Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Cựu "Quỷ đỏ" nhận mức lương "siêu rẻ rúng": 90 bảng/tuần

Thứ Hai 05/12/2011 11:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Bojan Djordjic, tiền vệ 28 tuổi người Thụy Điển gốc Serbia từng có thời gian khoác áo Man Utd, đang rơi vào cảnh "chết đói" và phải nhờ đến sự viện trợ từ người đồng đội cũ John O'Shea mới có thể đủ sống bởi mấy tháng qua, anh chỉ được nhận mức lương đúng 90 bảng/tuần tại đội bóng hạng nhất Blackpool.

Nếu quy đổi sang tiền Việt thì 90 bảng tương đương với khoảng 3 triệu VNĐ. Vị chi một tháng thu nhập của Djordjic, một cầu thủ chuyên nghiệp 100%, nằm ở mức 12 triệu VNĐ, cũng chỉ thuộc diện "trung lưu" tại đất nước hình chữ S thì thử hỏi ở một quốc gia phát triển như Anh quốc với mức sống đắt đỏ, Djordjic chắc chắn rơi vào nhóm "bần cùng nhất" xã hội (lưu ý, mức lương tối thiểu của một người công nhân lao động rất "tầm thường" tại Anh cũng phải trên 200 bảng/tuần).

Djordjic trong màu áo Blackpool hiện nay và Man Utd xưa kia

Đây thực sự là chuyện "thật như bịa" vì ai cũng rõ, ở mọi quốc gia, nghề cầu thủ lúc nào cũng rất cao quý với mức thu nhập bao giờ cũng phải nằm trên mặt bằng chung của xã hội. Chẳng thế mà, ở đâu, trở thành cầu thủ cũng là ước mơ với mọi cậu bé nghèo ham mê trái bóng tròn bởi chúng sẽ có cơ hội "đổi đời". Ấy thế mà, giữa nước Anh hoa lệ, lại có một cầu thủ không thể sống nổi với thu nhập mang lại từ môn Thể thao Vua dù đang chơi ở một hạng đấu khá cao (theo thang bậc tại đảo quốc sương mù, giải hạng Nhất chỉ đứng sau giải Ngoại hạng mà thôi, tức là tương đương với hạng 2 ở các nước khác). Không những vậy, bản "lý lịch" của Djordjic không quá "lởm".

Năm 1999, khi mới 17 tuổi, Djordjic đã lọt vào tầm ngắm đội ngũ săn lùng tài năng cho Man Utd lúc đang chơi bóng tại CLB Brommapojkarna bên quê hương thứ 2 Thuỵ Điển (Djordjic sinh ra tại đất nước Serbia nhưng lại trưởng thành tại Thuỵ Điển bởi người cha của anh, chơi bóng tại đây và sau khi kết thúc sự nghiệp, đã quyết định ở lại định cư chứ không về cố quốc Serbia). Nhanh chóng, các bên đi đến thoả thuận và Djordjic trở thành cầu thủ của Man Utd. Trong quãng thời gian đầu, anh để lại ấn tượng cực tốt tại đội trẻ, thậm chí còn được trao danh hiệu "Cầu thủ trẻ triển vọng nhất đội bóng". Tuy nhiên, giống như biết bao cầu thủ trẻ thuộc sở hữu của Man Utd, Djordjic được đi tu nghiệp ngắn hạn tại các đội bóng khác nhằm tích luỹ kinh nghiệm, phát triển sự nghiệp, chứng tỏ tài năng cho đến lúc nào đủ sức đứng vào hàng ngũ đội hình 1 thì sẽ được quay về Old Trafford. Chỉ có điều, Djordjic đã không làm được điều đó và phải rời khỏi MU vào năm 2005. Kể từ đó, tiền vệ sinh năm 1982 này cũng thể hiện rất làng nhàng ở mọi đội bóng anh gia nhập và vào mùa hè năm nay, Djordjic lang thang tới Blackpool, đội bóng vừa phải quay về giải hạng Nhất sau một năm thi thố tại đấu trường Premier League danh giá.

Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, chẳng lẽ lúc ký hợp đồng, Djordjic lại "dở hơi" đến mức chấp nhận một mức lương thấp đến thế. Thực tế, hợp đồng của Djordjic với Blackpool chỉ mang tính sự vụ, tức là Blackpool sẽ trả lương cho Djordjic căn cứ theo số lần ra sân. Nếu Djordjic không được thi đấu thì đồng nghĩa, chỉ nhận được duy nhất khoản "hỗ trợ dự bị" 90 bảng/tuần (đây là mức lương tối thiểu được quy định dành cho một cầu thủ chuyên nghiệp. Có lẽ, những nhà làm luật cũng không nghĩ rằng lại có những cầu thủ bị "đối xử" như vậy nên không tăng mức sàn này lên). Đáng buồn, kể từ ngày khoác áo Blackpool, tiền vệ này không được ra sân một phút nào với lý do: không đảm bảo thể lực (còn mức độ chính xác đến đầu thì có lẽ chỉ mình Blackpool biết) và thế là hàng tháng, được lĩnh đều đặn 270 bảng. Với mức thu nhập "rẻ mạt" như thế, Djordjic làm sao có thể xoay sở với cuộc sống ở mức tối thiểu nhất tại một quốc gia hùng mạnh ở châu Âu chứ chưa hề nói gì đến việc giúp đỡ gia đình ở Thuỵ Điển. Rất may, Djordjic có nhiều người bạn rất tốt và họ đã giúp đỡ anh vô tư. Chẳng hạn, John O'Shea, một cầu thủ từng nhiều năm thi đấu cho MU và hiện đang khoác áo Sunderland, đã hỗ trợ chi phí nhà cửa cho Djordjic (tất nhiên, cả hai quen biết nhau từ lúc còn thi đấu ở đội trẻ MU).

Cực chẳng đã, Djordjic đã phải liên hệ với Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh Quốc (PFA) để xin trợ giúp. Chẳng phải Djordjic muốn "xin tiền" (thực tế PFA cũng không phải "quỹ từ thiện" cứu đói cho cầu thủ) mà anh hy vọng PFA sẽ tác động đến Blackpool để anh được ra sân thi đấu hoặc nếu cảm thấy không đủ năng lực thì giải phóng tự do, để Djordjic được phép tìm kiếm CLB mới trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh" nhưng trường hợp của Djordjic có lẽ cũng đáng được liệt vào diện "hy hữu" bởi đa phần cầu thủ ra đi từ Man Utd, kể cả có "tệ" như Djordjic, thì cũng không đến mức quá "thảm hại" với mức lương không thể tin nổi.

  • Bảo Phương (Theo DailyMail/Bongdaplus)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X