Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

“Đại chiến đỏ” M.U - Liverpool: Tạm biệt...

Thứ Bảy 20/03/2010 22:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Như một sự sắp đặt kỳ lạ, cứ khi bị dồn vào chân tường ở mùa giải này, Liverpool lại phải chạm trán M.U. Chiến thắng 2-0 tại Anfield cuối tháng 10/2009 đã giúp Rafael Benitez gỡ bỏ được phần nào sức ép khổng lồ lúc đó. Nhưng tình thế hiện tại còn hung hiểm hơn rất nhiều khi quỹ thời gian đang cạn dần. Old Trafford sẽ được nhuộm bởi màu Đỏ nào tối Chủ nhật tới, trong một bước ngoặt quan trọng của mùa giải?

Quá khứ

Mỗi khi M.U gặp Liverpool, đó luôn là “derby” của bóng đá Anh. Có thể những derby vùng miền như Man Đỏ với Man Xanh hay Liverpool với Everton được cho là nảy lửa hơn, nhưng đại chiến Đỏ mới đích thực thể hiện hết sự khốc liệt và kình địch cao độ.

M.U - Arsenal thì sao? Đó là màn ganh đua luôn đầy hấp dẫn trong gần như suốt chiều dài lịch sử giải Ngoại hạng. Nhưng câu chuyện chủ yếu trên sân cỏ, có chăng “thêm mắm dặm muối” vào đó là cuộc đối đầu và những màn khẩu chiến giữa Sir Alex Ferguson với Arsene Wenger. Tuy nhiên, khi Arsenal sa sút vài năm gần đây, đại chiến này cũng nhạt dần. Và hai ông thầy cũng chẳng còn gấu ó nhau “nhiệt tình” như trước.

Tạm biệt Rafael Benitez?


M.U-Chelsea thì sao? Cũng chỉ đơn thuần là chuyên môn. Đồng thời, cũng cần nhắc lại rằng Chelsea mới nổi lên từ sau sự xuất hiện của Roman Abramovich cùng Jose Mourinho mà thôi. Kể cả mùa giải này, khi M.U cùng Arsenal và Chelsea đang đua “tam mã” gay cấn, những màn đấu tay đôi đó cũng khó mà so sánh được với ý nghĩa đặc biệt khi “The Reds” đụng độ “Red Devils”. Nó hội tụ đầy đủ nhất những tiêu chuẩn cho một cặp derby lý tưởng từ yếu tố địa lý, ân oán dai dẳng mang tính lịch sử và xã hội cho đến câu chuyện trên sân cỏ.

Liverpool và Manchester chỉ cách nhau vẻn vẹn 30 dặm đường. Còn ân oán thì là câu chuyện đầy ắp yếu tố từ quyền lực địa phương cho đến... âm nhạc. Các fan kỳ cựu của Liverpool luôn cay cú khi nhìn hình ảnh con thuyền trên logo M.U (ngay phía trên hình ảnh “Quỷ đỏ”). Nó tượng trưng cho kênh Manchester được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, giúp thành phố này vận chuyển hàng hóa trực tiếp vào cảng của mình mà không phải “qua cửa” Liverpool vốn là độc quyền trước đó. Chính con kênh trên khiến không ít người dân Liverpool mất việc và bị coi là một nguyên nhân khiến thành phố cảng này sa sút trong khi Manchester vươn lên đầy tự tin và nhiều ảnh hưởng như hiện nay. Rồi cũng chính từ Manchester đã ra đời trào lưu âm nhạc được gọi là “Madchester” trong thập niên 80 và 90, đòi lại ít nhiều mảnh đất tinh thần vốn trước đó bị trào lưu Beatlemania độc chiếm.

Nhưng trên hết thảy, đó vẫn là sự ganh đua trên sân cỏ giữa hai đội bóng thành công nhất xứ sương mù...

Hiện tại

Cuộc cạnh tranh ấy bắt đầu từ thập niên 60 và kéo dài cho đến tận ngày nay. Họ ghét nhau đến nỗi lần gần nhất có một cuộc chuyển nhượng giữa hai màu Đỏ là từ tận... năm 1964 với Phil Chisnall từ M.U chuyển sang Liverpool.

Liverpool luôn ngạo nghễ là cái tên thành công nhất bóng đá Anh với 5 lần vô địch châu Âu và 18 lần đăng quang quốc nội. Nhưng ngoại trừ danh hiệu Champions League năm 2005 ở mùa đầu tiên của triều đại Benitez, tất cả đều là những vàng son xa xăm mà thôi. Lần gần nhất họ bước lên đỉnh cao trong nước là mùa giải 1989-90. Đã 20 năm trôi qua, quãng thời gian đủ để một con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Nhưng Liverpool vẫn mãi trong cảnh “ăn mày dĩ vãng”.

Họ cũng không bám víu vào quá khứ được lâu nữa. Kỷ lục 18 lần vô địch quốc nội đã bị M.U san bằng trong mùa giải trước. Và trong khi màu Đỏ ở Old Trafford vẫn đang thắm cùng hy vọng đăng quang lần thứ 19, lọt vào chung kết Champions League lần thứ 3 liên tiếp thì màu Đỏ ở Anfield đã phai đến nhạt nhòa. Bị loại sớm ngay từ vòng bảng năm nay chưa đủ đau. Đứng trước nguy cơ thất bại nốt ở giải an ủi Europa League chưa đủ xót. Nghiêm trọng hơn thế là viễn cảnh không giữ nổi chỗ trong top 4 Premier League, đồng nghĩa với việc vắng mặt ở sân chơi quen thuộc (cũng là nguồn thu quan trọng) Champions League mùa sau. Thêm muối xát vào vết thương đang vỡ dần đó: một trong những đối thủ thách thức tấm vé Champions League chính là Man. City. Lại là thành Manchester!

Liverpool là quá khứ còn MU là hiện tại và cả tương lai


Những thất bại như trước Wigan ở vòng 29 chẳng còn làm Anfield phải rên xiết. Họ quá quen với nỗi đau kiểu đó rồi. Khúc ca “You’ll never walk alone” vẫn vang lên nhưng thanh âm chông chênh ngả về bi tráng. Dĩ nhiên, như mọi đội bóng giàu truyền thống khác, Liverpool đầy ắp người hâm mộ trung thành luôn sát cánh bên cạnh. Họ không bao giờ phải hành trình đơn độc. Chỉ có điều, đó không phải là những bước chân háo hức cùng những cái đầu ngẩng cao. Và con đường đang là sự tụt lùi báo động.

Năm 1993, M.U chấm dứt cơn khát 26 năm bằng chức vô địch Premier League, danh hiệu thứ 8 trong lịch sử CLB. Năm 1994, trong trận đại chiến Đỏ ở Anfield, một biểu ngữ được các fan Liverpool căng lên đầy khiêu khích: “Au revoir Eric Cantona and M.U... Come back when you’ve won 18” (Chào tạm biệt Eric Cantona và M.U... Trở lại khi nào vô địch đủ 18 lần nhé). Lượt đi hồi tháng 10 năm ngoái, các fan M.U đã giễu lại bằng vô số những mặt nạ Cantona trên các khán đài Anfield. Chỉ 16 năm thôi, trong khi Liverpool trắng tay thì M.U đã đuổi kịp.

Tương lai

Màn phục thù ấy của M.U không trọn vẹn. Họ thua 0-2 và đấy là chiến thắng đầy thuyết phục cho Liverpool, dù không có Steven Gerrard bởi chấn thương. Nhưng bật dậy từ thế chân tường như vậy cũng chẳng giúp Anfield thoát khỏi nỗi u ám kéo dài đến tận lúc này.

Tại sao một đội bóng đã ganh đua quyết liệt đến tận chặng cuối mùa giải năm ngoái lại rơi không phanh như vậy? Đừng đổ cho hậu trường lộn xộn. M.U cũng có những ông chủ Mỹ tham lam, cũng đang rối bời bởi sự phản đối của các fan. Đừng đổ cho một mùa Hè trầm lắng vì thiếu kinh phí. M.U thậm chí còn chia tay cả Cristiano Ronaldo cùng Carlos Tevez còn Chelsea hay Arsenal cũng chẳng có sự tăng cường nào đáng kể. Đừng đổ cho những chấn thương ám ảnh Gerrard và Fernando Torres. Đấy là các rủi ro mà một HLV đẳng cấp nào cũng phải học được cách quản lý, khắc phục. Mọi bao biện sẽ chẳng khác gì lời thở than: “Giá như không có ruồi... ” mà thôi.

Đã khá rõ rằng Benitez không phải là người giúp Liverpool tìm lại được vinh quang quá khứ. Đêm “hoang đường” Istanbul năm 2005 thực tế chỉ càng làm tăng ảo tưởng ở Anfield và nỗi đau nhiều hơn khi vỡ mộng. Đã 5 năm, một phong cách vẫn chẳng được định hình. Hãy thử so sánh. Nói đến Arsenal, ai cũng nghĩ ngay đến thứ bóng đá đẹp, trong trẻo như một ly champagne. Nói đến M.U, ai cũng nghĩ ngay đến một phong cách đậm đà, hòa trộn khéo léo giữa tấn công với phòng thủ như một ly vang. Nói đến Chelsea, ai cũng nghĩ ngay đến chất cứng cáp, lạnh lùng và mạnh mẽ như một ly whisky. Còn nói đến Liverpool thì hình ảnh nào đây? Vô vị như một ly nước sông Mersey!

Tất nhiên, họ cũng có không ít trận bừng sáng, thể hiện được bản lĩnh ở tình thế hiểm nguy như chiến thắng M.U tại lượt đi mùa này chẳng hạn. Chỉ có điều, phong cách không phải là thứ hình thành từ những thăng hoa đột xuất. Phong cách là sự hun đúc của cả một quá trình mà vai trò HLV rất quan trọng. Có người với những lợi thế khách quan mạnh như Jose Mourinho nhanh chóng tạo dựng được hình ảnh Chelsea. Có người cần thời gian mà cụ thể ngay cả Sir Alex cũng mất tới 4 năm mới đem về Old Trafford được danh hiệu đầu tiên và dần định hình một bản sắc. Benitez đã có lợi thế là thành công rất nhanh với danh hiệu Champions League (Sir Alex mất 13 năm mới đưa M.U trở lại được ngôi vị số 1 châu Âu). Nhưng tiếc rằng đó không phải là một bệ phóng như Anfield chờ đợi.

Đây không phải lúc nói về chuyện sa thải Benitez bởi dù chẳng hiểu mấy về bóng đá, những ông chủ Mỹ cũng đủ khôn ngoan không làm tình hình lộn xộn hơn ở giai đoạn sống còn này. Song, không nhiều người tin rằng chiếc ghế đó vẫn y nguyên trong mùa sau nếu Liverpool bị hất văng khỏi Top 4. Để cứu mình, cứu niềm tự hào của “The Reds” đang bị đánh cắp, Benitez không còn được phép phạm sai lầm nào nữa. Tuy nhiên, liệu có dễ thế không khi phía trước đang là M.U đầy hào hứng hướng tới kỷ lục 19 lần vô địch, một kỷ lục sẽ thuộc về riêng họ mà thôi?

Phải chăng Old Trafford đang chuẩn bị thốt lên: “Goodbye Liverpool and... Benitez” (Tạm biệt Liverpool và... Benitez)?

* Fernando Torres: Trung bình 98 phút anh lại ghi được 1 bàn ở Premier League mùa này.

* Wayne Rooney: Trung bình 95 phút anh lại ghi được 1 bàn ở Premier League mùa này. Tất cả 25 bàn của Rooney tại Premier League đều được thực hiện bên trong vòng cấm địa đối phương.

* Kể từ sau trận thua Aston Villa 0-1 ngày 12/12/2009, M.U chưa để thủng lưới bàn nào tại Old Trafford trong 7 vòng gần đây.

* Do tính chất đặc biệt căng thẳng giữa các fan hai đội mỗi khi đối đầu, lịch đấu trận “derby Đỏ” ở Premier League luôn được đẩy lên rất sớm để tránh nguy cơ phát sinh các vụ xô xát sau hồi còi chung cuộc.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X