Cú sảy chân bất ngờ của Chelsea, màn thoát hiểm của Moyes United và trận đấu quật cường của Arsenal trước Man City bỗng lại khiến cục diện Premier League trở nên khó lường và vào thời điểm này, không có điều gì là chắc chắn cả.
Sự chi phối của tâm lý
Phóng viên Ian White của tờ Telegraph nhận xét rằng “David Moyes trông rất thư giãn, hạnh phúc và đưa ra được chiến thuật đúng đắn”. Khi màn hình ti vi phát cảnh máy bay do CĐV Man United thuê kéo tấm biểu ngữ “Lựa chọn sai lầm, Moyes biến đi” bay ngang sân Old Trafford, Moyes trông khá bình thản. Ngay cả khi bị dẫn trước, thì ông cũng không có cái vẻ của một kẻ đã cầm chắc thất bại nữa.Mourinho lại sảy chân, nhưng cuộc chơi vẫn nằm phần lớn trong tay ông.
Moyes có lẽ đã chịu đủ những áp lực, đến mức bây giờ, ông có phần “trơ” khi đối diện với nó. Man United thực sự cũng đã chơi với tâm lý không còn gì để mất sau bàn thua đầu tiên, và họ đã lội ngược dòng thành công.
Những biểu hiện bất ổn tâm lý đã xuất hiện trong thất bại bất ngờ của Chelsea: Mourinho vốn là một người không làm những điều vô ích, nhưng cách ông dọa dẫm đấm vào mặt một cậu bé nhặt bóng chỉ vì cho rằng cậu ta câu giờ không phải là cách hành xử đẹp và trên hết, có tính toán như bản tính vốn có của Mourinho.
Tâm lý có lẽ cũng tác động phần nào đến trận đấu giữa Arsenal và Man City. Arsenal, sau thảm bại 0-6 trước Chelsea, vẫn dồn đội hình lên tấn công và quyết giành lấy 3 điểm. Trong khi đó, đội bóng của HLV Manuel Pellegrini lại chơi với tâm lý có phần e ngại và họ không dám bung phá trong khoảng thời gian cuối, sau khi bị gỡ hòa, dù sở hữu lực lượng tốt hơn.
Pellegrini và Man City vào thời điểm ấy có lẽ đã chịu sức ép của ứng cử viên số một, điều mà Mourinho đã “cấy” vào đầu họ bằng những phát ngôn nhún nhường trước truyền thông. Arsenal, ngược lại, cũng đã chơi với tâm lý tương tự Man United: Không còn gì để mất.
Trò chơi của Mourinho
Không có HLV nào chủ động chi phối cuộc chiến tâm lý như Mourinho: Từ đầu mùa đến giờ, HLV người Bồ luôn cố “thuyết phục” Man City rằng họ là ứng cử viên số một. Và đó là một chiến dịch có hệ thống.
Ngày 25/10, Mourinho nói: “Họ có hai đội hình đều tuyệt vời. Một trên sân và một trên băng ghế dự bị lẫn khan đài. Một đội ngũ tuyệt vời và những cầu thủ tuyệt vời. Manuel Pellegrini sở hữu một đội bóng không thể tin nổi.”
Ngày 4/12: “Đội bóng phải chịu nhiều áp lực chiến thắng hơn vì đội hình độc nhất vô nhị của họ chính là Man City.” Ngày 14/3: “Man City, với sức mạnh đội hình nhường ấy, ở một đẳng cấp khác. Bạn không thể so sánh họ với bất kỳ CLB nào khác. Số cầu thủ cùng đẳng cấp mà họ có là quá tuyệt vời.” Ngày 19/3: “Tôi nghĩ Man City là đội bóng tốt nhất. Họ có những cầu thủ tốt nhất.”
Kết quả là dù sảy chân ở vòng đấu vừa rồi, Chelsea cũng không phải quá lo ngại, vì Man City, dưới áp lực của ứng viên số một do Mourinho “vẽ” ra, cũng bị cầm chân. Đó là sức mạnh của trò chơi tâm lý Mourinho bày ra. Thực tế là đội hình hiện nay của Chelsea và Man City có giá trị tương đương, vào khoảng hơn 300 triệu bảng. Nhưng quả bóng áp lực thì luôn bị đá vào chân của Man City.
Hãy nhớ lại là Arsenal của Arsene Wenger cũng đã từng chao đảo thế nào khi Mourinho tuyên bố rằng HLV người Pháp chỉ là một “chuyên gia thất bại”. David Moyes thậm chí đã hoảng lên từ đầu mùa (ông nói cứng rằng “Mourinho cứ việc mang tâm lý chiến đến đây”). Brendan Rodgers, người đã mỉa mai rằng mấy trò tâm lý chiến ở Premier League thật “ngu ngốc”, xem ra chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những lời lẽ xóc óc của HLV người Bồ.
Nhưng Mourinho gieo hạt giống và không cần nó phải lớn ngay, chỉ cần đúng thời điểm. Như cú vấp của Man City vừa qua, sau khi Chelsea sảy chân. Nhưng người chi phối trò chơi này cũng phải giải quyết một vấn đề lớn: Chelsea đang tỏ ra quá bối rối trước các đội bóng nhỏ.
Theo Thể Thao Văn Hoá