẳng rõ có phải do Zaha chơi không đủ hay mà sau đó, ngôi sao triển vọng sinh năm 1992 hoàn toàn bị lãng quên. Zaha chưa hề được sử dụng ở đấu trường Premier League, thậm chí chỉ 3 lần xuất hiện trên băng ghế dự bị, bất chấp nhiều gương mặt khác rất thiếu ổn định và liên tục gây ra nỗi thất vọng (nhưng lại "cứng tuổi", giàu kinh nghiệm hơn) vẫn được Moyes tung ra sân không ít. Sự xuất hiện của Zaha ở chiến thắng tưng bừng gần đây trước Norwich City tại cúp Liên đoàn Anh mới là lần thứ hai anh hiện diện ở đội hình thi đấu của Man Utd. Không phủ nhận, Zaha đã chơi tròn vai dù rằng anh không thể ấn tượng bằng người đồng đội cùng thời, Adnan Januzaj bên cánh bên kia. Zaha đã thể hiện được phần nào những tố chất cần thiết của một cầu thủ đá cánh: tốc độ, dũng mãnh và vài quả tạt chuẩn xác.
Rõ ràng, Zaha không đến mức quá tệ hay chưa đủ trưởng thành để đứng vào hàng ngũ đội 1 Man Utd. Càng kỳ lạ hơn khi Moyes đã từng đặt niềm tin vào Januzaj, một gương mặt trẻ hơn tới 3 tuổi và kinh nghiệm chắc chắn không bằng (trước đó, Januzaj mới chỉ loanh quanh ở đội trẻ Man Utd còn Zaha ít ra đã có gần 3 năm chinh chiến tại giải hạng Nhất, chưa kể ghi được không dưới 20 bàn thắng và tạo ra không ít đường chuyền kiến tạo khác) thì tại sao lại nhất quyết không tạo điều kiện cho Zaha. Hãy nghe David Moyes giải thích ra sao về quyết định của mình: "Đây chưa phải thời điểm thích hợp để tạo cơ hội cho anh ấy ra sân thường xuyên như mong muốn chính đáng. Tôi không thích đốt cháy giai đoạn và xin nhắc lại một lần nữa, tôi sẽ xem xét nghiêm túc vấn đề của Zaha trong tháng 1 sau khi anh ấy đã có hơn 6 tháng hoà nhập vào môi trường mới. Ngoài ra, cần lưu ý rằng sự cạnh tranh ở vị trí đá cánh tại Man Utd hiện tại là vô cùng lớn lớn vì chúng tôi đang sở hữu rất nhiều lựa chọn tốt như Nani, Antonio Valencia, Ashley Young, Adnan Januzaj và thậm chí cả Shinji Kagawa. Đúng là Zaha không làm gì sai, chỉ là tôi không dễ thu xếp cho anh ấy một chỗ trong đội hình. nhưng hãy kiên nhẫn chờ đợi tới tháng 1 tới. Cuối cùng, tôi muốn khẳng định lại Zaha luôn nằm trong kế hoạch của tôi".
Nếu chỉ căn cứ vào lời thanh minh của Moyes thì e rằng, mọi thứ càng trở nên mù mờ bởi nó thể hiện rõ sự "chống chế" của ông (chẳng hạn, Moyes dường như không chọn tiền vệ cánh theo tiêu chí phong độ hiện tại vì ai cũng thấy rõ ngoài Januzaj và phần nào là Kagawa thì cả Nani, Valencia hay Young đều thể hiện không tốt trên sân). Duy nhất một lời biện minh mà Moyes đưa ra nghe lọt tai: tránh "đốt cháy giai đoạn" trong việc sử dụng cầu thủ trẻ. Tài năng, triển vọng, tương lai tươi sáng của Zaha là những thứ không cần phải bàn cãi nhưng rõ ràng, anh còn quá thô ráp, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ bản lĩnh. Đặc biệt trong bối cảnh Man Utd khởi đầu mùa giải vô cùng chật vật, bất ổn thì không chỉ Moyes mà bất cứ nhà cầm quân nào dẫn dắt các đội bóng lớn cũng không thể liều lĩnh trao trách nhiệm cho những gương mặt trẻ (trường hợp của Januzaj sẽ đề cập chi tiết ở phần dưới) bởi làm như thế, rất có thể vừa hại cho chính CLB vừa ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của các "măng non". Thông thường chỉ những đội bóng nhỏ "chẳng có gì để mất" hay những HLV sắp mất ghế mới dám đưa ra những quyết định "động trời" chứ đừng mơ, trong một chốc một lát, những đại gia như Man Utd sẵn sàng thay máu đội hình và trao trọng trách cho nhiều tài năng trẻ chưa thành danh.
Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện hơn thì cần phải xét thêm vài yếu tố nữa mà Moyes không tiện nói ra. Thứ nhất, về mặt bản chất, Zaha là một tiền đạo (cánh hoặc trung tâm) nên trong giai đoạn hiện nay, hoàn toàn không phù hợp với sơ đồ 4-4-2 tập trung chủ yếu vào đá cánh mà Moyes đang triển khai ở Man Utd. Sự khác biệt lớn nhất giữa tiền vệ cánh và tiền đạo cánh nằm ở chỗ: tiền vệ cánh sẽ phải bám biên nhiều hơn, tạt bóng nhiều hơn trong khi các tiền đạo cánh (ở đấu pháp 4-3-3 hoặc 4-2-3-1) thì không phải tạt bóng nhiều, thay vào đó phải thường xuyên đột nhập vào trung lộ, phối hợp nhóm với trung phong hoặc trực tiếp lập công ghi bàn. Ví dụ tham khảo sống động nhất chính là lối chơi của Barcelona. Do đó, hiển nhiên Zaha làm sao có thể sở hữu được kỹ năng tạt bóng hoàn hảo của một tiền vệ cánh chính hiệu nên việc không có được chỗ đứng là hết sức dễ hiểu. Bởi thế, hoặc Man Utd thay đổi lối chơi hoặc bản thân Zaha phải nỗ lực tự hoàn thiện bản thân thì may ra, anh mới được sử dụng nhiều hơn.
Thứ hai, không khó để nhận ra Moyes đã chọn cho mình một bộ mặt thận trọng, đề cao sự an toàn, không dám mạo hiểm, thậm chí đôi lúc trở nên quá bảo thủ trong quãng thời gian đầu dẫn dắt Man Utd. Điều này được thể hiện từ cách dùng nhân sự, bố trí đội hình, quan điểm chiến thuật cho đến việc tiếp cận từng trận đấu cụ thể. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Moyes đột nhiên đặt niềm tin vào Adnan Januzaj là do đang thiếu một "kèo trái" xịn để thi đấu bên hàng lang trái (ai cũng rõ Ashley Young hay Nani, hai gương mặt thường xuyên được đá cánh trái hồi Alex Ferguson nắm quyền, đều thuận chân phải còn lão tướng Ryan Giggs đã quá già, không đủ thể lực tung hoành. Trong khi Kagawa đâu biết đá cánh mà sở trường của anh là tiền vệ trung tâm mang hơi hướng nhạc trưởng. Bằng chứng là Kagawa chỉ là chính mình khi được trả về khu vực giữa sân. Mấy trận bị đẩy sang cánh trái, Kagawa thi đấu khá tệ) chứ đặt giả thuyết trong tay ông có một tiền vệ trái giỏi (nếu mua được Baines thì nhiều khả năng, cậu học trò cũ của Moyes sẽ được đôn lên tuyến giữa) thì Januzaj chưa chắc đã được trao cơ hội để toả sáng. Chính vì lý do an toàn mà Moyes càng không thể sử dụng Zaha, trừ phi ông thực sự cần giống trường hợp của Januzaj.
Xét cho cùng, hãy dành sự cảm thông và hiểu cho cái khó của Moyes trong chuyện sử dụng Zaha hay nói rộng hơn là những cầu thủ khác (Kagawa, Chicharito chẳng hạn). Bản thân sao trẻ gốc Bờ Biển Ngà cần học được chữ "nhẫn". Tương lai của anh rất có thể nằm ở Old Trafford nhưng không phải lúc này, khi đội bóng vẫn đang nỗ lực tìm đến sự ổn định dưới triều đại mới. Ngoài ra, đừng quên "sớm nở tối tàn" luôn là một định lý muôn thuở và thường xuyên đúng trong môn thể thao vua vì đơn giản, những cầu thủ được xem là "thiên tài xuất chúng" như Lionel Messi (nổi lên từ rất trẻ và không ngừng thăng tiến) hiển nhiên lâu lâu mới xuất hiện một người chứ bói đâu ra, sao trẻ nào cũng được liệt vào hàng ngũ đó, ngay cả khi từng toả sáng rực rỡ hồi mới khởi nghiệp. Đa phần họ đều phải trải qua quá trình khổ luyện, "nếm mật nằm gai" để có được một sự nghiệp thành công.
Bảo Phương - Bongda24h.vn